Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, trong khi Mỹ ít chú trọng đến phòng không tầm ngắn thì Nga lại rất chủ động thúc đẩy phát triển các hệ thống này cho riêng mình. Một phần lý do có thể được giải thích là vì mỗi nước phải đối diện với những bối cảnh thực tiễn khác nhau.
Nhìn chung, Mỹ có xu hướng kiểm soát không phận trên chiến trường, quan tâm nhiều tới cách thức gây thiệt hại cho các thiết bị mà Nga đã bán cho các quốc gia như Iraq, Libya hay Nam Tư.
Điều này khiến các quốc gia khác, hoặc đã mua vũ khí Nga hoặc được cấp phép thiết kế, tỏ ra lo lắng. Vì vậy, Nga phải cố gắng nghiên cứu và chế tạo ra các hệ thống phòng thủ hiệu quả hơn, đặc biệt đối với lực lượng trên chiến trường như các đơn vị xe tăng hay bộ binh.
Sản phẩm mới nhất trong chuỗi hệ thống này chính là Pantsir-S1 (NATO định danh là SA-22 Greyhound) - tổ hợp pháo - tên lửa tự hành tiên tiến lắp đặt trên xe tải việt dã 4 cầu chủ động.
Một tổ hợp Pantsir-S1 gắn trên xe 8x8 Ảnh: Business Insider
Pantsir-S1 được phát triển trên nền tảng của hệ thống phòng thủ chiến thuật tân tiến trước đó của Nga - 2S6 Tunguska, loại được trang bị 8 tên lửa SA-19 "Grison" và 2 pháo cỡ nòng 30mm trên xe bánh xích.
Pantsir-S1 được thiết kế nhằm đáp ứng yêu cầu của Các lực lượng phòng không Nga (PVO), có khả năng tấn công nhiều loại mục tiêu trên không như máy bay, trực thăng, tên lửa đạn đạo, hành trình và các loại đạn dẫn đường chính xác.
Các nhà phát triển Pantsir-S1 thậm chí còn tuyên bố, hệ thống này cũng có thể tiêu diệt cả các máy bay tàng hình như F-22 và F35.
Hệ thống tên lửa đất đối không Pantsir-S1 khai hỏa tại trường bắn Ashuluk ở Astrakhan, Nga ngày 5/8/2017. Ảnh: Reuters
Hệ thống kiểm soát bắn của Pantsir-S1 trang bị 1 radar kháng nhiễu và 1 kính ngắm quang - điện tử, có thể bắn cả 2 loại đạn (pháo/tên lửa) trong quá trình di chuyển.
Tên lửa 57E6 của Pantsir-S1 là loại động cơ nhiên liệu rắn hai tầng, có vận tốc tối đa 1.000 m/s (Mach 3), tầm bắn 20 km và độ cao tối đa là 8 km.
Tương tự như Tunguska, Pantsir-S1 được trang bị 2 pháo cỡ nòng 30 mm với tốc độ bắn kết hợp có thể đạt tới 5.000 phát/phút và có cơ số đạn là 1.400 viên.
"Nói một cách không hề quá, một tổ hợp Pantsir-S1 có đủ số tên lửa để tiêu diệt một phi đội F/A-18 Hornet của Hải quân hoặc Thủy quân lục chiến Mỹ", chuyên gia Harold Hutchison của Strategypage.com nhận xét.
Điều đáng quan tâm là Nga đã và đang xuất khẩu hệ thống phòng không tiên tiến này cho nhiều quốc gia. Các khách hàng của Pantsir-S1 có thể kể đến như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Iraq và Syria.
Do đó, theo Harold Hutchison, các máy bay chiến đấu của Mỹ rất có thể sẽ phải đối diện với một xe chuyển chở Pantsir-S1 của Nga, đủ sức làm chúng nổ tung trên bầu trời.
Sức mạnh tổ hợp pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S1 của Nga