Nga “khai tử” đoàn tàu hạt nhân Barguzin: Thiếu tiền hay cái kết của một ý tưởng tồi?

Trung Phạm |

Ngày 6/12/2017, Nga chính thức thông báo dừng dự án phát triển các đoàn tàu tên lửa hạt nhân Barguzin. Do thiếu hụt tài chính hay còn bởi lý do nào khác?

Dự án đoàn tàu hạt nhân Barguzin

Năm 2013, Quân đội Nga tuyên bố sẽ khôi phục lại các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) chuyên chở bằng các đường ray di động.

Đó là những đoàn tàu chất đầy những tên lửa hạt nhân khổng lồ bên trong, có thể cơ động rất nhanh khắp nước Nga, triển khai bệ phóng và sẵn sàng khai hỏa ngay khi nhận lệnh. Nó được đặt tên là đoàn tàu Barguzin và dự kiến sẽ bắt đầu thử nghiệm vào năm 2019.

Ý tưởng là như vậy. Tuy nhiên, ngày 6/12/2017, Chính phủ Nga thông báo hoãn chương trình này lại với lý do chính là chi phí quá đắt đỏ. Cụ thể, hãng thông tấn TASS dẫn lời một nguồn tin của Bộ quốc phòng Nga cho biết:

"Hệ thống ICBM đặt trên đường ray cơ động sẽ được loại khỏi Chương trình mua sắm vũ trang nhà nước mới đến năm 2027 vì thiếu nguồn lực tài chính. Không có đủ ngân sách để đầu tư cho tất cả các chương trình của Lực lượng Tên lửa Chiến lược và Nga đã hy sinh dự án Barguzin ở thời điểm hiện tại để tập trung cho các ICBM Sarmat và RS-26 Rubezh".

Dự án Barguzin thực tế là kế hoạch khôi phục lại 1 trong 3 "chân kiềng" hạt nhân của Nga đã bị hoãn lại từ thời Liên Xô.

Trước đó, Liên Xô đã phát triển được các tàu ngầm và máy bay ném bom vũ trang hạt nhân, lực lượng tên lửa mặt đất gồm các tên lửa hạt nhân gắn trên xe tải lớn, chứa trong hầm ngầm và trên tàu hỏa. Quân đội Liên Xô lần đầu tiên ra chỉ lệnh chế tạo các tên lửa ICBM chở trên tàu hỏa vào năm 1969 nhưng các bệ phóng thì sau đó mới được triển khai.

Tháng 10/1987, đoàn tàu ICBM đầu tiên được Liên Xô đưa vào hoạt động với tên gọi "Moldets". Đây là một đoàn tàu vũ trang tên lửa RT-23, một loại ICBM cũng được cất trữ trong các hầm ngầm và có thể mang theo 10 đầu đạn phân hướng độc lập, mỗi chiếc có sức công phá 550 kiloton.

Trong những năm 1990 và 2000 sau Hiệp ước START II, Nga đã ngừng sử dụng các tên lửa RT-23 (NATO định danh là SS-23 Scalpel). Khi đó, Điện Kremlin đã sản xuất được 12 đoàn tàu như vậy.

Chương trình này tưởng như đã chấm dứt nhưng đến năm 2013, Kremlin tuyên bố sẽ chế tạo một đoàn tàu vũ trang hạt nhân với tên gọi mới Barguzin theo chỉ thị của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Lần này là trang bị các ICBM RS-24 Yars tiên tiến hơn.

RS-24 có tầm bắn tương tự như RT-23 nhưng ngắn hơn 3 m và chỉ nặng bằng một nửa – một lợi thế rất đáng kể cho các tên lửa cơ động.

Nga “khai tử” đoàn tàu hạt nhân Barguzin: Thiếu tiền hay cái kết của một ý tưởng tồi? - Ảnh 1.

Hệ thống tên lửa di động RS-24 Yars trên đường vận chuyển tới thao trường huấn luyện. Ảnh Sputnik

Kết cục của một ý tưởng tồi?

Xét về lý thuyết, lợi ích của dự án Barguzin là khá rõ ràng. Các đoàn tàu tên lửa lao nhanh như những mũi tên khắp đất nước trước khi khai hỏa sẽ khó phát hiện hơn so với các tên lửa cố định đặt trong hầm ngầm.

Hơn nữa, những bệ phóng nhỏ hơn có thể ngụy trang tốt trong các toa xe lửa bình thường. Ý tưởng này của Nga phần nào khiến công việc của tình báo Mỹ trở nên khó khăn hơn.

Mặt khác, khi đã khó phát hiện được các giàn phóng đặt trên xe lửa cơ động thì cũng đòi hỏi các đối thủ của Nga phải sử dụng nhiều tên lửa hơn để tấn công, nghĩa là sẽ còn ít tên lửa dành cho các mục tiêu khác. Quân đội Nga cũng đã đạt được một số tiến triển về Barguzin trong một vụ thử năm 2015.

Thế nhưng, quyết định dừng Barguzin lại khiến giới quan sát không khỏi băn khoăn liệu Kremlin có thực sự nghiêm túc về dự án này hay liệu đó chỉ là một dạng phô trương sức mạnh quân sự trong lúc quan hệ Nga – Mỹ đang suy giảm ở cùng thời điểm.

Năm 2012, một tướng quân đội Nga đã nói rằng, Barguzin là lời đáp trả với Đòn tấn công nhanh toàn cầu (PGS) của Mỹ. là chương trình Mỹ tập trung phát triển các vũ khí siêu âm có khả năng tấn công chớp nhoáng bất cứ địa điểm nào trên thế giới trong vòng 1 giờ.

Song, khi Nga quyết định dừng Barguzin thì dự án PGS của Mỹ vẫn đang hoạt động. Năm ngoái, Lầu Năm Góc đã chi tới hơn 180 triệu USD để phát triển nó.

Tất nhiên, xét trong bối cảnh tài chính hiện tại, Nga có lý do để đưa ra quyết định này vì phát triển các tên lửa hạt nhân chuyên chở bằng đường ray tàu hỏa tốn kém hơn rất nhiều so với các tên lửa đặt trong hầm ngầm.

Nhưng theo chuyên gia Robert Beckhusen, Tổng thư ký của Tạp chí War Is Boring, nhìn nhận từ một số khía cạnh khác thì dự án Barguzin chứa đựng nhiều rủi ro hơn cách lập luận của Nga.

Trong thời bình, Barguzin đòi hỏi phải có một mạng lưới căn cứ để cất giữ và bảo dưỡng theo những yêu cầu của các hiệp định quốc tế. Còn trong thời chiến, phải cần tới nhiều đơn vị an ninh hùng hậu để bảo vệ các tên lửa này. Chúng vẫn được gắn trên các đường ray tàu hỏa, vì vậy tình báo Mỹ biết tìm chúng ở đâu.

Điều này cũng đặt ra câu hỏi, liệu các tên lửa hạt nhân như vậy có thể được đưa ra khỏi các căn cứ kịp thời trước khi chúng bị tên lửa đối phương tấn công trong những giây phút đầu tiên của một cuộc chiến tranh hạt nhân?

Theo Robert Beckhusen, Lầu Năm Góc đã nghiên cứu vấn đề này trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh và thậm chí họ đã phát triển 2 nguyên mẫu toa tàu hỏa cho các ICBM LGM-118A Peacekeeper nhưng sau đó nhận thấy công việc này không tương xứng với chi phí bỏ ra và lại rất dễ bị tổn thương.

Nga phóng thử thành công tên lửa RS-24 Yars ngày 12/9/2017

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại