Nga thử nghiệm công nghệ chiến tranh trên không tại Ukraine
Những phi đội máy bay tiêm kích thế hệ 5 Su-57 của Nga đã được đưa vào tham chiến tại Ukraine. Những máy bay này được kết nối thành một mạng lưới thông tin chung, thông qua mạng lưới này, phi công Nga có thể trao đổi dữ liệu về trường radar, về mục tiêu đối phương, phối hợp hành động cùng với các lực lượng khác trên chiến trường.
Theo một nguồn tin từ Hãng thông tấn TASS của Nga, ngay sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga được triển khai được khoảng 2 đến 3 tuần tại Ukraine, những máy bay tiêm kích đa năng, thế hệ 5 Su-57 của Nga đã được đưa vào tham chiến.
Điểm đáng chú ý là: để tấn công các mục tiêu của Ukraine, tiêm kích Su-57 của Nga được trang bị những tên lửa tiên tiến với độ chính xác cao, trong đó có Kh-31PM, dòng tên lửa này có tầm bắn 60 km, vì vậy mà Su-57 có thể tác chiến mà không đi vào vùng ảnh hưởng của hệ thống phòng không của Ukraine.
Bình luận viên của tạp chí: "Vũ khí của Nga" Dmitry Drozdenko cho biết: "Ngoài khả năng tàng hình, trong số những điểm mạnh cơ bản của dòng tiêm kích Su-57, đặc biệt phải kể đến khả năng kết nối thông tin giữa các máy bay, điều này làm gia tăng đáng kể khả năng trinh sát và tấn công của Su-57".
Phi công công huân của Nga Vladimir Popov nhận xét:
"Tiêm kích Su-57 thực hiện phối hợp hành động, trao đổi dữ liệu với lực lượng tham chiến khác trên chiến trường tương đối tốt, hệ thống điều khiển tự động giữ vai trò như một phi công phụ, đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là trong việc lựa chọn mục tiêu, ngắm bắn và xác định tọa độ".
Phi công Vladimir Popov cho biết thêm:
"Tiêm kích Su-57 có thể hoạt động ở chế độ đa nhiệm, thí dụ: khi máy bay không người lái Bayraktar xuất hiện, chúng tôi có thể bình thản tấn công mục tiêu này, trong khi vẫn có thể đồng thời thực thi những nhiệm vụ khác , như tiếp tục quỹ đạo bay, cơ động, giám sát các mục tiêu trên mặt đất, việc điều khiển Su-57 được nhận xét là khá đơn giản.
Mỗi một tiêm kích Su-57 là một đơn vị tác chiến độc lập và hiệu quả - phóng tên lửa hoặc ném bom đều được thực hiện chính xác và an toàn với độ sai lệch từ 2 đến 10 m. Tiềm năng và khả năng chiến thuật của Su-57 đã được chúng tôi nghiên cứu trong điều kiện tác chiến thực tế".
Nga là nước thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Trung quốc phát triển dòng tiêm kích thế hệ 5, dựa trên nội lực của chính mình. Chuyến bay đầu tiên của Su-57 được thực hiện vào năm 2010, tháng 12/2020, Lực lượng không quân vũ trụ Nga bắt đầu được trang bị hàng loạt dòng tiêm kích này.
Năm 2018, Nga đưa Su-57 vào tham chiến tại chiến trường Syria. Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề xuất được mua Su-57 của Nga thay vì F-35 của Mỹ, vấn đề này cho đến nay vẫn chưa được giải quyết ngã ngũ.
Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã tuyên bố: "Trong tương lai gần, quân đội Nga sẽ được cung cấp máy bay không người lái chiến lược".
Theo chuyên gia về máy bay không người lái (UAV) Denis Fedutinov: "Bộ trưởng Shoigu muốn nói tới UAV: Altius – đây là máy bay không người lái hạng nặng, có khả năng bay cao, thời gian bay dài, thực hiện các chức năng vừa trinh sát, vừa tấn công, có thể mang theo khối lượng vũ khí lên đến trên 1 tấn. Như vậy, Nga sở hữu hai dòng UAV: Okhotnik và Altius là những UAV có thể hoạt động độc lập, không cần đến sự điều khiển của nhân viên trên mặt đất, và có thể kết nối với tiêm kích thế hệ 5 Su-57".
Theo chuyên gia quân sự Nga Dmitry Kornev:
"Phi công của Su-57 sẽ chỉ định mục tiêu của đối phương trên mặt đất cần phải tiêu diệt, hai UAV bay ở phía trước của tiêm kích sẽ thực hiện mệnh lệnh khai hỏa, khi phát hiện lỗ hổng trong hệ thống phòng không của đối phương, tiêm kích Su-57 thực hiện phóng tên lửa hành trình chiến dịch – chiến thuật.
Như vậy Su-57 và UAV sẽ cùng tác chiến trong một không gian thông tin chung. Mô hình chiến tranh trong tương lai sẽ là: lấy không gian mạng làm trung tâm để thực hiện tấn công đối phương".