Tên lửa Dvina: Dấu ấn VN trong chiến thắng độc nhất vô nhị trên thế giới

Đại tá Nguyễn Thụy Anh - Cục Khoa học Quân sự / BTTM |

Theo các chuyên gia Liên Xô tại VN, trong kháng chiến chống Mỹ, bộ đội tên lửa VN đã đánh 3.000 trận, phóng 5.804 quả đạn, bắn rơi gần 1.300 máy bay Mỹ, trong đó có 54 chiếc B-52.

Đây là loại tên lửa phòng không (TLPK) đầu tiên do các nhà khoa học Liên Xô nghiên cứu và chế tạo vào đầu thập niên 50 của thế kỷ 20. Nó được sản xuất hàng loạt trang bị cho lực lượng phòng không Xô viết và lần đầu tiên xuất hiện công khai trên Hồng trường ở Moscow trong lễ duyệt binh kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười ngày 7/11/1957.

Loại TLPK này bắt đầu nổi tiếng trên thế giới từ ngày 1/5/1960 khi nó bắn hạ chiếc máy bay do thám U-2 của Mỹ xâm phạm vùng trời Liên Xô ở độ cao 20.000 m và viên phi công Pau-ơ bị bắt sống làm chính quyền Mỹ lúc đó không thể chối cãi.

Nhưng dấu ấn sâu đậm nhất mà loại TLPK này để lại trong lịch sử quân sự chính là hiệu quả của nó trên chiến trường Việt Nam, dưới bàn tay điều khiển của các chiến sỹ tên lửa Việt Nam trong cuộc Kháng chiến kiên cường giành độc lập, tự do của nhân dân ta trong thế kỷ trước.

SAM-2 ở Việt Nam

Liên Xô đặt tên cho loại TLPK đầu tiên của mình là Dvina, ký hiệu là S-75, còn ở VN nó thường được gọi là SAM-2 (theo chữ viết tắt tiếng Anh: Surface to Air Missile – tên lửa đất đối không).

Tính năng chiến-kỹ thuật ban đầu của S-75 là: độ cao diệt mục tiêu tới 27.000 m, cự ly diệt mục tiêu tới 34 km, đủ khả năng đối phó với tất cả các loại máy bay chiến đấu của KQ Mỹ lúc đó, kể cả B-52.

Đầu năm 1965, khi KQ Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, Liên Xô đã viện trợ cho VN nhiều tổ hợp TLPK S-75 và các chuyên gia quân sự Xô viết đã huấn luyện trực tiếp cho chiến sỹ ta ngay tại VN trong một thời gian ngắn kỷ lục: từ kế hoạch 1 năm xuống còn 2 tháng rưỡi.

Tên lửa Dvina: Dấu ấn VN trong chiến thắng độc nhất vô nhị trên thế giới - Ảnh 1.

Rồng lửa SAM rời bệ phóng.

Trận đầu ra quân của tên lửa SAM-2 là vào ngày 24/7/1965 ở khu vực Suối Hai, Trung Hà khi tốp F-4 của KQ Mỹ bay vào ở độ cao 7.000 m đã bị trúng tên lửa do kíp chiến đấu hỗn hợp Liên Xô-VN của 2 tiểu đoàn 63 và 64 phóng lên và 1 chiếc F-4 bị bắn rơi tại chỗ, 1 phi công chết và 1 phi công bị bắt sống.

Chỉ 2 ngày sau, 1 máy bay không người lái BQM-34 bay vào do thám trận địa ở độ cao 18.000 m cũng bị các chiến sỹ tên lửa tiếu đoàn 64 bắn rơi tại chỗ. KQ Mỹ hoàn toàn bị bất ngờ vì họ cho rằng VN "còn phải nhiều tháng nữa mới sử dụng được loại vũ khí này".

Thời gian đầu, trang bị mới của chúng ta đã khiến không quân Mỹ chịu nhiều thiệt hại, mất tinh thần và lúng túng đối phó. Có trận, các chiến sĩ Việt Nam chỉ bằng 1 quả tên lửa đã bắn rơi 2 máy bay phản lực Mỹ (ngày 7/3/1966, Tiểu đoàn tên lửa 61, dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Hồ Sỹ Hưu đã phóng 1 tên lửa diệt cả tốp 2 máy bay trinh sát RF-101…).

Sau đó, địch nhanh chóng dùng nhiều biện pháp đối phó về cả chiến thuật và kỹ thuật, đặc biệt là thủ đoạn gây nhiễu điện tử với hàng chục loại nhiễu công suất từ nhỏ đến lớn, trên mọi dải tần nhằm vào các thiết bị điện tử tên lửa, radar, thông tin liên lạc của ta.

Điển hình phải kể tới loại nhiễu rãnh vô tuyến điều khiển tên lửa (nhiễu rãnh đạn) ALQ-71 xuất hiện cuối năm 1967… khiến nhiều tên lửa của ta phóng lên bị mất điều khiển. Để đối phó, chuyên gia Liên Xô đã trực tiếp cùng với các cán bộ kỹ thuật tên lửa Việt Nam thực hiện nhiều lần cải tiến khí tài tên lửa để nâng cao tính năng và hiệu quả chiến đấu.

Phải nói rõ rằng, Liên Xô đã rất kịp thời giúp ta trong việc này và cử đầy đủ chuyên gia kỹ thuật cùng toàn bộ máy móc, vật tư, linh kiện cần thiết sang Việt Nam. Kết quả là trước chiến dịch phòng không tháng 12/1972, các bộ khí tài tên lửa của ta đã được cải tiến xong giai đoạn 3 và có thể sẵn sàng đối phó tốt nhất với B-52 cũng như các loại máy bay khác của Mỹ.

Đây là yếu tố rất quan trọng giúp cho bộ đội tên lửa Việt Nam giành được lợi thế trong cuộc đối đầu ác liệt với B-52 cuối năm 1972 trên bầu trời Hà Nội.

Một điểm nữa mà chính các chuyên gia Liên Xô đã nhấn mạnh nhiều lần trong hồi ký của mình là các chiến sĩ tên lửa Việt Nam với trình độ điêu luyện và kinh nghiệm chiến đấu cao đã nhanh chóng nắm bắt được các tính năng mới của khí tài tên lửa cải tiến.

Sau đó họ vận dụng thành thạo và rất sáng tạo khi đối đầu với các tình huống hết sức phức tạp do Không quân Mỹ gây ra như nhiều kiểu loại máy bay hiện đại nhất cùng ồ ạt đánh phá ở mọi độ cao cả ngày lẫn đêm.

Đồng thời, họ cũng vạch đủ loại nhiễu tiêu cực và nhiễu tích cực công suất lớn trên mọi dải tần để tìm diệt kẻ thù và đối phò cùng với các loại vũ khí mới nhất như tên lửa tự dẫn chống radar Shrike và Standard, bom laser, tên lửa và bom có điều khiển chính xác cao…

Tên lửa Dvina: Dấu ấn VN trong chiến thắng độc nhất vô nhị trên thế giới - Ảnh 2.

Rồng lửa SAM trên bệ phóng.

Chiến thắng độc nhất

Sau năm 1972, nhiều cuộc chiến tranh vẫn tiếp tục xảy ra trên thế giới và B-52 vẫn tung hoành ngang dọc nhưng cho đến tận ngày nay, Việt Nam vẫn là nước duy nhất bắn rơi tại chỗ nhiều siêu pháo đài bay B-52 chỉ với lực lượng ít ỏi và loại tên lửa SAM-2 bị coi là "thế hệ 1 cổ lỗ".

Đây là đỉnh cao huy hoàng nhất của tên lửa SAM-2 trong cuộc chiến tranh Việt Nam mà nhiều loại tên lửa hiện đại hơn ra đời sau này không thể có được!

Riêng ở Hà Nội, chỉ có không quá 13 tiểu đoàn SAM-2 Việt Nam trực tiếp chống lại gần 200 chiếc B-52 (48% lực lượng Không quân chiến lược Mỹ) và đã bắn hạ 34 chiếc B-52 (16 chiếc rơi tại chỗ, trong đó có chiếc còn nguyên bom rơi ở làng hoa Ngọc Hà, nội thành Hà Nội) trong thời gian rất ngắn: 12 ngày đêm.

Nhiều kíp trắc thủ tên lửa Việt Nam lần đầu đối mặt với B-52 đã nhanh chóng vượt qua bỡ ngỡ ban đầu, rút kinh nghiệm sau một vài lần chiến đấu và chỉ sau 2 đêm 18, 19/12 đã lập công xuất sắc vào đêm 20/12/1972 khi phóng 36 tên lửa bắn rơi 7 chiếc B-52.

Hiệu suất chiến đấu này là rất cao, trung bình 5,2 tên lửa hạ 1 B-52, làm Không quân chiến lược Mỹ phải dãn ra, không dám trực tiếp đánh vào Hà Nội nữa…

Tên lửa Dvina: Dấu ấn VN trong chiến thắng độc nhất vô nhị trên thế giới - Ảnh 3.

Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ bị tên lửa Việt Nam bắn rơi tại chỗ.

Lầu Năm Góc đã phải chịu hoàn toàn thất bại trong chiến dịch này trước ý chí chiến đấu ngoan cường của bộ đội tên lửa và lực lượng phòng không-không quân Việt Nam.

Theo chính số liệu thống kê của BCH KQ chiến lược Mỹ (SAC), đã có 31 chiếc B52 bị rơi ở Việt Nam do hỏa lực phòng không đối phương và do "trục trặc kỹ thuật".

Ngoài ra còn hàng chục chiếc khác bị thương, trong đó có 9 chiếc hư hỏng nặng không thể sử dụng được nữa (sau trận đánh vẫn bay về được căn cứ nên SAC không tính là "bị bắn rơi") cùng với hàng trăm phi công B-52 thiệt mạng và rơi vào tay đối phương.

Tên lửa Dvina: Dấu ấn VN trong chiến thắng độc nhất vô nhị trên thế giới - Ảnh 4.

Còn theo thống kê của các chuyên gia Liên Xô có mặt tại VN, trong KCCM bộ đội Tên lửa phòng không Việt Nam đã đánh hơn 3.000 trận, phóng 5.804 tên lửa, bắn rơi gần 1.300 máy bay Mỹ các loại, trong đó có 54 chiếc B-52…

Chiến tranh VN được ghi nhận là cuộc chiến có sử dụng tên lửa phòng không với số lượng lớn nhất từ trước đến nay trên thế giới.

Dù số liệu thống kê của các bên luôn khác nhau và sẽ mãi như vậy nhưng sự kiện tên lửa SAM-2 với dấu ấn Việt Nam bắn rơi tại chỗ B-52 sẽ mãi đi vào lịch sử quân sự như một trang sử không bao giờ phai mờ!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại