Nga từ bỏ tham vọng hải quân toàn cầu, chỉ hoạt động loanh quanh gần bờ?

Ly Vy |

Theo chuyên gia Alexander Shishkin, các tàu chiến hoạt động ven bờ sẽ là 1 ưu tiên trọng tâm của Hải quân Nga trong những năm tới đây.

Nga dường như đang đánh mất đi triển vọng về một cường quốc hải quân toàn cầu. Kết luận này được rút ra sau các tuyên bố chính thức từ Bộ Quốc phòng Nga về các ưu tiên phát triển hải quân trong 10 năm tới.

Thay vào đó, chuyên gia Alexander Shishkin trong bài viết mới đây trên tờ Nhật báo kinh doanh Vzglyad cho rằng, các tàu chiến "biển nâu" hay còn được hiểu là các tàu hoạt động ven bờ sẽ là 1 ưu tiên trọng tâm của Nga.

Ngày 29/11, phát biểu tại cuộc họp giữa các chỉ huy hải quân và lãnh đạo các công ty quốc phòng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov cho biết:

"Việc chế tạo các tàu chiến hoạt động ven biển trang bị tên lửa hành trình cũng như các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) và các tàu ngầm đa nhiệm sẽ là hạng mục quan trọng trong chương trình mua sắm vũ khí liên bang giai đoạn 2018-2027".

Thứ tự được đề cập tới như sau: Tàu chiến duyên hải, SSBN và tàu ngầm hạt nhân đa nhiệm. Điều này có nghĩa là, các tàu chiến "biển xanh" vẫn bị đặt ngoài lề chương trình mua sắm vũ trang mới. "Những đề xuất chính mà chúng tôi soạn thảo đã được thông qua," ông Borisov nói.

Nga từ bỏ tham vọng hải quân toàn cầu, chỉ hoạt động loanh quanh gần bờ? - Ảnh 1.

Tàu chiến tham gia diễu binh nhân ngày Hải quân Nga vào hôm 30/7 tại St. Petersburg. Ảnh: Alexandr Zemlianichenko

Từ những phát biểu hùng hồn...

Diễn biến trên giống như 1 "âm mưu" chống lại viễn cảnh đại dương của Hải quân Nga.

Ngày 20/7/2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông qua Các nội dung cơ bản về chính sách phát triển hải quân của nhà nước đến năm 2020, trong đó nêu rõ:

"Sự tồn tại của một lực lượng hải quân hùng mạnh sẽ đảm bảo các vị thế hàng đầu của Nga trong một thế giới đa cực ở thế kỷ XXI. Nga sẽ không cho phép sự thống trị độc quyền của Hải quân Mỹ hay của các nước khác. Nga sẽ hành động để chiếm vị trí thứ 2 trên thế giới về khả năng tác chiến".

Văn bản được ông Putin thông qua cũng rất nhiều lần đề cập tới việc Hải quân Nga phải hoạt động ở những khu vực xa xôi trên các đại dương của thế giới.

Ngày 30/7/2017, lần đầu tiên trong lịch sử nước Nga hiện đại, 1 cuộc phô diễn sức mạnh hải quân quy mô lớn đã được tổ chức tại St. Petersburg, Kronshtadt, Severomorsk, Vladivostok, Sevastopol và Baltiisk.

Sự kiện đã chứng minh cho công chúng Nga thấy rằng họ không phải chỉ có 1 hạm đội mà còn nên tự hào có 1 lực lượng hải quân đủ sức vươn ra các đại dương.

Ngày 06/10, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã nói với giới lãnh đạo quân đội rằng "tăng cường tiềm lực hải quân sẽ là 1 ưu tiên trong chính sách quân sự của Nga."

Phó Thủ tướng Nga, ông Dmitry Rogozin ngày 09/10 cũng phát biểu với Học viện Hàng hải rằng, Nga không thể nào mất đi vị trí của mình ở các đại dương.

Ngày 27/10, Bộ trưởng Shoigu tiếp tục nhắc lại: "Hải quân phải luôn hoàn thành sứ mệnh hiện diện ở các khu vực chiến lược quan trọng trên các đại dương. Trong bối cảnh tình hình chính trị - quân sự không ổn định, nó có 1 ý nghĩa đặc biệt."

Cùng với việc đưa tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đến Syria, liên tục hiện diện các tàu chiến lớn trên thế giới, tất cả dường như đang tạo ra cảm giác bùng nổ và phát triển của Hải quân Nga.

Nga từ bỏ tham vọng hải quân toàn cầu, chỉ hoạt động loanh quanh gần bờ? - Ảnh 2.

Tàu tuần tra thuộc đề án 22160 đầu tiên của Hải quân Nga (phía trên) mang tên Vasily Bykov khi đang được đóng tại nhà máy đóng tàu Zelenodolsk ngày 23/6. Ảnh: vk.com

...đến tình hình thực tế

Tuy nhiên, sau tất cả, Nga lại đột ngột nói về "vùng biển gần bờ", chỉ cách bờ biển khoảng 500 hải lý.

Các tàu chiến hoạt động ở vùng biển như vậy hiện đang được chế tạo bao gồm: Tàu ngầm diesel-điện thuộc Đề án 677 và 636.3, các tàu hộ tống Đề án 20380 và 20385, Đề án 22800 và 21631.

Các tàu ngầm thuộc đề án 636.3 và 677 không được trang bị hệ thống đẩy không khí độc lập - AIP) có thể vận hành trong vòng 45 ngày nhưng khả năng ở dưới nước khá ngắn. Phạm vi hoạt động ở tốc độ lặn tối đa (20 hải lý/giờ) không được tiết lộ.

Và vì không thể vận hành 1 động cơ diesel liên tục khi lặn nên sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc triển khai tàu ngầm gần căn cứ và hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong 1 khu vực nhỏ.

Ngược lại với tàu ngầm, các tàu mặt nước cỡ nhỏ, chịu ảnh hưởng lớn bởi bão và khả năng chịu sóng biển hạn chế để triển khai được vũ khí cũng như giữ được tốc độ cần thiết và đảm bảo điều kiện sống cho thủy thủ đoàn.

Các tàu chiến cỡ nhỏ cũng có thể hoạt động ở vùng "biển xanh dương" nhưng không nên nhầm lẫn giữa vùng "biển xanh dương" với vùng biển xa lân cận được gọi là vùng "biển xanh lục" (cách bờ khoảng 1.500 dặm).

Tàu hộ tống và các tàu tiếp liệu đi kèm có thể thể thực hiện các nhiệm vụ dài gần với bờ biển, nơi mà nó có thể tránh được các điều kiện thời tiết xấu và sau đó hoạt động ở vùng "biển nâu" (vùng biển ven bờ) ở 1 khoảng cách xa với căn cứ triển khai.

Điều này đã được 2 tàu hộ tống Boiky và Soobrazitelny chứng minh khi chúng hiện hoạt động cách xa căn cứ Baltiisk từ 4000 - 5500 dặm.

Để đảm bảo được hoạt động bình thường của hải quân ở các vùng đại dương xa xôi, cần thiết phải có các căn cứ hải quân hay ít nhất là các điểm hậu cần với các cơ sở hạ tầng thiết yếu đủ để duy trì trang thiết bị, bổ sung nguồn nhiên liệu và đảm bảo chỗ nghỉ ngơi cho thủy thủ đoàn.

Cho tới nay, Nga mới chỉ có 1 căn cứ như vậy ở Tartus, Syria.

Mục tiêu trong 10 năm tới Nga sẽ thiết lập ít nhất 1 hoặc 2 cơ sở hải quân ngoại trừ căn cứ ở Tartus là điều khó có thể xảy ra. Việc xây dựng 1 căn cứ không quân hoàn chỉnh ở Hmeymim, Syria là rất ấn tượng nhưng một căn cứ hậu cần hải quân lại là một câu chuyện khác.

Bên cạnh các vấn đề ngoại giao phức tạp thì cần thiết phải có các nhà máy đóng/sửa chữa tàu cỡ nhỏ thay vì xưởng nổi, đốc nổi, cần cẩu, cầu tàu hay kho chứa nhiên liệu.

Việc triển khai các tàu chiến dạng module (như đề án 22160) làm tăng gấp đôi vấn đề khi nó cần các kho cỡ lớn dùng chứa các module, nhà xưởng để duy trì chúng, bổ sung thêm cơ sở cho các thuyền viên.

Nếu không, các tàu hộ tống dạng module sẽ trở thành các tàu được vũ trang kém và thực hiện nhiệm vụ rất hạn chế.

Quân đội Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr diệt khủng bố ở Syria

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại