Trong diễn biến mới nhất tại Syria, Nga đã tăng cường tới quốc gia Trung Đông này 2 máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không (AWACS) A-50U cùng các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf hay tàu hộ vệ săn ngầm Pytlivy lớp Krivak...
Việc điều động cấp tốc lực lượng với quy mô lớn trên được cho là nhằm đề phòng khả năng Không quân và Hải quân Mỹ bất ngờ tung đòn tấn công vào lãnh thổ Syria. Ngoài việc gây thương vong cho quân đội nước sở tại thì còn đe dọa đến tính mạng các quân nhân Nga đang làm việc tại đây.
Như vậy trái với tuyên bố rút quân sau khi đã "hoàn thành nhiệm vụ" hồi cuối năm ngoái, binh lính và phương tiện quân sự Nga vẫn tiếp tục hiện diện tại mảnh đất nóng bỏng này với quy mô ngày một lớn hơn.
Máy bay chỉ huy & cảnh báo sớm trên không A-50U vừa được Nga điều động tới Syria
Lùi lại quá khứ, khi chính thức tham chiến tại Syria vào cuối tháng 9/2015, hầu hết nhận định của các chuyên gia đều cho rằng Nga sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh chớp nhoáng thông qua hình thức tập trung ném bom cường độ cao vào các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lẫn các nhóm vũ trang đối lập khác rồi rút lui nhanh.
Tuy nhiên, thực tế diễn ra đã khác xa so với dự định ban đầu. IS mặc dù bị đánh lui nhưng các nhóm quân chống chính phủ khác vẫn còn, một số còn nhận được sự trợ giúp trực tiếp từ nước ngoài khiến kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của Nga sớm phá sản.
Tính đến thời điểm hiện tại, Nga đã 2 lần tuyên bố thắng lợi và rút quân khỏi Syria nhưng rồi vẫn phải tăng cường lực lượng trở lại.
Từ đầu năm 2018 đến nay, Nga đã phải hứng chịu nhiều thiệt hại: cuộc tập kích sân bay Khmeimim khiến một số máy bay hư hỏng; tiếp đến là chiếc Su-25 bị bắn rơi khiến phi công thiệt mạng; rồi vụ tai nạn nghiêm trọng của máy bay vận tải An-26 làm nhiều sĩ quan thương vong, chưa kể đến vụ không kích dữ dội của Mỹ vào nhóm lính đánh thuê Wagner người Nga.
Đặc nhiệm Nga hoạt động tại Syria
Có một số ý kiến cho rằng các tuyên bố rút quân của Nga thực chất chỉ là "đòn gió", nhưng khả năng này là rất thấp vì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tinh thần của những binh lính trong đợt triển khai tiếp theo, vì chẳng ai muốn bị đẩy vào tình thế nguy hiểm khi đồng đội của mình đã được trở về nhà an toàn.
Như vậy, thực chất là người Nga đã tìm kiếm cơ hội để rút chân khỏi cuộc xung đột này một cách an toàn nhưng không thể nên giờ đây họ đang loay hoay tìm bước đi kế tiếp.
Nếu đưa quân trở lại với số lượng lớn (bao gồm cả lính bộ binh) thì chi phí sẽ rất cao mà chưa đảm bảo thắng lợi nhanh chóng, nhất là nguy cơ sẽ kéo theo sự đối đấu trực tiếp với Quân đội Mỹ cũng như đồng minh trong khu vực.
Còn nếu tiếp tục tình trạng "dây dưa" như hiện tại thì rõ ràng là không có lối thoát. Nga chỉ cần rút bớt phương tiện trở về là nguy cơ thành quả hơn 2 năm qua sẽ đổ xuống sông xuống biển trước sự phản công của phiến quân, chưa kể đến việc Quân đội Syria còn trở thành mục tiêu trực tiếp của Israel hay Mỹ.
Với tình cảnh hiện tại, người Nga có lẽ đang đứng trước nguy cơ sa lầy tại cuộc chiến ở Syria rõ ràng hơn bao giờ hết.
Lực lượng vũ trang Nga được triển khai tại Syria