TIÊM KÍCH SU-75 CÓ GÌ ĐẶC BIỆT?
Máy bay chiến đấu Su-75 Checkmate của Nga dường như đang rất chậm chân trong cuộc đua mới trên thị trường vũ khí quốc tế. Liệu rằng loại tiêm kích hạng nhẹ mới nhất này của Nga có thể cất cánh trong thời gian tới như dự kiến?
Rostec, nhà sản xuất quốc phòng lớn của Nga hy vọng Su-75 có thể trở thành một sản phẩm đặc biệt để xuất khẩu. Các nhà thiết kế Nga từng triển khai một chiến dịch tiếp thị rầm rộ để quảng bá cho dòng máy bay chiến đấu này tại triển lãm hàng không quốc tế MAKS-2021.
Theo thiết kế, Su-75 Checkmate có tải trọng chiến đấu tối đa 7.400 kg, tầm bay khi không có thùng nhiên liệu bên ngoài là 2.900 km. Tốc độ tối đa của Checkmate là 2.200 km/h.
Su-57 dài hơn 20 m, có sải cánh 14 m. Trong khi đó, Su-75 dài hơn 17 m, có sải cánh gần 12 m. Tuy nhiên, một điểm khác biệt lớn giữa hai mẫu máy bay này là Su-57 là máy bay chiến đấu hai động cơ, còn Su-75 là máy bay một động cơ.
Máy bay ứng dụng công nghệ tàng hình và được trang bị tới 5 tên lửa không đối không ở nhiều tầm bắn khác nhau hoặc các loại vũ khí khác.
Su-75 tại triển lãm MAKS 2021
Với khối lượng nhiên liệu bên trong đáng kể, Checkmate có ưu điểm về khả năng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu ở khoảng cách xa trong khi vẫn ở trạng thái tàng hình.
Checkmate cũng trang bị hệ thống phòng thủ và chế áp điện tử trên không hiện đại, cho phép máy bay tránh các thiết bị phát hiện và tiêu diệt mục tiêu, cùng với radar mảng ăng ten hoạt động theo từng giai đoạn (AFAR).
Giám đốc Cơ quan Liên bang về Hợp tác Kỹ thuật - Quân sự (FSMTC) của Nga, ông Dmitry Shugaev đã nói với Sputnik, máy bay này có các đặc điểm đột phá, hiệu suất bay cao, có khả năng tấn công và trinh sát rộng, được trang bị tổ hợp thiết bị điện tử tiên tiến nhất, khó bị radar phát hiện.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Nhà nước Rostec – ông Sergei Chemezov – cho biết Checkmate có giá khoảng từ 25-30 triệu USD với 3 phiên bản: không người lái, 1 người lái (đơn) và 2 người lái (đôi). Mức giá này rẻ hơn rất nhiều so với các mẫu tiêm kích tương tự của nước ngoài.
Máy bay mới một động cơ này nhẹ hơn và rẻ hơn so với máy bay chiến đấu hiện đại khác như F-35 Lightning của Mỹ.
Nhà sản xuất Su-75 tiết lộ máy bay mới sẽ có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên chiến trường tương lai và có khả năng hoàn thành nhiệm vụ mà không cần xâm nhập vào khu vực của đối phương vốn có sự kiểm soát của hệ thống phòng không.
Ông Chemezov cũng nhấn mạnh Checkmate có khả năng tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu trên bộ và trên biển, có khả năng giành ưu thế trên không, dù đối phương lớn hơn về quân số. Trước đây, Checkmate dự kiến sẽ cất cánh vào năm 2023.
Su-75 Checkmate được công bố trong triển lãm hàng không MAKS năm 2021 ở Nga
TRIỂN VỌNG XUẤT KHẨU CỦA SU-75 TỚI ĐÂU?
Tuy nhiên, với các lệnh trừng phạt và hạn chế xuất khẩu của phương Tây, Su-75 Checkmate có lẽ sẽ chưa thể sẵn sàng trong vài năm tới đây, thậm chí có thể không bao giờ bay thực sự.
Tháng trước, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nhà nước Rostec từng báo cáo với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Su-75 sẽ chưa thể sẵn sàng cất cánh cho tới năm 2027, tức chậm hơn hai năm so với cam kết gần nhất.
Chương trình Su-75 Checkmate của Nga đang “đặt cược” ván bài vào tương lai, với hy vọng sẽ có được đủ đơn đặt hàng ở nước ngoài để sau đó dùng số tiền thu được trang trải cho dự án.
Các nhà phân tích tại RAND Corporation cho rằng đây có thể không phải là một công thức thành công vì Nga đang chào hàng ra nước ngoài mà không tiết lộ bất kỳ khách hàng có tiềm năng trả tiền nào.
Ấn Độ được dự báo sẽ là quốc gia quan tâm nhất tới Su-75 vì thể hiện thái độ trung lập với cuộc chiến ở Ukraine. Điều này có nghĩa là, Ấn Độ có thể sẵn sàng mua Su-75. Thế nhưng, Nga vẫn phải cần nhiều hơn một khách hàng cho chiếc máy bay của tương lai.