“Trang bị tới tận răng”: Quân đội Nga sẽ tiếp nhận những siêu vũ khí nào đến năm 2025?

Trung Phạm |

Đến năm 2025, nhiều khả năng Nga sẽ chi tới 315 tỷ USD cho việc chế tạo các hệ thống vũ khí mới, trong đó có chiến đấu cơ thế hệ 5 và có thể là cả tàu sân bay lớn nhất thế giới.

Theo kế hoạch dự kiến, ngày 15/12 tới đây Bộ Quốc phòng Nga sẽ trình lên Tổng thống Vladimir Putin bản dự thảo Chương trình mua sắm vũ khí quốc gia mới giai đoạn 2018 – 2025, trong đó sẽ phân bổ ngân sách cho các lực lượng Không quân, Lục quân và Hải quân Nga.

Khoản tiền này sẽ được Nga đầu tư để phát triển các hệ thống vũ khí thế hệ mới như máy bay ném bom chiến lược tầm xa PAK DA có thể mang mang theo các tên lửa với tầm bắn lên đến 5.000 km. Chương trình mua sắm mới được cho là cũng sẽ tập trung nguồn lực cho sản xuất các máy bay tiêm kích thế hệ 5 Su-57 và các xe tăng T-14 "Armata".

Hải quân

Theo những thông tin đã được tiết lộ, nhiều tàu chiến hiện đại sẽ được Nga đóng mới và phần lớn là các tàu hộ vệ loại nhỏ trang bị tên lửa hành trình.

Dự án 22800 chịu trách nhiệm phát triển các tàu chiến dạng này với tổng cộng 18 chiếc, trang bị các công nghệ tàng hình tiên tiến. Đặc biệt, mỗi chiếc thuộc Dự án 22800 đều mang theo các tên lửa hành trình Kalibr và Oniks.

Năm 2015, những quả tên lửa Kalibr từng gây chấn động thế giới khi Hạm đội Caspian của Nga khai hỏa tấn công các mục tiêu khủng bố ở Syria. Các tên lửa này đã bay xa 1.500 km, qua lãnh thổ Iran, Iraq trước khi hủy diệt các mục tiêu của Tổ chức Nhà nước Hồi Giáo tự xưng (IS) tại Syria.

Mỗi quả tên lửa Kalibr mang theo đầu đạn nặng 500 kg với sức công phá cực lớn, có thể khoét tung các hố sâu trên mặt đất rộng hàng trăm mét. Với tầm bắn lên tới 2.500 km và bán kính sai số mục tiêu là 30 m, Kalibr trở thành một trong những vũ khí đáng sợ nhất trên thế giới.

Hải quân Nga cũng sẽ tiếp nhận các tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel và năng lượng hạt nhân mới, mang theo các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Ngoài ra, Chương trình trang bị vũ khí giai đoạn 2018 – 2025 cũng sẽ mua thêm nhiều loại tàu hậu cần, hộ tống, khinh hạm và tàu nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất vẫn còn đang để ngỏ: Liệu Bộ Quốc phòng Nga có đủ năng lực tài chính để đóng chiếc tàu sân bay lớn nhất thế giới - "Shtorm" (khoảng 7 tỷ USD)?

Kích thước của chiếc tàu sân bay này được cho là tương đương hoặc lớn hơn siêu tàu sân bay Gerald R. Ford của Mỹ, loại có thể vận chuyển tới 80 máy bay.

Nếu được đóng, với lượng giãn nước khoảng 100.000 tấn, Storm sẽ trở thành một căn cứ không quân di động trên biển được bảo vệ bởi cả một liên đội tàu chiến khác. Khu vực sàn của "Shtorm" sẽ có tới 4 đường băng cất/hạ cánh cho các máy bay tiêm kích và cường kích như Su-57, MiG-29K, Ka-27…

“Trang bị tới tận răng”: Quân đội Nga sẽ tiếp nhận những siêu vũ khí nào đến năm 2025? - Ảnh 1.

Tàu hộ vệ Grad Sviyazhsk của Nga bắn tên lửa Kalibr. Ảnh: RIA Novosti

Không quân

Không quân Nga sẽ được tăng cường sức mạnh với các máy bay tiêm kích – cường kích Su-35 và Su-34 mới đã từng tham gia chiến dịch quân sự của Nga ở Syria. Các phi công dự kiến cũng sẽ được lái những chiếc Su-30SM siêu cơ động mà phi đội bay "Hiệp sĩ Nga" từng trình diễn trong các triển lãm hàng không quốc tế.

Đến năm 2020, Nga dự kiến sẽ mua khoảng 24 chiếc MiG-35.

"Chúng tôi đang hoàn thiện các hoạt động nghiên cứu phát triển với Tập đoàn MiG và hy vọng từ 2018 có thể bắt đầu mua loại máy bay này. Chúng tôi đã có các kế hoạch cho Chương trình mua sắm vũ khí quốc gia 2018-2025", Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga phát biểu với báo giới ngày 18/7/2017.

MiG-35 là chiến đấu cơ đa nhiệm được phát triển dựa trên mẫu MiG-29М/М2, nổi bật với các khả năng tác chiến hiện đại. Nó có thể đạt tới vận tốc 2.700 km/h và bán kính tác chiến là 1.000 km.

Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng có kế hoạch dành một khoản ngân sách lớn đầu tư cho các hoạt động chế tạo máy bay ném bom chiến lược tầm xa mới PAK DA mang theo các tên lửa hành trình.

“Trang bị tới tận răng”: Quân đội Nga sẽ tiếp nhận những siêu vũ khí nào đến năm 2025? - Ảnh 2.

Máy bay Sukhoi Su-30SM. Ảnh: Global Look Press

Lục quân

Một trong những bổ sung chính cho lực lượng Lục quân Nga sẽ là hệ thống phòng không S-500 "Prometheus". Với tầm bắn 400 km, sau khi hoàn thiện, tổ hợp này sẽ thay thế cho S-400 "Triumph".

Tổ hợp phòng không cơ động S-500 là một hệ thống bao quát, có khả năng bắn hạ bất cứ mục tiêu nào, kể cả các vệ tinh tầm thấp và tên lửa siêu thanh của tương lai.

S-500 thậm chí còn có thể bắn hạ các mục tiêu ở gần quỹ đạo, cách mặt đất khoảng 100 km, đồng thời tấn công 10 mục tiêu siêu thanh bay ở vận tốc khoảng 7 km/giây.

Tổ hợp phòng không S-500 có các đơn vị cơ động và trạm radar của riêng mình. Chúng đủ sức đánh chặn một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đang bay lên, tức ở độ cao 185 - 200 km cũng như trong quá trình bay xuống, nhằm vào đầu tên lửa.

“Trang bị tới tận răng”: Quân đội Nga sẽ tiếp nhận những siêu vũ khí nào đến năm 2025? - Ảnh 3.

Hệ thống phòng không S-400 Triumph.

Quân đội Nga cũng đang trong tiến trình thay thế các xe tăng cũ bằng cỗ máy chiến tranh hiện đại T-14 "Armata". Xe thiết giáp "Kyrganets-25" và xe chở binh lính "Boomerang" cũng sẽ được bổ sung.

"Điểm đặc biệt của chương trình mua sắm vũ khí 2018-2025 là việc đưa các sản phẩm đang còn ở giai đoạn thử nghiệm hiện nay vào sản xuất hàng loạt. Kế hoạch này áp dụng với tăng T-14 Armata, các hệ thống hàng không tuyến đầu, không quân tầm xa và nhiều hạng mục khác", Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya-24 ngày 14/11/2017.

Nguyên mẫu tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata được tiết lộ lần đầu tiên năm 2012 và hiện Nga đang thử nghiệm 100 chiếc với hy vọng sẽ triển khai vào đầu năm 2019. Nếu loại tăng chiến đấu mới này đáp ứng các yêu cầu, Bộ Quốc phòng Nga có kế hoạch mua tổng cộng 2.300 chiếc vào năm 2020.

Vũ khí của T-14 hiện là pháo nòng trơn 2A82, cỡ 125 mm được cải tiến từ pháo 2A46M của T-90 và có cơ cấu nạp đạn tự động. Các biến thể tương lai của T-14 sẽ được nâng cấp thành pháo 152 mm, thậm chí bắn cả đầu đạn hạt nhân có sức công phá thấp.

Theo các chuyên gia quân sự Nga, pháo 2A82 có uy lực mạnh hơn đến 17% so với pháo Rheinmetall 120mm được trang bị trên các dòng tăng chủ lực của NATO.

MiG-35, tiêm kích thế hệ 4++ của Nga phô diễn sức mạnh

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại