Thổ Nhĩ Kỳ và NATO
Trong bài phát biểu mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã so sánh mối quan hệ hợp tác lịch sử với Thổ Nhĩ Kỳ giống như mô hình của Pháp và Đức thời hậu Thế chiến 2.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng viễn cảnh Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi phương Tây để đi theo Nga là quá sớm.
"Hôm nay, Pháp và Đức đang tham gia các nhiệm vụ quốc phòng và an ninh của NATO theo cách mà họ cảm thấy phù hợp", ông Putin nói trên truyền hình ngày 17/11. "Tại sao chúng ta - Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - không thể làm điều tương tự ở đây, trong khu vực Biển Đen?".
Mỹ cần căn cứ quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ cho các mục tiêu khu vực.
Bài phát biểu của nhà lãnh đạo Nga đặc biệt gây sự chú ý sau khi Moscow đồng ý để Thổ Nhĩ Kỳ cùng tham gia vào thỏa thuận hòa bình giữa Azerbaijan và Armenia trong vai trò quan sát viên.
Ông Putin cũng nhắc lại rằng Nga đã có một "kinh nghiệm tích cực" về các hoạt động chung với Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến ở Syria.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gần đây đã cho thử hệ thống phòng không S-400 mua từ Nga, bất chấp những lời đe dọa trừng phạt của Mỹ. Đáng chú ý hơn, hải quân Thổ Nhĩ Kỳ còn có các cuộc đụng độ với tàu chiến của Pháp và Hy Lạp, khiến châu Âu phản đối kịch liệt.
Tất cả những điều trên một lần nữa khiến người ta đặt câu hỏi về sự ly khai của Ankara khỏi trục phương Tây mà cụ thể là rời bỏ khối quân sự NATO.
Nhưng vẫn có những quan điểm tích cực từ Brussels tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ "không muốn hy sinh NATO - cũng như sự neo đậu ở phương Tây - để đi theo một hướng mới với Nga".
"Tôi không ủng hộ lý thuyết Thổ Nhĩ Kỳ đang cấu trúc lại theo cách Ai Cập từng làm, khi họ phá vỡ liên minh với Liên Xô vào những năm 1970 để chuyển sang phe của Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đi theo hướng khác", Jamie Shea , một cựu quan chức NATO nói với tờ EUobserver.
Shea nói rằng ông Putin "quá tỉnh táo" để suy đoán về khả năng "thuyết phục được ông Erdogan bước vào một liên kết mới". Và Thổ Nhĩ Kỳ là một tài sản quá lớn của phương Tây ở Trung Đông mà NATO không muốn đánh mất.
Shea suy đoán, một khi lên nắm quyền, ông Joe Biden có thể thực hiện thỏa thuận bán hệ thống phòng không Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ và S400 có thể bị “vứt xó” hoặc “bán tháo”, giống như Pháp cách đây vài năm đã bán các tàu chiến Mistral cho Ai Cập khi thỏa thuận vũ khí với Nga trở nên khó khăn.
Không liên minh
Vai trò Thổ Nhĩ Kỳ quá quan trọng để NATO không lỡ đánh mất.
Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, Nga, cũng đồng tình về quan điểm sẽ không có sự gắn kết chặt chẽ nào giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
“Không có liên minh nào giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ”, Trenin nói với EUobserver. Và mục tiêu của ông Putin về quan hệ với ông Erdogan chỉ giới hạn trong phạm vi "thực dụng chính trị" trong khu vực.
"Ông Putin quan tâm đến việc duy trì mối quan hệ hòa bình với Thổ Nhĩ Kỳ, một cường quốc đang lên trong khu vực, hợp tác khi các lợi ích đủ chặt chẽ và quản lý những khác biệt, ngăn chặn chúng biến thành xung đột", Trenin chỉ ra.
Nhìn vào thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ gần đây ở Nam Caucasus, ông nói: "Hợp tác ở Nagorno-Karabakh tạo ra một môi trường tốt hơn cho sự tương tác toàn diện". “Nhưng mỗi tình huống được giải quyết dựa trên giá trị riêng của nó”, Trenin nói thêm. Ông cũng cho biết "lợi ích của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể khác nhau và thậm chí xung đột" ở các quốc gia khác, chẳng hạn như Libya và Syria.
Quan điểm trên cũng được hưởng ứng ở Istanbul, theo chuyên gia Asli Aydıntaşbaş từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR).
“Giải quyết xung đột bằng cách bắt tay khiến ông Putin và ông Erdogan cảm thấy dễ chịu theo cách mà hai người không bao giờ có được khi ngồi xuống và làm việc với một nhà lãnh đạo châu Âu". Nhưng mối quan hệ của họ chỉ là "giao dịch".
Trong khi tầm quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ quá lớn để NATO buông tay, thì tài chính của phương Tây cũng quá lớn để Ankara vuột mất.
Phương Tây cần các căn cứ radar của Thổ Nhĩ Kỳ và thông tin tình báo của Thổ Nhĩ Kỳ về các chiến binh thánh chiến Trung Đông, còn ông Erdogan cần đầu tư của phương Tây nhiều hơn để giải quyết vấn đề kinh tế suy thoái.
"Rất nhiều thành công của ông Erdogan trước đây là nhờ hiệu quả hoạt động của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ", Shea lưu ý.
Còn về phần mình, Nga có dầu và khí đốt tự nhiên, vì vậy nước này có thể duy trì một nguồn lực mạnh mẽ không phụ thuộc vào ai.
“Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia hội nhập vào nền kinh tế thế giới, nền kinh tế châu Âu, và hơn bất cứ điều gì, họ cần đầu tư nước ngoài”, chuyên gia Aydıntaşbaş nêu quan điểm.
“Mặc dù bạn muốn điều hành đất nước của mình giống như ông Putin, nhưng bạn không thể làm được điều đó nếu không có dầu và khí đốt”.
Nhà phân tích này cho rằng, Nga mặc dù có sức mạnh quân sự nhưng chỉ là một nền kinh tế cỡ trung bình. Nước này không nằm trong top những nền kinh tế hàng đầu thế giới còn nhu cầu kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ là rất lớn.