Iran tự tin mua vũ khí vào năm 2020 và có thể sẽ "hợp tác" với Mỹ?
Ngày 2/8, tờ Mehr News dẫn phát ngôn của Tổng thống Iran Hassan Rouhani rằng Thỏa thuận hạt nhân 2015 vẫn chưa bị vô hiệu hóa và nếu nó tồn tại đến năm 2020, tất cả các lệnh cấm vận vũ khí của Hoa Kỳ sẽ được dỡ bỏ.
"Nếu Thỏa thuận vẫn còn tồn tại vào năm tới, lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran sẽ được dỡ bỏ triệt để và chúng ta sẽ có thể bắt đầu mua hoặc bán bất kỳ loại vũ khí nào nếu muốn.
Một số người không muốn Thỏa thuận 2015 tồn tại, trong khi nó rất quan trọng liên quan đến các vấn đề chính trị và pháp lý".
Tổng thống Iran Hassan Rouhani
Bình luận về việc Mỹ rút đơn phương khỏi Thỏa thuận, Tổng thống Iran cho biết:
"Rủi ro là bản chất của thương mại và nếu người Mỹ hợp tác với Iran thì rủi ro sẽ ngả về phía các công ty châu Âu. Các bên còn lại trong Thỏa thuận đã hứa sẽ bồi thường cho việc đơn phương rút lui của Hoa Kỳ, nhưng việc đó vẫn chưa được thực hiện. "
Ông Rouhani nói tiếp: "Chúng tôi đã nói với họ (Châu Âu) rằng nếu họ không tuân thủ các cam kết, chúng tôi cũng sẽ giảm dần các cam kết của mình.
Chúng tôi có thể đạt được kết quả tích cực trong các cuộc đàm phán trong vài tuần tới; nhưng nếu không, chúng tôi sẽ thực hiện bước (leo thang) thứ ba một cách vững chắc hơn".
Bước leo thang thứ ba của Iran được cho là sẽ gia tăng tỉ lệ làm giàu Uranium lên mức 20% (cấp vũ khí) và liên quan đến 2 bước leo thang trước đó (tăng khối lượng dự trữ và tăng tỉ lệ làm giàu lên 4,5%) theo tuyên bố giảm dần cam kết với Thỏa thuận hạt nhân 2015 của Iran.
Một sĩ quan Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thử nghiệm súng trường tấn công Fateh, được cho là bản copy của súng trường modul hóa FN SCAR
Iran là những nhà đàm phán xuất sắc?
"Vì chúng tôi có thể bảo vệ đất nước, chúng tôi cũng sẽ bảo vệ nền kinh tế của mình.
Chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán, nhưng sẽ định hướng dựa trên giả định về thất bại của các cuộc đàm phán. Các nhà ngoại giao có thẩm quyền của chúng tôi vẫn đang cố gắng bảo vệ quyền lợi quốc gia của Iran".
Ông Rouhani nói thêm: "Với quyền lực được các lãnh đạo Cách mạng Hồi giáo trao cho Tổng thống, Iran đã có thể đạt được Thỏa thuận hạt nhân và đã giải phóng một khối lượng lớn tài sản của Iran bị đóng băng trong 100 ngày đầu tiên sau khi chính phủ nhậm chức".
Chúng tôi đã thảo luận và quyết định về thỏa thuận hạt nhân sau 7 cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao (Iran).
Trong bước tiếp theo, các lãnh đạo vui mừng nói với chúng tôi (chính phủ Iran) rằng hãy chịu trách nhiệm về toàn bộ hệ thống chính trị".
"Việc Liên Hiệp Quốc phê chuẩn nghị quyết "Thế giới chống lại bạo lực và chủ nghĩa cực đoan (WAVE)" được Iran đề xuất năm 2017 là một thắng lợi quan trọng", Tổng thống nói.
"Quá trình tăng công suất của các nhà máy điện lên 57% là kết quả của Thỏa thuận hạt nhân. Có thể thấy trong trường hợp của Iran, Hội đồng Bảo an LHQ đã công nhận quyền được tiếp cận năng lượng hạt nhân của Iran".
Vào tháng 12/2006, Hội đồng bảo an LHQ (HĐBA) đã áp đặt lệnh cấm vận một phần đối với việc xuất khẩu các công nghệ liên quan đến các hệ thống vũ khí có thể mang theo đầu đạn hạt nhân của Iran, bao gồm một số trang bị quân sự thông thường.
Vào tháng 3/2007, HĐBA đã bổ sung lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran. Điều này được tiếp nối vào tháng 6/2010 bởi lệnh cấm vận của LHQ đối với hầu hết các vũ khí thông thường tới Iran.
Cho tới nay những hạn chế của LHQ về cung cấp vũ khí cho Iran vẫn được áp dụng. Chúng đã được sửa đổi vào tháng 10/2015 (ngày ký Thỏa thuận Hạt nhân) cho phép cung cấp vũ khí và các thành phần và dịch vụ liên quan nhưng phải nhận được sự chấp thuận của HĐBA.
Điều khoản này sẽ được dỡ bỏ 5 năm sau ngày áp dụng Thỏa thuận hạt nhân, tức là vào ngày 18/10/2020.
Năm 2007, Nga và Iran đã ký một hợp đồng cung cấp hệ thống phòng không S-300 có tổng giá trị 900 triệu USD. Tuy nhiên, Nga chỉ bắt đầu bàn giao hệ thống sau khi HĐBA dỡ bỏ chính sách trừng phạt Iran.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran, ông Hussein Jaber Anssari xác nhận lô S-300 đầu tiên đã đến Iran vào ngày 11/4/2016.
Iran bắn thử hệ thống S-300 do Nga cung cấp (Nguồn Ruptly).