'Chim săn mồi' YF-118G: Tiêm kích tàng hình với những tính năng gây kinh ngạc

Vy Lam |

Khung máy bay của YF-118G đã chứng minh rằng có thể đưa tính năng tàng hình lên chiến đấu cơ. Đây là bước đột phá gây kinh ngạc vào thời điểm nó ra đời.

Theo trang tin 19fortyfive, phần lớn mọi người đều biết F-22 và F-35 là các tiêm kích tàng hình hàng đầu của Mỹ. Tuy nhiên, ít ai biết tới mẫu máy bay tiền nhiệm đã góp phần tạo nên chúng. Đó là YF-118G.

Được biết đến với biệt danh "Chim săn mồi", YF-118G chỉ cất cánh vài chục lần và được giữ bí mật khá chặt chẽ trong thời gian phát triển. Tuy nhiên, nó đã có những đóng góp đáng kể cho lực lượng vũ trang Mỹ.

Khung máy bay của YF-118G đã chứng minh rằng có thể đưa tính năng tàng hình lên chiến đấu cơ. Đây là bước đột phá gây kinh ngạc vào thời điểm nó ra đời.

Chim săn mồi YF-118G: Tiêm kích tàng hình với những tính năng gây kinh ngạc - Ảnh 1.

Thiết kế lạ mắt của YF-118G. Ảnh: Boeing

Bối cảnh ra đời

YF-118G được phát triển bởi công ty con Phantom Works của Boeing vào đầu những năm 1990. Đây là một chi nhánh chuyên ưu tiên phát triển các sản phẩm quân sự mang tính phức tạp và tinh vi cao.

YF-118G được đặt theo tên của tàu vũ trụ Klingon trong loạt phim khoa học viễn tưởng Star Trek vì mang thiết kế tương lai và có hình dáng bên ngoài tương tự con tàu này. Alan Weichman là kỹ sư đã dẫn dắt sự phát triển của dự án YF-118G. Sau đó, ông tiếp tục tham gia vào các dự án Have Blue, F-117 Nighthawk và Sea Shadow.

Xét về mức độ phức tạp thì giá thành của YF-118G tương đối rẻ, trị giá khoảng 67 triệu USD. Việc sử dụng các thành phần sẵn có trên thị trường đã cho phép nhóm nghiên cứu của Weichman tạo ra chiếc máy bay phản lực với giá rẻ như vậy.

Ngoài ra, thiết kế mới lạ của khung máy bay đã góp phần tạo nên vẻ ngoài 'tàng hình' cho nó. YF-118G có đôi cánh hình mòng biển với tạo hình góc cạnh và không có phần đuôi. Chiều dài của khung máy bay tương đương với một chiếc F-16.

Chim săn mồi YF-118G: Tiêm kích tàng hình với những tính năng gây kinh ngạc - Ảnh 2.

YF-118G được sử dụng để thử nghiệm các kỹ thuật tàng hình. Nguồn: 19fortyfive

Con đường phát triển

Nhóm nghiên cứu của Phantom Works đã sử dụng phương pháp tạo mẫu nhanh thuộc hàng 'độc nhất' vào thời điểm đó. Phương pháp này cũng giúp giữ cho chi phí sản xuất thấp.

Theo trang tin Sandboxx, 'thay vì thiết kế các nguyên mẫu vật lý, đưa chúng đi thử nghiệm, tiến hành điều chỉnh và chế tạo các nguyên mẫu mới để thử nghiệm thêm' thì nhóm Phantom Works đã sử dụng máy tính để hỗ trợ công việc thiết kế của họ, mô phỏng hiệu suất của máy bay dựa trên năng lực cao nhất của hệ thống máy tính ở thời điểm đó.

Kết quả là, họ có thể sản xuất các thành phần nguyên mẫu gần sát với thành phẩm hơn nhiều so với những gì các phương pháp tiếp cận trước đây cho phép.

Dự án bí mật YF-118G kéo dài từ năm 1992 đến 1999. Trong thời gian đó, YF-118G được sử dụng để thử nghiệm các kỹ thuật tàng hình, cũng như một số phương pháp mới trong lĩnh vực thiết kế và chế tạo máy bay.

YF-118G thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1996 và trong những năm tiếp theo, nó trở thành nguyên mẫu thí nghiệm các phương thức cho phép máy bay không chỉ tàng hình với radar, mà còn tàng hình với mắt thường.

YF-118G thực hiện chuyến bay chính thức cuối cùng vào năm 1999 và được giải mật 3 năm sau đó. Mặc dù khung máy bay này có tuổi thọ ngắn nhưng Boeing đã sử dụng thiết kế này cho một số mẫu máy bay tương lai. Nguyên mẫu máy bay chiến đấu X-32 và máy bay không người lái X-45A đã kết hợp một số thuộc tính của YF-118G.

Mặc dù Boeing đã giải mật thiết kế của YF-118G và thiết kế của nó cũng trở thành tiêu chuẩn nhưng một số tính năng của dự án này vẫn còn bí ẩn.

Giới chuyên gia dự đoán, trong bối cảnh các công ty quốc phòng hàng đầu của Mỹ tiếp tục tung ra những mẫu máy bay tàng hình tiên tiến hơn, có lẽ nhiều đặc tính độc đáo của YF-118G sẽ được hé lộ.

YF-118G đang ở đâu?

Sau khi kết thúc hoạt động, YF-118G được quyên tặng cho Bảo tàng quốc gia Không quân Mỹ ở căn cứ không quân Wright-Patterson, Ohio. Tại đây, khách tham quan có thể ngắm nhìn và chụp ảnh cùng chiếc máy bay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại