Tiêm kích tàng hình Su-57 Nga tả xung hữu đột ở Syria nhưng vẫn đi vào "vết xe đổ"?

Ngọc Huy |

Việc Moscow không vội vàng mua tiêm kích Su-57, còn Ấn Độ rút khỏi chương trình hợp tác phát triển máy bay thế hệ 5 FGFA khiến nhiều chuyên gia hoài nghi về tương lai của nó.

Nhiều chuyên gia quân sự hoài nghi rằng liệu chiếc máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 đầu tiên của Nga có đáp ứng được kỳ vọng hay lại đi vào "vết xe đổ" của đàn anh Mig-35.

Những nghi vấn về việc tiêm kích Su-57 gặp quá nhiều vấn đề liên quan tới kỹ thuật hay thiếu nguồn lực khi Ấn Độ rút khỏi dự án chung liệu có là sự thật? Hay đó chỉ là vấn đề bề nổi, còn nguyên nhân chính dẫn tới việc Nga không vội mua Su-57 hoàn toàn khác?

Nga liệu có gặp khó khăn kỹ thuật với Su-57?

Câu trả lời chắc chắn là có! Một chương trình phát triển vũ khí hàng không hoàn toàn mới, đầy tham vọng của Nga kể từ khi Liên Xô tan vỡ như PAK FA hay Su-57 gặp nhiều vấn đề kỹ thuật là điều dễ hiểu.

Điều này có thể thấy qua những trục trặc kỹ thuật dẫn đến cháy động cơ trên một nguyên mẫu công nghệ T-50 hay việc Nga chế tạo tới 12 mẫu thử nghiệm để hoàn thiện công nghệ dành cho tiêm kích Su-57.

Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ. Những vấn đề kỹ thuật giống như "căn bệnh của trẻ con" được hoàn thiện dần sau từng mẫu thử. Dù các thông tin kỹ thuật cụ thể trên từng mẫu T-50 thử nghiệm không được công bố, nhưng căn cứ vào hình dáng bề ngoài có thể thấy, chúng liên tục được chỉnh sửa để có được thiết kế hoàn chỉnh hơn.

Nếu thiết kế của các nguyên mẫu T-50 đầu tiên có thể phát sinh nhiều vấn đề kỹ thuật, thì các nguyên mẫu T-50 sau này hầu như không có "điều tiếng" gì.

Tiêm kích tàng hình Su-57 Nga tả xung hữu đột ở Syria nhưng vẫn đi vào vết xe đổ? - Ảnh 1.

Tiêm kích tàng hình Su-57

Hai nguyên mẫu T-50-11 và T-50-12 có thể coi chính là phiên bản hoàn thiện cuối cùng của PAK FA trước khi mang tên chính thức là tiêm kích tàng hình Su-57.

Ngoài ra, một yếu tố khác cần phải tính tới là truyền thống. Vũ khí là ngành kỹ thuật đặc biệt mang tính kế thừa và thực nghiệm rất cao. Về lĩnh vực này thì Nga chính là người kế thừa đầy đủ từ Liên Xô. Kể cả khi Liên Xô tan vỡ, những tổ hợp thiết kế hàng không chính như Sukhoi và MiG vẫn được giữ nguyên vẹn.

Đây chính là kho tư liệu khổng lồ về khí động học, điều khiển học và các ngành công nghệ hàng không quân sự khác…giúp Nga nhanh chóng có được công nghệ của máy bay thế hệ thứ 5 như Su-57.

Có nhiều thông tin về Su-57 chưa thể xác định rõ ràng. Tuy nhiên, từ nhiều nguồn tin quân sự Nga, giới chuyên gia quân sự quốc tế đã có nhiều thông tin về tính năng đặc biệt của dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Nga.

Trong đó, có nhiều thông tin đáng chú ý như việc khả năng tàng hình của Su-57 nằm ở thiết kế khí động và áp dụng rộng rãi vật liệu tổng hợp compusite trong chế tạo (trên 70%) hay công nghệ ePilot vốn là ứng dụng trí thông minh nhân tạo…

Cũng có thông tin so sánh quá trình phát triển của tiêm kích Su-57 với F-35 của Mỹ. Đây là điều hết sức nực cười. Hai chương trình phát triển với mục tiêu khác nhau và vấn đề kỹ thuật gặp phải cũng khác nhau.

Nếu F-35 gặp quá nhiều vấn đề kỹ thuật do sự "ép buộc" tính năng dành cho mọi quân, binh chủng, thì Su-57 theo đuổi mục tiêu đơn giản hơn nhiều. Nó là máy bay tiêm kích tiền tuyến, giành ưu thế trên không và đa năng ở mức chấp nhận được.

Tiêm kích tàng hình Su-57 Nga tả xung hữu đột ở Syria nhưng vẫn đi vào vết xe đổ? - Ảnh 2.

Biên đội 2 tiêm kích Su-57

Việc Ấn Độ rút khỏi FGFA liệu có ảnh hưởng tới thời gian phát triển và số lượng Su-57 đặt mua? Câu trả là có, nhưng không nhiều. Người Nga hiện tại đã biết làm kinh tế và khoa học quân sự cũng vậy.

Việc Nga hợp tác với Ấn Độ là muốn tận dụng nguồn lực của Ấn Độ để hoàn thiện nhiều công nghệ dùng chung trên cả Su-57 và FGFA (có thể coi là biến thể xuất khẩu của Su-57).

Việc Ấn Độ rút khỏi chương trình sẽ ảnh hưởng tới nhiều hạng mục, nhưng về tổng thể PAK FA đã có tên chính thức là Su-57 và được chấp nhận biên chế cho Không quân Nga, tức là nó cơ bản đã hoàn thiện về công nghệ.

Nếu Su-57 đã hoàn thiện, tại sao Nga lại không đặt mua chúng số lượng lớn? Đó là câu chuyện hoàn toàn khác và việc giải thích chúng sẽ cho thấy người Nga giờ đã rất thực dụng.

Giết gà liệu có cần dao mổ trâu?

Một vấn đề đặt ra khi phát triển và đặt mua một loại vũ khí hiện đại và đắt tiền chính là đối thủ của nó là ai và nó sẽ đóng vai trò gì trong quân đội được trang bị.

Đây có thể coi là nguyên nhân đầu tiên dẫn tới việc Nga không vội vã mua Su-57. Nga hiện tại không phải đối phó với nguy cơ chiến tranh tổng lực như Liên Xô hay đối đầu trực tiếp với Mỹ trên chiến trường quy ước.

Vậy đối thủ của tiêm kích tàng hình Su-57 sẽ là ai và nó sẽ tác chiến ở đâu, khi các dòng máy bay chiến đấu hiện tại của Nga như Su-30SM, Su-35S, Su-34 đang làm rất tốt nhiệm vụ của mình. Chiến trường Syria đã chứng minh điều đó.

Tiêm kích tàng hình Su-57 Nga tả xung hữu đột ở Syria nhưng vẫn đi vào vết xe đổ? - Ảnh 3.

Đội hình tiêm kích đa năng Su-34, Su-35 và Su-57 trình diễn.

Các dòng máy bay trên của Nga đều đã có dây chuyền lắp ráp hàng loạt đảm bảo việc sản xuất ổn định và khi cần là số lượng lớn. Xét về mặt hiệu quả về khả năng tác chiến và chi phí sản xuất, Su-57 sẽ không bao giờ "có cửa" với các đàn anh.

Nga sẽ chỉ sản xuất hàng loạt tiêm kích tàng hình Su-57, nếu an ninh quốc gia bị đe dọa hay chiến tranh cận kề.

Mặt khác, là một dòng máy bay chiến đấu hoàn toàn mới, các yêu cầu về phương thức tác chiến, chiến thuật của Su-57 vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Nga liệu có lãng phí nguồn lực và dòng máy bay tương lai để rồi không biết sử dụng nó ra sao, trong hoàn cảnh nào?

Và Nga không phải là Liên Xô! Đây chính là lý do tại sao các máy bay Su-57 đầu tiên không được phiên chế cho các đơn vị chiến đấu, mà là các học viện hàng không quân sự.

Việc Nga không vội mua Su-57 cũng đúng với sách lược dụng binh. Vũ khí được phát triển ra, không cần sử dụng, mà vẫn đạt được hiệu quả răn đe, "bất chiến tự nhiên thành" chính là mong ước của binh gia.

Với Su-57, Nga chính thức "chung mâm" với Mỹ, Trung Quốc trong lĩnh vực máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5. Điều này thể hiện tiềm lực quân sự của Nga với vị thế siêu cường đã được phục hồi.

Với những lý do trên, Nga rất thực dụng khi không vội mua tiêm kích Su-57.

Điều này giúp Moscow dành nguồn lực cho những dự án vũ khí mang tính cần thiết hơn như vũ khí chiến lược, robotic hay trí thông minh nhân tạo…

Tiêm kích tàng hình Su-57 Nga trình diễn tính năng chiến đấu tuyệt vời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại