Nga "tung đòn chí mạng" S-400, Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ - NATO có "huynh đệ tương tàn"?

Quốc Vinh |

Với kịch bản Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi NATO vì S-400, điều này sẽ phải đáp ứng được 3 câu hỏi: Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị đuổi khỏi liên minh không? Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ muốn vẫn là một phần của liên minh? Và tại sao NATO muốn giữ Thổ Nhĩ Kỳ trong liên minh?

3 câu hỏi lớn

Câu hỏi về việc Thổ Nhĩ Kỳ có đáng bị loại khỏi NATO hay không đã được nhắc đến rất nhiều sau thương vụ mua tên lửa S-400 đình đám của Nga gần đây.

Cho đến lúc này, nhiều người vẫn đang tự hỏi: Làm thế nào mà một thành viên của tổ chức quốc phòng lớn nhất thế giới (NATO) lại mua một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất từ ​​chính quốc gia mà tổ chức này được thành lập để chống lại?

Tuy nhiên, cây bút bình luận Ali Demirdas trong một bài viết trên Jerusalem Post lại cho rằng chính Mỹ chứ không phải NATO đã khiến tên lửa S-400 trở thành "chuyện bé xé ra to".

Trong vụ việc lùm xùm vừa qua, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg là người nhiều lần kêu gọi đối thoại, nhắc lại rằng "Thổ Nhĩ Kỳ quan trọng hơn so với tên lửa S-400", trong khi Washington lại liên tục đưa ra các lời đe dọa đối với Ankara, và điều này đã làm phản tác dụng.

Trên thực tế, không hề có thành viên NATO nào khác ngoài Mỹ đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề tên lửa S-400.

Với kịch bản Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi NATO, điều này sẽ phải đáp ứng được 3 câu hỏi: Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị đuổi khỏi liên minh không? Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ muốn vẫn là một phần của liên minh? Và tại sao NATO muốn giữ Thổ Nhĩ Kỳ trong liên minh?

Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị đuổi khỏi NATO hay không?

Câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên khá đơn giản. Thổ Nhĩ Kỳ không thể bị đuổi khỏi NATO vì không có một cơ chế nào trong hiệp ước cho phép các quốc gia thành viên loại một thành viên khác ra ngoài.

Trường hợp của NATO cũng giống như Liên minh châu Âu. Trong cuộc khủng hoảng 2008-2009, nền tài chính sụp đổ của Hy Lạp đã trở thành cả gánh nặng cho EU. Nhiều người tự hỏi tại sao Brussels không đơn giản chỉ là đẩy Athens ra khỏi khối.

Dẫu vậy, lựa chọn đó đã không xảy ra mặc dù tình thế nghiêm trọng của Hy Lạp đã khiến toàn bộ châu Âu khốn đốn. Thay vào đó, Brussels quyết định đổ tiền vào để giúp Athens cầm cự và thoát khỏi khó khăn.

Về cơ bản, một thành viên EU chỉ có thể rời khỏi liên minh một cách tự nguyện và đó là những gì công chúng nhìn thấy với trường hợp của Vương quốc Anh.

Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ về mặt kỹ thuật sẽ vẫn ở lại NATO trừ khi chính phủ của họ tiến hành kế hoạch rời bỏ. Thậm chí, ngay cả khi một cuộc chia tay diễn ra, sẽ mất đến một thập kỷ để các cuộc đàm phán được hoàn thành.

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ vẫn muốn là thành viên NATO?

Nga tung đòn chí mạng S-400, Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ - NATO có huynh đệ tương tàn? - Ảnh 2.

Đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ sẽ mất một đồng minh lớn.

Thứ nhất, NATO là một liên minh chính trị và cũng là liên minh quân sự. Hơn hết tổ chức này là một liên minh có uy tín. Trở thành một phần của NATO cũng giống như là một phần của thế giới đang phát triển, điều mà Thổ Nhĩ Kỳ đã khao khát kể từ khi đất nước thành lập.

Thứ hai, bằng cách ở lại liên minh, Thổ Nhĩ Kỳ có thể ảnh hưởng lớn đến các chính sách được thực hiện tại Brussels. Về nguyên tắc, tất cả các quyết định của NATO đều cần có sự đồng thuận của các thành viên.

Do đó, Ankara có thể ngăn chặn một cách hiệu quả bất kỳ quyết định nào mà họ cho là chống lại lợi ích của mình.

Quyền phủ quyết này đặc biệt quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ do tính nghiêm trọng của cuộc xung đột ở Đông Địa Trung Hải. Hy Lạp (một thành viên NATO), người Síp Hy Lạp và Israel đã thành lập một liên minh chống lại Thổ Nhĩ Kỳ tại đây.

Khi khả năng đối đầu quân sự ở Đông Địa Trung Hải ngày càng trở nên rõ ràng và ý tưởng về việc Israel trở thành thành viên NATO đang được thảo luận ngày càng nhiều - Thổ Nhĩ Kỳ có thể sử dụng quyền phủ quyết của mình trong trường hợp cần phải ngăn chặn Hy Lạp và Israel.

Ngoài ra, nguy cơ một cuộc đối đầu quân sự toàn diện giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ trên biển Aegean đã giảm đi rất nhiều vì cả hai quốc gia đều là "đồng minh NATO".

Cuối cùng, tại sao NATO muốn giữ Thổ Nhĩ Kỳ ở lại liên minh?

Trước hết, sức mạnh quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của nước này trong liên minh chỉ thua mỗi Mỹ.

Không có Thổ Nhĩ Kỳ, cánh châu Âu của NATO sẽ trở nên khá yếu. Hơn nữa, tầm quan trọng địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ là vô cùng cần thiết đối với cả Châu Âu và Mỹ. Đây là thành viên NATO duy nhất có biên giới với Trung Đông (Syria, Iraq và Iran) và châu Âu.

Thổ Nhĩ Kỳ được coi như một bức tường chắn giữ cho châu Âu thoát khỏi tác động cuộc khủng hoảng Syria và là nơi lưu trữ hơn 4 triệu người tị nạn. Con số này là gần bằng một nửa dân số Hy Lạp.

Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ còn kiểm soát eo biển Bosporus và Dardanelles, hai trong số những điểm chốt quan trọng nhất trên thế giới để ngăn chặn Nga tiến ra biển Địa Trung Hải.

Điều quan trọng nhất cần lưu ý là bất kể mức độ hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga như thế nào, các nhà hoạch định chính sách Ankara đều hiểu rằng, trong 300 năm lịch sử vừa qua, mối quan hệ đối tác này chỉ phát triển dựa theo bối cảnh hiện tại ở Trung Đông và sẽ không có khả năng biến thành một liên minh toàn diện.

Thêm vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ còn có căn cứ không quân Incirlik và trạm radar Kurecik, cung cấp cho NATO khả năng sống còn để bảo vệ châu Âu từ các mối đe dọa phát ra từ khu vực Trung Đông.

Căn cứ Incirlik đã được chứng minh khá hiệu quả trong các cuộc chiến ở Balkan, Afghanistan và Syria. Mặc dù Síp, Kuwait và Belarus đã được coi là lựa chọn thay thế cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nếu so về vị trí chiến lược và cơ sở hạ tầng thì căn cứ Incirlik đã được chứng minh là không thể thay thế.

Tình trạng hiện tại của mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ giống như một cặp vợ chồng không tình yêu nhưng buộc phải kết hôn để hưởng ưu đãi về bảo hiểm và thuế. Nó khiến cho cả hai bằng mọi cách phải cứu vãn cuộc hôn nhân.

Bất chấp những thách thức hiện tại trong mối quan hệ với Mỹ và NATO, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ tiếp tục là một phần của NATO. Một cuộc ly hôn được coi là điều quá bất lợi cho cả hai bên, cây bút Ali Demirdas kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại