Mỹ sẽ phải hối hận vì quyết định "bóp chết" tiêm kích F-22?

Trịnh Ngọc Tiến |

Điều gì đã xảy ra trong chương trình F-22, việc dừng sản xuất vì lý do chính trị, quân sự, hay chỉ đơn thuần về mặt kinh tế? Đây có phải là quyết định sáng suốt của giới chức Mỹ?

F-22 - Máy bay tiêm kích đi trước thời đại

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào những năm 1990, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất cả về chính trị và quân sự. Lúc này, quân đội Mỹ có ưu thế tuyệt đối kể cả về vũ khí, phương tiện cũng như con người.

Mỹ sẽ phải hối hận vì quyết định bóp chết tiêm kích F-22? - Ảnh 1.

Dây chuyền lắp ráp máy bay F-22 của Mỹ tại Lockheed Martin

Trong lĩnh vực hàng không quân sự, nước Mỹ vốn đã mạnh. Khi Liên Xô và khối Warszawa sụp đổ, không quân Mỹ lúc này thực sự không có đối thủ.

Nước Nga, do Boris Yeltsin nắm quyền, vẫn còn đang lục đục đấu đá quyền lực cũng như vướng vào cuộc chiến ở Chechnya và những khó khăn kinh tế thời hậu Xô Viết nên không thể cạnh tranh được với Mỹ.

Còn Trung Quốc, theo triết lý của Đặng Tiểu Bình vẫn đang "Giấu mình chờ thời, quyết không đi đầu, không gây xung đột" và cũng chưa thực sự là đối thủ để người Mỹ phải lưu tâm.

Không lực Mỹ vào thập niên 1990 không chỉ có có đội máy bay chiến đấu lớn nhất thế giới, họ còn là quốc gia duy nhất sản xuất và sở hữu máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm là F-22 Raptor.

Đến bây giờ, giới quân sự quốc tế cũng ít ai còn có thể nghi ngờ và đánh giá thấp chiếc tiêm kích thế hệ 5 F-22. Đây là loại máy bay chiếm ưu thế trên không hàng đầu thế giới hiện nay (vì ít nhất trong một thập kỷ tiếp theo, khó có chiếc tiêm kích nào vượt tính năng kỹ - chiến thuật của F-22).

Mỹ sẽ phải hối hận vì quyết định bóp chết tiêm kích F-22? - Ảnh 2.

Lễ bàn giao máy bay F-22 cho không lực Mỹ

Dừng sản xuất F-22: Có phải là quyết định sáng suốt?

Năm 2009, chính phủ Mỹ đã quyết định dừng sản xuất loại máy bay tiêm kích siêu hiện đại này khi mới sản xuất được 187 chiếc (theo kế hoạch là 381 chiếc). Điều gì đã xảy ra trong chương trình F-22, việc dừng sản xuất vì lý do chính trị, quân sự, hay chỉ đơn thuần về mặt kinh tế? Đây có phải là một quyết định sáng suốt của các nhà lãnh đạo Mỹ?

Về yếu tố kinh tế

Việc phát triển một mẫu máy bay tiêm kích thế hệ 5 rất khó khăn và tốn kém, nước Mỹ dù có kinh nghiệm trong phát triển F-22, vẫn đang vật lộn với chương trình máy bay chiến đấu của tương lai F-35 Lightning II, với số ngân sách phát triển khổng lồ và hàng tá lỗi chưa thể khắc phục.

Nga và Trung Quốc cũng chưa thành công, sau khi cũng đầu tư rất nhiều kinh phí và vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm. Vậy tại sao một mẫu máy bay đã phát triển thành công, đi vào sản xuất loại lại phải dừng lại?

Khi tiến hành dừng chương trình sản xuất F-22 (năm 2009), ngân sách Mỹ lúc này bị thâm hụt nghiêm trọng vì cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan.

Các nhà kinh tế có thể dễ dàng lý giải tại sao không nên phí phạm 300 triệu USD để chế tạo một chiếc F-22 mà chỉ dùng để đàn áp quân nổi dậy, trong tay không có radar, tên lửa hay vũ khí phòng không gì được coi là hiện đại, và họ coi đó là một chi phí không bền vững.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu vào năm 2008 và đỉnh điểm là năm 2010 cũng đã gián tiếp góp phần chương trình phải dừng lại.

Mỹ sẽ phải hối hận vì quyết định bóp chết tiêm kích F-22? - Ảnh 3.

Quyết định dừng sản xuất F-22 có phải là sai lầm chiến lược của Mỹ?

Về yếu tố quân sự

Chương trình phát triển F-22 Raptor bắt đầu vào đầu những năm 1980, với chiến lược là phát triển một mẫu máy bay chiến đấu chiếm ưu thế tuyệt đối trên không. Không lực Mỹ bắt đầu tìm kiếm một loại máy bay hoàn toàn mới thay thế cho chiếc F-15C Eagle.

Năm 1990, Không quân Mỹ đã quyết định chọn mẫu YF-22 của Lockheed Martin và sau đó đổi tên thành chiếc F-22 Raptor, làm nền tảng cho tương lai của không quân Mỹ.

Ngay từ đầu, Không quân Mỹ tính toán rằng họ sẽ cần khoảng 750 chiếc máy bay chiến đấu mới và sẽ có tổng giá trị khoảng 26,2 tỷ USD (giá mỗi chiếc máy bay khoảng 35 triệu USD).

Đến năm 1990, khi Chiến tranh Lạnh gần kết thúc, chính quyền George Bush (Bush cha) đã rút xuống khoảng 648 máy bay.

Đến năm 1997, con số này giảm xuống còn 339 và đến năm 2003 thì bị "tỉa" xuống còn 277. Năm 2009, con số này rút xuống chỉ còn 187 chiếc, cộng với 8 chiếc thử nghiệm và phát triển, và dây chuyền sản xuất đã bị chấm dứt.

Con đường phát triển của F-22 Raptor cũng rất dài, không như mọi người lầm tưởng, nguyên nhân có cả lý do khách quan và chủ quan. Dự án Advanced Tactical Fighter, khởi đầu cho chiếc F-22 Raptor, bắt đầu vào năm 1981.

Chuyến bay đầu tiên của Raptor bắt đầu vào năm 1990 và chiếc máy bay này chỉ mới đạt được năng lực hoạt động ban đầu trong năm 2005. So với F-15 Eagle, thời gian bay thử nghiệm trong 7 năm (từ năm 1965 đến năm 1972) và đạt được năng lực hoạt động ban đầu vào năm 1976. Nói cách khác, chiếc F-22 đã mất thời gian phát triển hơn 2 lần so với chiếc F-15.

Trong thời gian đó, Liên bang Xô Viết đã đi từ siêu cường cạnh tranh với Mỹ đến rơi vào tình trạng tan rã vào năm 1991. Lực lượng Không quân Liên Xô hùng hậu đã không còn là đối thủ của Không quân Mỹ.

Liên Xô tan rã, đối thủ lớn nhất của Mỹ không còn thì cũng không có lý do gì mà phải vội để thúc đẩy nhanh chương trình phát triển F-22, vì theo quan điểm của một số nhà lãnh đạo Mỹ khi đó, F-22 thực sự không còn đối thủ theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

F-22 cũng là nạn nhân của cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Chi phí hỗ trợ cho hai cuộc chiến xung đột cường độ thấp tại hai quốc gia trên đã tiêu tốn một nguồn lực không không nhỏ dành để sản xuất F-22.

Bên cạnh đó F-22 cũng không có cơ hội để khẳng định giá trị của mình trong một cuộc chiến chống nổi dậy như đã trình bày ở trên.

Điều này càng khó thuyết phục những nhà lãnh đạo Mỹ mở thêm hầu bao để sản xuất loại vũ khí "cho tương lai" như F-22 bởi lúc đó họ rất cần kinh phí để nghiên cứu chế tạo những chiếc xe chống mìn, cũng như thiết bị khắc phục các thiết bị nổ tự chế của quân nổi dậy, để cứu mạng sống binh lính Mỹ ở Iraq và Afghanistan.

Giai đoạn phát triển quá dài cũng đặt F-22 vào sự cạnh tranh gián tiếp với máy bay chiến đấu F-35 Joint Strike Fighter. Mặc dù hai loại máy bay này được thiết kế cho những vai trò khác nhau nhưng chiếc F-35 là một chiếc máy bay rẻ hơn, cũng có tính năng tương tự và trong một số trường hợp, F-35 còn có khả năng lớn hơn F-22.

Yếu tố chính trị

Cá nhân chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc dừng sản xuất F-22 có lẽ là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là ông Robert Gates, người đã đề xuất chấm dứt chương trình sản xuất F-22.

Khi Gates làm như vậy, ông đề nghị dồn nguồn lực để tăng tốc độ chương trình F-35. Gates dự đoán rằng Mỹ sẽ có 1.700 chiếc F-35 vào năm 2025 nhưng với con số đó, cộng với những chi phí vượt quá và sự chậm trễ của chương trình F-35 gây tranh cãi, Lầu Năm Góc sẽ không bao giờ đáp ứng được.

Cuối cùng, trong năm 2008, Hoa Kỳ đã bước vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1929-1933, GDP giảm 8% trong năm 2009 và năm đó Quốc hội Mỹ quyết định ngừng sản xuất F-22.

Suy thoái kinh tế sẽ kéo dài đến năm 2010 và nền kinh tế vẫn chưa được hồi phục trong một số năm tiếp theo.

Điều này làm tăng áp lực phải tập trung nguồn lực vào giải quyết các mối đe dọa trước mắt và cắt giảm ngân sách, trong đó có ngân sách quốc phòng. Và việc dừng một chương trình tốn kém như F-22 để tập trung kinh phí cho chương trình F-35 có lẽ là cách giải thích hợp lý hơn khi đó.

Màn trình diễn ấn tượng của F-22 tại triển lãm RIAT 2016

Liệu Mỹ có sai lầm về chiến lược?

9 năm sau khi chấm dứt chương trình F-22, phán quyết của lịch sử là khách quan.

Một mặt, việc chấm dứt chương trình này, ngay lập tức chương trình khác chen vào thế chỗ, nguồn kinh phí để sản xuất F-22 đã được chuyển sang sản xuất những xe chống mình MRAP, giúp cứu sống hàng nghìn binh lính Mỹ tham chiến ở những chiến trường xa nước Mỹ như Iraq hay Afghanistan, đó là lợi ích trước mắt không thể chối cãi.

Mặt khác, thế giới đã thay đổi trong những năm qua, lực lượng Không quân Trung Quốc và Nga đang nỗ lực hiện đại hóa, phát triển mạnh hơn, trở thành đối thủ tiềm năng của Mỹ.

Từ lúc chỉ có Mỹ sở hữu loại máy bay tiêm kích thế hệ 5 duy nhất là F-22, hiện nay đã có 3 mẫu máy bay loại này đó là J-20 và FC-31 của Trung Quốc, Su-57 của Nga. Sự xuất hiện của những loại máy bay này đã thách thức vai trò của không quân Mỹ.

Năm 2009 khi Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Gates tuyên bố chấm dứt chương trình sản xuất F-22 thì cả Nga và Trung Quốc đều không có máy bay thế hệ 5 nào. Và việc dừng sản xuất F-22 đã làm Mỹ mất đi lợi thế trước hai đối thủ lớn và khó chịu nhất là Nga và Trung Quốc.

Và một vấn đề nội tại của ngay chiếc F-22 cũng ít được nhắc đến, đó là do chương trình phát triển quá dài (25 năm) nên nhiều trang bị trên chiếc F-22 được thiết kế cho thời kỳ chiến tranh Lạnh, nhưng đã không được sửa đổi cho phù hợp với tình hình hiện tại.

Trong những lý do khách quan, chủ quan để dừng chương trình F-22, thì có lẽ những bất cập về thiết kế cũng có thể là một trong những nguyên nhân góp phần dừng chương trình vũ khí được coi là lớn và tốn kém nhất nhì trong lịch sử phát triển vũ khí của quân đội Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại