Răn đe lẫn nhau
Nga và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa đạt được đồng thuận về một số vấn đề an ninh không phận tại khu vực Biển Baltic. Sự đồng thuận này đạt được tại Hội nghị An ninh hàng không của tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) tại Helsinki (Phần Lan) diễn ra hồi đầu tháng 3.
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto đã bày tỏ hy vọng: "Tôi nghĩ rằng rất đáng lưu ý khi NATO và Nga đạt được đồng thuận về điều này. Nếu chúng tôi có thể tăng cường an ninh không phận tại khu vực Biển Baltic, hy vọng đó sẽ là bước khởi đầu để đạt được đồng thuận trong các vấn đề lớn hơn".
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto
Tuy nhiên, giới phân tích Nga cho rằng trong giai đoạn trước mắt, Baltic vẫn là "đấu trường" chủ yếu của Nga và NATO, đặc biệt là sau khủng hoảng Ukraine.
Cả hai bên đều tăng cường sức mạnh quân sự tại khu vực và làm gia tăng nguy cơ đối đầu trên thực tế. NATO triển khai các tiểu đoàn "phản ứng nhanh" ở Ba Lan và Baltic còn Nga đưa tên lửa Iskander đến tỉnh Kaliningrad. Dù đây là những hành động tối thiểu và hiện chỉ có tính tượng trưng song lại thể hiện quyết tâm của hai bên.
Trong điều kiện tính chất không xác định cao thì ngay cả những hành động tối thiểu đó cũng có âm hưởng rất cao. Và tất nhiên những vụ đụng độ trên không cũng gây tiếng vang rất lớn.
Ví dụ, Moskva bực tức với những chuyến bay trinh sát của không quân Mỹ gần biên giới Nga, trong đó có những chuyến bay bật thiết bị thu phát sóng. Việc không quân Nga chặn những chuyến bay như vậy luôn gây ra chỉ trích không khách quan tại phương Tây. Máy bay chiến đấu của Nga cũng thường xuyên áp sát tàu quân sự của NATO hoặc gần các máy bay dân sự.
Xe tăng Đức được chuyển tới các nước Baltic
Điều kiện địa lý tương đối bó hẹp không gian của khu vực cũng làm tăng khả năng xảy ra các vụ đụng độ chủ đích trên không. Tỉnh Kaliningrad bị tách rời khỏi toàn bộ lãnh thổ còn lại và bị các thành viên NATO bao bọc xung quanh. Điều đó gây ra mối quan ngại cho Moskva.
Cho đến tận ngày nay Nga vẫn thể hiện sự kiềm chế trong việc quân sự hóa tỉnh này. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay thì việc gia tăng tiềm lực ở đây hoàn toàn là có thể. Dấu hiệu là việc cả hai bên đều nghi ngờ nhau sẽ có những hành động quân sự xung quanh tỉnh Kaliningrad.
Việc các quốc gia trung lập trong khu vực như Thụy Điển và Phần Lan đang ngả về NATO cũng khiến mâu thuẫn Nga - NATO sâu sắc thêm. Trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine thì quan điểm ủng hộ quyết định này chỉ càng được củng cố. Sự xích lại gần với NATO của Thụy Điển và Phần Lan là quá trình không thể đảo ngược.
Trước tình thế "tiến thoái lưỡng nan" hiện nay giữa Nga và NATO, giới phân tích Nga đã vạch ra 5 kịch bản có thể xảy ra đối với khu vực Baltic.
Kịch bản 1: Giữ ổn định. Tình thế tiến thoái lưỡng nan trong an ninh vẫn được duy trì. Cả hai bên đều nhắm đến kiềm chế lẫn nhau, đối thoại ở mức tối thiểu.
Các vụ đụng độ trên không và trên biển gây ra tiếng vang trên truyền thông, song không dẫn đến leo thang quân sự thậm chí cả khi chúng trở thành các trường hợp không may.
Máy bay Su-24 của Nga vờn phía trên tàu chiến Mỹ ở biển Baltic
Gia tăng tiềm lực phần nhiều chỉ mang tính tượng trưng, cả hai bên đều không muốn tốn chi phí vào đó. Quan hệ Nga - NATO vẫn tiêu cực, trong đó tiếp tục bất đồng về vấn đề Ukraine.
Cả hai bên đều sử dụng việc kiềm chế này để đoàn kết nội bộ và huy động chính trị. Phần Lan và Thụy Điển ngả dần về phía NATO, song không gia nhập. Đối với Nga thì khu vực này vẫn không phải là ưu tiên để xây dựng quân sự.
Kịch bản 2: Kiềm chế không bền vững. Tình thế tiến thoái lưỡng nan trong an ninh mạnh lên. Bối cảnh bên ngoài xấu đi: tiến trình Minsk rơi vào bế tắc, hành động quân sự tại Donbass nối lại, bất đồng về Syria tăng lên.
Các vụ đụng độ trên không và trên biển tạo cớ cho các biện pháp gay gắt bao gồm gia tăng vũ trang được cả hai bên chạy đua lẫn nhau. Đối với Nga khu vực này trở thành hướng ưu tiên để tập trung lực lượng vũ trang.
Phần Lan và Thụy Điển bước nhanh về phía NATO. Khu vực trở thành đấu trường cho cuộc khủng hoảng chính trị tại chỗ. Mặc dù vậy các kênh giao tiếp thường trực vẫn được duy trì.
Tàu chiến thuộc Hạm đội Baltic của Nga
Kịch bản 3: Xung đột khu vực. Một trong các bên quyết định hành động và giành thắng lợi lớn, và phía bên kia nhượng bộ đáng kể.
Bên nào cũng có thể tìm đến hướng hành động này. Tình huống xung đột được nhen nhóm trong khu vực. Tuy nhiên phía đối đầu không nhượng bộ và dám đối đầu công khai. Xung đột chóng vánh tại chỗ nổ ra và không bên nào thắng cuộc. Quan hệ chuyển sang cấp độ thù địch mới về chất. Đối thoại hoàn toàn bị ngừng lại.
Tình hình lơ lửng ở ranh giới xung đột toàn diện giữa Nga và NATO. Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên NATO hoặc tuyên bố hoàn toàn ủng hộ quân sự tổ chức. Tình huống này rất có khả năng xảy ra trong trường hợp một bên thua cuộc trong xung đột khu vực.
Kịch bản 4: Giảm tình thế tiến thoái lưỡng nan trong an ninh. Những thách thức chung hoặc đặc thù của một bên khiến họ không còn có lợi khi kiềm chế lẫn nhau. Họ dần đi theo con đường gia tăng các biện pháp tin cậy.
Xung đột tại Donbass vẫn còn, nhưng đã thấy được chuyển biến tích cực. Nga và NATO hợp tác có lựa chọn tại Trung Đông. Sự thiếu tin cậy vẫn còn, song mức độ bất định dần giảm.
Kịch bản 5: Quan hệ được xây dựng lại hoàn toàn. Một bên nêu sáng kiến thay đổi quan hệ theo chiều hướng cải thiện. Quan hệ Nga - NATO, cũng như Nga - EU, sẽ được xem xét lại toàn diện.
Thỏa hiệp sẽ được tìm thấy trong xung đột tại Donbass. Hai bên khởi động việc sửa đổi thỏa thuận thành lập, tăng vai trò của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) như thể chế an ninh chung châu Âu, tiến hành đối thoại về kiểm soát vũ khí thông thường. NATO sẽ được cải tổ cho các thách thức mới.