Lực lượng Anh đã bao gồm rất nhiều nữ giới bên cạnh nam giới trong những đơn vị thiết yếu chống máy bay. Quân đội phát xít của Đức quốc xã cũng huy động toàn lực quốc gia để đáp ứng nhu cầu của chiến tranh.
Duy chỉ có Mỹ từ chối để phụ nữ tham gia chiến tranh, tuy nhiên, hàng nghìn phụ nữ Mỹ vẫn gia nhập quân đội trong Thế chiến II.
Liên bang Xô viết: phi công lái máy bay ném bom và tay súng bắn tỉa
Phụ nữ Xô viết đóng vai trò như trinh thám, pháo thủ chống máy bay, người lái xe tăng và chiến sĩ du kích, nhưng hai vị trí nguy hiểm nhất, và cũng được tôn vinh nhiều nhất là phi công và tay súng bắn tỉa.
Vào mùa thu năm 1941, khi quân đội Đức quốc xã đe dọa Moscow, Marina Raskova, người được biết đến như "Amelia Earhart của Nga" đã thuyết phục Joseph Stalin để cho phép thành lập 3 trung đoàn phi công nữ.
Trung đoàn đánh bom 588 đã thả hơn 23.000 tấn bom lên quân đội phát xít và bay hơn 30.000 nhiệm vụ.
Sức chiến đấu mãnh liệt của trung đoàn này đã khiến quân đội Đức đặt cho họ cái tên "phù thủy bóng đêm", và rất nhiều người trong số họ đã nhận được Huy chương Anh hùng của Liên Bang Xô viết, danh hiệu cao quý nhất của quốc gia để tôn vinh sự dũng cảm trong chiến tranh.
Vương quốc Anh: "những cô gái Ack Ack"
Vào giữa năm 1941, quân đội Anh bắt đầu tuyển phụ nữ vào các đơn vị chống máy bay để giải phóng nam giới cho các nhiệm vụ chiến đấu.
Mặc dù phụ nữ Anh rất có kinh nghiệm trong việc phát hiện và xác định vị trí máy bay địch, chuyền đạn dược, nhưng họ vẫn bị cấm bóp cò súng. Họ làm các công việc như của đàn ông, vậy nhưng khi đàn ông đứng gác cùng với khẩu súng trường thì họ phải đứng gác với cán chổi.
Vào tháng 10 năm 1942, trung đoàn nữ đầu tiên của Anh quốc được thành lập với nhiệm vụ soi sáng bầu trời để hỗ trợ các đội đánh bom trở về, cũng như kiểm tra vùng biển để phát hiện các tàu của Đức quốc xã.
Thiếu tướng Frederick Pile nhận xét rằng: "Những người con gái đó sống như đàn ông, chiến đấu như đàn ông, và một số thì chết như những người đàn ông."
Đức quốc xã: đơn vị chống máy bay
Hanna Reitsch bắt tay với Adolf Hitler năm 1941
Mặc dù Adolf Hitler nhấn mạnh rằng phụ nữ nên ở nhà trong chiến tranh và tập trung vào vai trò người vợ và người mẹ, 450.000 phụ nữ vẫn gia nhập quân đội trợ chiến do nhu cầu tăng cao của quân đội Đức.
Họ không được huấn luyện để sử dụng vũ khí mà chỉ được gia nhập đội sử dụng đèn và chống máy bay địch.
Vào những tháng cuối cùng khắc nghiệt của chiến tranh, Hitler đã cho phép thử nghiệm tiểu đoàn bộ binh nữ, tuy nhiên chiến tranh đã kết thúc trước khi thử nghiệm này được thực hiện.
Tổng cộng 39 phụ nữ đã nhận huân chương Thập tự Sắt của Đức cho nhiệm vụ gần tiền tuyến, tuy nhiên, hầu hết trong số họ đều là y tá, ngoại trừ Hanna Reitsch và Melitta Schiller-Stauffenberg là 2 trong số 60 nữ phi công lái máy bay trong trận chiến.
Mỹ:
Jane Tedeschi bên cạnh một trong những chiếc máy bay mà cô lái trong Thế chiến II với Nữ phi công Quân chủng không quân, một nhóm thực hiện dịch vụ hàng không Mỹ, yểm trợ cho nam phi công dàn quân ở mặt trận Thế chiến II. Cô là một trong khoảng 1.100 nữ phi công lái máy bay và kéo mục tiêu cho các buổi diễn tập bắn sử dụng đạn thật
Trong quá khứ, rất nhiều phụ nữ Mỹ đã dũng cảm phục vụ trong quân ngũ với vai trò y tá, nhưng cũng rất nhiều người đã gia nhập vào lực lượng vũ trang chiến đấu.
Họ được huấn luyện để gia nhập khẩu đội pháo chống máy bay và đội đèn, tuy nhiên, vào giữa năm 1943, thử nghiệm này đã bị hủy bỏ do lo sợ sự phản đối của công chúng cũng như Quốc hội đối với ý kiến để phụ nữ tham gia vào các vai trò chiến đấu trực tiếp.
Phụ nữ Mỹ cũng được huấn luyện để lái máy bay quân sự như máy bay đánh bom B-26 và B29, cũng như các máy bay hạng nặng khác, thử nghiệm máy bay mới và sửa chữa máy bay bị hỏng, và kéo mục tiêu cho các tay súng luyện tập với đạn dược thật.
Đến tháng 12 năm 1944, chương trình này bị Quốc hội Mỹ hủy bỏ, toàn bộ thông tin và dấu vết đều biến mất cho đến cuối những năm 1970 khi tổng thống Jimmy Carter công nhận danh hiệu cựu chiến binh cho các nữ phi công tiên phong của quân đội Mỹ.
Theo Sarah Pruitt (History)