Su-57 Nga và F-22 Mỹ bất ngờ đụng độ tại Syria: Ai sẽ bắn trước?

Tuấn Sơn |

Trước việc Nga triển khai máy bay thế hệ 5 PAK FA hay Su-57 tới Syria đã đặt ra khả năng đụng độ với "Chim săn mồi" F-22 Raptor Mỹ tại không phận quốc gia Cận Đông này.

Vậy trong kịch bản Su-57 và F-22 đụng độ trên bầu trời Syria, ai sẽ là người phát hiện ra mục tiêu trước, bắn trước và có thể hạ đối phương trước?

Cơ hội chia đều cho cả hai

Nếu bỏ qua các yếu tố chính trị mà chỉ xét thuần về mặt kỹ thuật và các thông số đã được công khai của cả máy bay chiến đấu Su-57 và F-22 đã được công khai thì rất khó có thể đánh giá ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc đụng độ tay đôi.

Chiến thắng trong không chiến không phải nằm ở việc ai có tên lửa bắn xa hơn, radar mạnh hơn… mà là tổng hòa của các yếu tố con người và khí tài, cũng như tham vọng của các bên tham chiến.

Ở lĩnh vực này, Su-57 dường như có lợi thế hơn một chút so với F-22 khi được thiết kế trên tư duy độc lập tác chiến cao hơn của Không quân Nga, thay vì phối hợp tác chiến liên quân như Mỹ và đồng minh.

Điều này được thể hiện rõ ràng qua tư duy thiết kế của Su-57 với hệ thống radar hàng không mảng định pha chủ động N036-1-01 (mũi máy bay), cụm radar băng tần Dm N036B-1-01 và N036L-1-01 ở hai bên hông và cánh máy bay kết hợp với thiết bị theo dõi quang điện tử 101KS Atoll, cũng như hệ thống đối kháng điện tử đa nhiệm L402 Himalayas.

Su-57 Nga và F-22 Mỹ bất ngờ đụng độ tại Syria: Ai sẽ bắn trước? - Ảnh 1.

Tiêm kích Su-57 Nga. Ảnh minh họa.

Sự kết hợp này giúp Su-57 có tầm giám sát rộng hơn, xa hơn và đặc biệt là chống lại các mục tiêu được áp dụng công nghệ tàng hình như F-22.

Tuy nhiên, khi phải đối đầu với F-22, một yếu tố quan trọng khác phải tính đến là sự phối hợp giữa máy bay "Chim ăn thịt" và máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS). Hệ thống radar của Su-57 dù có mạnh mẽ, nhưng không bao giờ có tầm bao phủ rộng như bằng các máy bay AWACS.

Ở Syria, Mỹ sử dụng AWACS E-3 Sentry, còn Nga là máy bay A-50U. Tất cả các máy bay quân sự Nga, Mỹ hoạt động trong không phận Syria sẽ không thoát khỏi con mắt "cú vọ" của AWACS hai bên. Rõ ràng, điều này giúp cân bằng sức mạnh trong cuộc đụng độ có thể xảy ra giữa Su-57 và F-22.

Cả F-22 và Su-57 đều được trang bị đạn tên lửa không đối không từ tầm ngắn (dẫn đường bằng ảnh hồng ngoại) tới tầm trung (dẫn đường bằng radar bán chủ động). Trong trường hợp cả hai đều phát hiện ra nhau ở khoảng cách trên 100km với sự hỗ trợ của AWACS, nếu xảy ra đụng độ, lợi thế sẽ nghiêng về phía chủ động khai hỏa trước.

Tuy nhiên, bắn trước chưa chắc đã hạ được mục tiêu vì với mức độ công nghệ hiện tại, đạn tên lửa không đối không tầm trung dẫn đường bằng ra-đa chưa đủ tin cậy để hạ các mục tiêu công nghệ cao như Su-57 và F-22.

Điều này chưa kể tới việc, khi nhận biết bị tấn công, F-22 hoặc Su-57 có thể bắn tên lửa phản công buộc đối phương phải cơ động và không thể dẫn đường cho đạn tên lửa phóng tới mục tiêu. Nếu "cuộc chiến" leo thang, hai bên sẽ buộc phải lao vào không chiến quần vòng và kẻ bại trận sẽ bên có kỹ năng kém hơn.

Tuy nhiên, rõ ràng với tình hình hiện tại cả Nga và Mỹ sẽ không dại mà đẩy tình hình căng thẳng tới mức xảy ra xung đột trực tiếp.

Su-57 Nga và F-22 Mỹ bất ngờ đụng độ tại Syria: Ai sẽ bắn trước? - Ảnh 2.

Tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ.

Liệu có xảy ra kịch bản đụng độ Su-57 vs F-22?

Theo thông tin từ BQP Nga và các hình ảnh của máy bay Su-57 tại Syria, rất nhiều khả năng các máy bay thế hệ 5 của Nga triển khai tại Syria chỉ là các nguyên mẫu thử nghiệm vũ khí của chương trình PAK FA.

Nó không được trang bị động cơ phản lực mới "Sản phẩm số 30" như nguyên mẫu T-50-10 mới (nguyên mẫu hoàn thiện thuộc chương trình sản xuất thử nghiệm máy bay Su-57), mà chỉ là động cơ AL-41F, loại được trang bị cho máy bay Su-35S.

Như vậy, các máy bay Su-57 này không phải là phiên bản hoàn thiện sẵn sàng cho những cuộc đụng độ ác liệt như không chiến.

Su-57 Nga và F-22 Mỹ bất ngờ đụng độ tại Syria: Ai sẽ bắn trước? - Ảnh 3.

Tiêm kích tàng hình Su-57 Nga cùng các loại vũ khí có thể được trang bị.

Mặt khác, máy bay Su-57 mới hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện kỹ thuật, vẫn chưa có chiến thuật sử dụng cụ thể trong tình huống chiến đấu, nên không dại gì Nga lại đưa nó vào không chiến với máy bay đã hoàn thiện như F-22.

Rất nhiều khả năng, 2 máy bay Su-57 triển khai tại Syria sẽ tham gia các hoạt động chiến đấu để thử nghiệm vũ khí mới, khả năng phối hợp với các máy bay chiến đấu khác của Không quân Nga và thử nghiệm khả năng "va chạm" trên không với máy bay của Mỹ và đồng minh.

Những bài học thực chiến tại Syria sẽ giúp thiết kế Su-57 hoàn thiện hơn kể cả về mặt kỹ thuật và chiến thuật sử dụng. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác Moscow hướng tới là quảng bá hình ảnh của máy bay chiến đấu tương lai cho các đơn hàng xuất khẩu tương lai.

Chiến tranh là cũng là làm kinh tế và cả Moscow và Washington đều không muốn "mất vốn" tại Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại