Vào tháng 10-2018, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã công bố ý định mua sắm tới 200 trực thăng hạng nhẹ Ka-226T do Nga cung cấp, trong đó phần lớn sẽ được lắp ráp ngay tại quốc gia Nam Á này.
Gói thầu sẽ bao gồm hoạt động bảo dưỡng, vận hành, sửa chữa và bảo đảm hỗ trợ kỹ thuật cho các máy bay trực thăng hạng nhẹ Ka-226T này ngay tại tổ hợp HLC của Ấn Độ.
Dự kiến có 60 chiếc Ka-226T được sản xuất trực tiếp ở Nga và 140 máy bay còn lại sẽ được sản xuất tại Ấn Độ bởi các nhà máy của HLC với tỷ lệ nội địa hóa 60 - 70%.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ dự định sẽ biên chế 140 chiếc Ka-226T cho lục quân và 60 chiếc cho không quân, nhằm thay thế các phi đội trực thăng Chetak và Cheetah đã lỗi thời đang phục vụ trong quân đội nước này.
Mặc dù đã ký hợp đồng với Nga về việc cung cấp 140 trực thăng quân sự Ka-226, tuy nhiên trang Avia cho biết New Delhi đang xem xét khả năng phá vỡ thỏa thuận trị giá vài tỷ USD này.
Người đứng đầu công ty cổ phần "Máy bay trực thăng Nga" hôm 17-11 nói rằng Ấn Độ "đang tiến sát với việc hủy bỏ hợp đồng mua 140 máy bay trực thăng", tờ báo The Economic Times cho hay.
Nguyên nhân chính xác dẫn đến động thái trên của phía Ấn Độ không được báo cáo cụ thể, điều này đã dẫn tới nhiều phỏng đoán từ các chuyên gia quân sự quốc tế.
Hiện nay đa phần các ý kiến đều tập trung vào khả năng Nga đã từ chối chuyển nhượng giấy phép lắp ráp máy bay trực thăng trên lãnh thổ của quốc gia Nam Á này.
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra các trục trặc liên quan đến vấn đề chuyển giao công nghệ, trước đó tiêm kích tàng hình FGFA cũng bị New Delhi chấm dứt hợp đồng vì lý do tương tự.
Đáng chú ý là mới đây còn có thông tin cho biết Ấn Độ có thể tăng quy mô hợp đồng lên gấp đôi, tức là họ sẽ đặt mua tới 400 trực thăng Ka-226T thay vì 200 chiếc như dự định ban đầu.
"Việc ký kết thỏa thuận giữa Matxcơva và New Delhi có thể không diễn ra, mặc dù vẫn chưa có tuyên bố chính thức từ Ấn Độ", trang Avia của Nga dẫn nguồn tin giấu tên cho biết.
Được Công ty Trực thăng Nga phát triển vào năm 2008, Ka-226T chính là một biến thể nâng cấp của mẫu trực thăng đa nhiệm Ka-226 (NATO định danh là Hoodlum).
Ưu điểm của trực thăng hạng nhẹ Ka-226T nằm ở thiết kế tiện dụng với hệ thống rotor làm từ vật liệu composite, mang lại những đặc tính về mặt khí động học tốt nhất.
Máy bay lắp 2 động cơ Turbomeca Arrius 2G1 công suất 450 mã lực của Pháp, cho tốc độ tối đa 250 km/h, tầm hoạt động 600 km; Ka-226T chở được 7 người hoặc mang 1.100 kg hàng hóa bên trong hoặc ở các giá treo bên ngoài.
Không loại trừ khả năng trục trặc trong quá trình cung cấp động cơ do các lệnh cấm vận từ phương Tây là một phần lý do khiến Ấn Độ xem xét hủy bỏ hợp đồng mua trực thăng Ka-226T.