Nga thành lập bộ phận chuyên phát triển vũ khí trí tuệ nhân tạo

Thu Hằng |

Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã thành lập một bộ phận chuyên phát triển các loại vũ khí sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Binh sĩ Nga thể hiện khả năng nhắm mục tiêu của một xe bánh xích không người lái trong video công bố tháng 2/2019. Ảnh: Newsweek

Binh sĩ Nga thể hiện khả năng nhắm mục tiêu của một xe bánh xích không người lái trong video công bố tháng 2/2019. Ảnh: Newsweek

Thông báo này được ông Alexander Osadchu, người đứng đầu bộ phận phát triển đổi mới của quân đội Nga, đưa ra ngày 17/8 tại Hội thao quân sự quốc tế lần thứ 8 - Army 2022.

Hãng tin TASS dẫn lời ông Osadchu cho biết: "Để tăng cường nghiên cứu việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vì lợi ích của việc tạo ra các mô hình vũ khí cho quân đội và thiết bị đặc biệt, một bộ phận phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo đã được thành lập".

Chương trình vũ khí này có thể phục vụ nỗ lực đối phó với cơ quan trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu của Lầu Năm Góc là Văn phòng Trí tuệ Nhân tạo và Kỹ thuật số (CDAO) cũng mới được thành lập. CDAO ra mắt vào tháng 2 năm nay và đi vào hoạt động đầy đủ chức năng vào tháng 6, với nhiệm vụ mở rộng sử dụng AI trong toàn quân đội Mỹ.

Ông Mikhail Osyko, một thành viên của Ủy ban Công nghiệp-Quân sự Nga, từng công bố kế hoạch thành lập một bộ phận quân sự AI vào tháng 5/2021. Theo ông Osyko, bộ phận này sẽ có ngân sách riêng.

Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đầu tư lớn vào công nghệ AI và công nghệ máy học (machine learning), Nga cũng đang tìm cách cạnh tranh trong lĩnh vực AI.

Năm 2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố AI là "tương lai không chỉ cho Nga mà cho cả nhân loại". Ông nói: "Nó đi kèm với những cơ hội khổng lồ nhưng cũng có những mối đe dọa khó lường trước được. Bất cứ ai trở thành người đi đầu trong lĩnh vực này sẽ trở thành người thống trị thế giới".

Tại sự kiện Army 2022, diễn ra trong tuần này ở Moskva, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko lưu ý rằng Nga sẽ ra mắt Trung tâm Quốc gia về AI vào tháng 9 tới. Trung tâm sẽ tập trung vào việc tìm kiếm và phân tích ứng dụng AI trên nhiều lĩnh vực, từ kinh doanh và khoa học đến chính phủ. Cơ quan này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng các chương trình AI tại các tổ chức khác nhau, như các viện nghiên cứu và tập đoàn công nghệ.

Vũ khí nhân tạo đã trở thành cuộc đua mới giữa các cường quốc quân sự thế giới. Các cường quốc đều coi AI là công nghệ mũi nhọn chiến lược có tiềm năng ứng dụng nhiều nhất vào lĩnh vực quân sự.

Nga thành lập bộ phận chuyên phát triển vũ khí trí tuệ nhân tạo - Ảnh 1.

Binh sĩ Nga thể hiện khả năng nhắm mục tiêu của một xe bánh xích không người lái trong video công bố tháng 2/2019. Ảnh: Newsweek

Mỹ coi trí tuệ nhân tạo là trụ cột quan trọng để giữ ưu thế quân sự. Từ năm 1990, quân đội Mỹ đã sử dụng máy bay không người lái (UAV) điều khiển trên mặt đất. Hiện tại quốc gia này đang tăng cường tài trợ cho các công ty công nghệ phát triển UAV.

Các tập đoàn vũ khí Mỹ liên tục cho ra đời những loại UAV tiên tiến, thậm chí gần như hoàn toàn thay thế sự điều khiển của con người, khi "phi công" ngồi cách xa chiến trường cả nghìn km, chỉ cần đánh dấu mục tiêu rồi bấm nút. Tất cả mọi phần việc còn lại như bay lượn, chọn độ cao, phòng tên lửa đều do AI đảm trách.

Nga coi trí tuệ nhân tạo là công nghệ then chốt để hiện đại hóa vũ khí. Trong "Chủ trương phát triển vũ khí quốc gia 2018-2025" mà Moskva công bố năm 2017, việc nghiên cứu phát triển và trang bị vũ khí trí tuệ nhân tạo được đưa vào nội dung trọng điểm, bao gồm hệ thống phòng thủ trên không và trên vũ trụ, lực lượng hạt nhân chiến lược, hệ thống thông tin liên lạc, trinh sát, chỉ huy điều khiển, trang bị tác chiến điện tử, máy bay không người lái, robot, hệ thống phòng hộ cá nhân người lính, xe trinh sát không người lái…

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đặt AI làm trọng tâm trong "Kế hoạch 5 năm" lần thứ 14, công bố năm 2020. Theo đó, Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển để ứng dụng AI vào hàng loạt vũ khí, trang thiết bị, nhằm chuẩn bị cho một cuộc "chiến tranh thông minh" tiềm tàng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại