Tàu chiến Anh nằm yên tại bờ, tàu ngầm Đức tê liệt: NATO suy yếu, đối phó Nga kiểu gì?

Trung Phạm |

Hiện nay, gần như tất cả các tàu chiến đấu mặt nước của Anh đều nằm yên tại cảng còn Đức thì chẳng có chiếc tàu ngầm nào đang hoạt động.

Tình trạng sẵn sàng chiến đấu của Hải quân Hoàng gia Anh và Hải quân Đức hiện đang ở mức thấp nhất trong lịch sử khi mà gần như toàn bộ các tàu khu trục và khinh hạm của Anh nằm yên tại cảng còn Đức thì cũng chẳng khá khẩm hơn: không một tàu ngầm nào đang ở trạng thái hoạt động.

Thực tế này càng làm trầm trọng thêm những lo ngại vốn đã âm ỉ bấy lâu về các ưu tiên mua sắm của mỗi nước cũng như khả năng đối phó của họ với các cuộc khủng hoảng, nếu xảy ra ở gần cạnh hay ở ngoài châu Âu.

Anh: Tàu chiến nằm cảng, tàu sân bay "uống no nước"

Ngày 20/12/2017, Hải quân Hoàng gia Anh thừa nhận, chỉ có duy nhất một chiếc (HMS St. Albans) trong tổng số 13 khinh hạm Type 23, là đang làm nhiệm vụ trực chiến bảo vệ các vùng biển chủ quyền còn tất cả 6 tàu khu trục Type 45 thì đang cập cảng.

Tháng 6/2017, Anh cho chạy thử chiếc tàu sân bay đầu tiên và cũng là tàu chiến lớn nhất của nước này: HMS Queen Elizabeth. Ngày 7/12, đích thân Nữ hoàng Elizabeth II tới chủ trì buổi lễ đưa con tàu vào sử dụng.

Tại buổi lễ này, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson đã phát biểu: "Ngày hôm nay đánh dấu sự khởi đầu cho một chương mới có ý nghĩa cực kì quan trọng đối với Hải quân Anh và lớn hơn là cả đất nước: Chiếc tàu chỉ huy của tương lai đã gia nhận Hạm đội Hoàng gia".

Tuy nhiên, điều mà ông Williamson không đề cập tới là việc Hải quân Hoàng gia Anh hiện vẫn chưa tiếp nhận bất cứ chiếc máy bay chiến đấu F-35B nào, vốn được coi là trụ cột của lực lượng không quân hạm đội.

Bộ Quốc phòng Anh cũng đang xem xét hủy bỏ dự án hai tàu chiến đấu đổ bộ cùng với việc thực hiện một loạt cắt giảm khác nhằm tiết kiệm ngân sách chi trả cho đóng tàu sân bay và trả lương cho thủy thủ phục vụ trên đó.

Đấy là chưa kể tới một loạt lỗi kỹ thuật xảy ra với các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Vanguard và cả sự chấp hành kỷ luật yếu kém cũng như phẩm chất đạo đức của các thủy thủ làm nhiệm vụ trên các tàu này.

Chưa hết, BBC ngày 19/12 đưa tin, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth vừa phải "uống no nước biển" (khoảng 200 lít/giờ) vì lỗi ở bộ phận gioăng ngăn nước bao quanh chân vịt trong lần đầu thử nghiệm trên biển.

Tàu chiến Anh nằm yên tại bờ, tàu ngầm Đức tê liệt: NATO suy yếu, đối phó Nga kiểu gì? - Ảnh 1.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh

Đức: Toàn bộ hạm đội tàu ngầm tê liệt

Hai tháng trước, sau một vụ tai nạn xảy ra với tàu ngầm U-35, Hải quân Đức cũng buộc phải thừa nhận tất cả 6 tàu ngầm lớp Type 212A của họ phải nằm bờ sửa chữa.

Type 212A là những tàu ngầm tiên tiến, chạy diesel – điện cực kỳ tĩnh lặng. Hệ thống đẩy không khí độc lập cho phép những chiếc tàu này lặn sâu dưới nước liên tục trong nhiều tuần lễ.

Type 212A đóng vai trò chủ chốt trong các kế hoạch của NATO bảo vệ vùng biển Baltic khi xảy ra một cuộc khủng hoảng lớn, đặc biệt với bất kỳ cuộc đối đầu quân sự tiềm ẩn nào với Nga ở khu vực.

Nhưng thật không may mắn, lớp tàu ngầm này phải trải qua cơn ác mộng về bảo dưỡng từ khi Hải quân Đức đưa 2 tàu đầu tiên vào sử dụng năm 2005.

Cụ thể, chiếc U-31, tàu ngầm đầu tiên thuộc lớp Type 212A đã ngưng hoạt động từ năm 2014, nhiều khả năng là để bảo dưỡng giữa vòng đời và theo dự kiến sẽ quay trở lại phục vụ vào cuối tháng 12 này.

Trong khi đó, chiếc U-32 thì gặp phải hư hại ở hệ thống pin từ tháng 7/2017 khi đang trên đường tới Na Uy. Vấn đề nằm ở chỗ, không có xưởng đóng tàu nào đủ khả năng tiếp nhận nó để sửa chữa. Do cùng độ tuổi với U-31 nên U-32 có thể cũng sẽ phải được bảo dưỡng giữa vòng đời.

Chiếc U-33 thì vẫn đang trong quá trình bảo trì cho tới tháng 2/2018 còn U-34 thì cũng không hoạt động và đang xếp hàng chờ sửa chữa tại xưởng.

Chưa hết, tàu ngầm U-35 cũng bị hư hại cánh lái và chưa biết khi nào sẽ quay trở lại trong khi U-36, chiếc tàu lớp Type 212A mới nhất thì vẫn đang được bảo dưỡng cho tới tận tháng 5/2018.

Theo một nghị sỹ Quốc hội Đức, đây là lần đầu tiên trong lịch sử toàn bộ hạm đội tàu ngầm Đức rơi vào tình trạng không hoạt động.

Tình trạng chung của Hải quân Đức còn bộc lộ nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn. Số phận của các tàu ngầm Type 212A cũng chỉ là một chỉ dấu báo động về một loạt vấn đề đang xảy ra trong toàn lực lượng.

Có một số nguyên nhân đã được chỉ ra: Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, do phải dồn nguồn lực vào tái thiết Đông Đức và trước thực tế các mối lo ngại về an ninh ở châu Âu đã suy giảm, chính phủ Đức đã quyết định cắt giảm ngân sách quốc phòng và trên tổng thể là quy mô quân sự.

Do đó, Hải quân Đức chỉ đặt hàng một số lượng có giới hạn các thiết bị dự trữ để sửa chữa các tàu Type 212A mới. Vì vậy, hiện nay mỗi lần cần sửa chữa, Đức phải tìm mua các bộ phận mới, rõ ràng là một tiến trình tốn kém lớn và mất nhiều thời gian.

Tàu chiến Anh nằm yên tại bờ, tàu ngầm Đức tê liệt: NATO suy yếu, đối phó Nga kiểu gì? - Ảnh 2.

Tàu ngầm U-36 của Hải quân Đức

Hai cường quốc NATO suy yếu, đối phó thế nào với Nga?

Tình trạng hiện nay của Hải quân Hoàng gia Anh và hải quân Đức đều rất đáng quan ngại nhưng khi kết hợp lại chúng lại còn nghiêm trọng hơn, nhất là trong bối cảnh các căng thẳng với Nga gia tăng và năng lực hải quân Trung Quốc thì đang lớn mạnh trên toàn cầu.

Đặc biệt, điều này lại đặt ra câu hỏi về khả năng của NATO trong việc đối phó với các biến động bất ngờ hay xung đột ở Biển Baltic, Biển Bắc, Biển Đen và Địa Trung Hải.

Ở tất cả các vùng biển này, Quân đội Nga đang định vị lại mình một cách mạnh mẽ nhờ các hệ thống phòng không tích hợp, các khả năng chống hạm đặt trên bờ, hạm đội tàu ngầm gia tăng cùng rất nhiều khả năng tăng cường chống tiếp cận khác trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng.

Bên cạnh đó, Moscow cũng đang đầu tư rất mạnh cho các khả năng chế áp hoặc phá hủy các trạm thông tin và hệ thống dẫn đường.

Tình trạng nêu trên cũng giới hạn khả năng của hai nước, ở tư cách riêng lẻ hay là một phần thuộc khối NATO trong hoạt động khuếch trương sức mạnh hải quân ra bên ngoài khi cần thiết.

Tháng 11/2017, một trong những tàu khu trục lớp Type 45 của Hải quân Hoàng gia Anh, chiếc HMS Diamond khi tuần tra ở Vịnh Persian thì gặp sự cố về cơ khí và đã phải quay trở về nước để sửa chữa nhưng lại chẳng có chiếc tàu nào tương tự khác của Anh tới thay.

Đức sẽ phải mất nhiều năm nữa mới thực sự thay đổi được tình hình của đất nước và điều này cũng đúng cả với cả Anh.

Theo nhiều chuyên gia quân sự, cả Anh và Đức cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại các ưu tiên của mình nếu họ muốn duy trì được các lực lượng đủ năng lực và đáng tin cậy trong tương lai gần.

Tàu sân bay mới nhất của Anh, HMS Queen Elizabeth chạy thử trên biển

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại