Theo thông báo của Quân khu Đông Nam, đây là một phần trong cuộc kiểm tra đột xuất các đơn vị của Quân khu Miền Nam, được thực hiện theo quyết định của Tổng Tư lệnh Tối cao các Lực lượng vũ trang Liên bang Nga Putin.
Sẵn sàng trước nguy cơ tấn công khủng bố
Hãng tin Interfax dẫn lời Đại tướng Sergei Shoigu - Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho biết: "Các mối đe dọa vẫn hiện hữu ở khu vực Tây Nam, đặc biệt “mối đe dọa nghiêm trọng của khủng bố".
Các cuộc kiểm tra đột xuất được tổ chức để kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của Không quân. Nó cũng được thực hiện để chuẩn bị cho quân đội cho cuộc tập trận chỉ huy và điều hành cấp chiến lược Caucasus-2020. 56 cuộc tập trận chiến thuật đã được lên kế hoạch.
Tổng số 35 thao trường Lục quân và 17 cơ sở huấn luyện Hải quân ở Biển Đen và Biển Caspi sẽ nằm trong danh sách kiểm tra đột xuất, được tiến hành cho đến ngày 21/7, Interfax cho biết.
Ngoài ra, sẽ tiến hành kiểm tra các đơn vị độc lập trực thuộc Bộ Quốc phòng, cũng như lực lượng nhảy dù và thủy quân lục chiến của Hạm đội Phương Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương. Tham gia hoạt động này bao gồm hơn 149.755 quân nhân; 26.820 thiết bị quân sự, 414 máy bay và 106 tàu chiến.
Tập trận Caucasus-2020 được Nga lên kế hoạch vào tháng 9/2019, với quy mô có thể nhỏ hơn theo kế hoạch đã định do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cuộc tập trận Caucasus gần nhất của Nga diễn ra tháng 9/2016 tại các quân khu Miền Nam, Miền Tây và Trung tâm, với hơn 120.000 quân nhân và nhân viên dân sự từ các bộ ngành khác nhau.
Được biết, các đợt kiểm tra đột xuất vốn vẫn nằm trong kế hoạch hàng năm của quân đội Nga. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu cho biết, dự kiến tổ chức hơn 15.500 đợt kiểm tra sẵn sàng chiến đấu trong giai đoạn huấn luyện mùa hè năm nay.
Mối lo ngại từ Kiev
Rất lâu trước đợt kiểm tra đột xuất sẵn sàng chiến đấu này, ở Kiev, một số chính trị gia và quan chức quốc phòng nhận định, trong cuộc tập trận Caucasus-2020, Nga “đang lên kế hoạch tấn công Ukraine” để chiếm khu vực Kherson, nhằm đảm bảo việc cung cấp nước ở Crimea qua kênh Bắc-Crimea.
Rõ ràng lần này, sau tuyên bố của ông Putin về việc kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu đột xuất ở phía Tây Nam của khu vực lãnh thổ châu Âu của Nga, lo ngại của Kiev sẽ gia tăng.
Một số người có thể liên hệ đợt kiểm tra này với tình hình căng thẳng ở vùng Caucasus - nơi Armenia và Azerbaijan những ngày gần đây ăn miếng trả miếng làm cho tình hình trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
Trả lời câu hỏi, có phải việc kiểm tra mức độ sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga và các cuộc tập trận Caucasus-2020 có liên quan đến các tình hình ở các nước láng giềng, Giám đốc Trung tâm liên kết chính trị Ivan Konovalov cho rằng hoàn toàn không.
Theo ông này, “đợt kiểm tra không liên quan gì đến các sự kiện ở Nam Caucasus, cũng như tình hình Ukraine. Tất cả các tuyên bố ở Kiev về các kế hoạch của Nga đánh chiếm Kherson phản ánh xu hướng báo động ảo tưởng trong giới “tinh hoa” chính trị Ukraine, và không liên quan đến thực tế.
Sự cần thiết phải kiểm tra sẵn sàng chiến đấu của quân đội là điều hiển nhiên. Ba tháng qua quân đội buộc phải thực hiện huấn luyện quân sự trong điều kiện các biện pháp hạn chế liên quan đến tình hình dịch tễ phức tạp.
Cuộc tập trận chiến lược quan trọng Caucasus-2020 đang đến gần. Rõ ràng lãnh đạo cần phải biết được trình độ huấn luyện thực sự của quân đội”.
Tổng thống Nga quyết định kiểm tra huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị Không quân và Hải quân; Nguồn: kxan36news.com
Theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh đại dịch vừa qua, quân đội đã thể hiện rất tốt, bảo vệ tốt quân nhân khỏi dịch bệnh. Quân đội nhanh chóng triển khai lực lượng y tế cần thiết đã thành lập một đơn vị đặc biệt gồm các chuyên gia liên quan đến phòng chống sinh học.
Tuy nhiên, bởi vì một cuộc diễn tập quan trọng, mang tính biểu tượng là Caucasus-2020, việc kiểm tra quân đội là hợp lý và tuyệt đối cần thiết.
Mối quan tâm từ NATO
Trong một động thái liên quan, khối NATO đã cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản minh bạch của đợt kiểm tra đột xuất về sẵn sàng chiến đấu của Tổng thống Putin ngày 17/7. Điều này đã được bà Oana Lungescu - đại diện chính thức của NATO - tuyên bố trên Twitter.
“Điều đáng chú ý là kể từ Chiến tranh Lạnh, Nga chưa bao giờ để các cuộc tập trận được giám sát bắt buộc theo Văn bản OSCE Vienna về minh bạch quân sự, trong khi các đồng minh NATO hoàn toàn tuân thủ”, theo bà này.
Bà Lungescu cho rằng, Nga tiếp tục lợi dụng sơ hở để tránh sự minh bạch. Bà nhấn mạnh rằng tất cả các quốc gia có quyền bí mật về lực lượng vũ trang của mình, nhưng phải tôn trọng nghĩa vụ minh bạch.
Đúng như dự đoán, cuộc kiểm tra đột xuất về sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga đã đã vấp phải phản ứng từ một số nước láng giềng. Cụ thể, Chính phủ Lithuania bày tỏ "cực kỳ quan ngại các cuộc diễn tập của quân đội Nga có hàng chục nghìn binh sĩ tham gia".
Theo Vilnius, “việc Nga đang tiến hành các cuộc diễn tập quy mô lớn trong bối cảnh của cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra ở miền Đông Ukraine và tình hình căng thẳng ở Transcaucasus giữa Armenia và Azerbaijan gây ra những mối quan tâm lớn.
Cần biết rằng, Nga đã thông báo cho OSCE về việc kiểm tra sự sẵn sàng chiến đấu của quân đội, thông báo về các khu vực các cuộc diễn tập quân sự sẽ diễn ra.
Đáng nói, Moscow đã nhiều lần cảnh báo Mỹ, phản đối việc triển khai lực lượng NATO gần biên giới, và cho biết, bất kỳ sự gia tăng nào về hiện diện quân sự ở Ba Lan đều có thể kích động sự trả đũa của Nga cũng như thúc đẩy Nga tăng cường sự hiện diện quân sự ở nước láng giềng Belarus.
Moscow cũng đã nhiều lần phản đối Mỹ và các đồng minh quân sự NATO về các cuộc diễn tập mang tính khiêu khích trên đất liền gần biên giới Nga. Đồng thời, Cả Nga và các thành viên NATO đều đã tăng cường hoạt động của họ ở Bắc Cực, chạy đua giành vị trí tại một khu vực trở nên dễ tiếp cận hơn cho các hoạt động quân sự và thương mại trong tương lai gần./.