Syria rõ ràng đang trở thành nơi thử nghiệm, cũng như làm nên danh tiếng của nhiều loại khí tài quân sự, vũ khí mới của Nga. Tuy nhiên, Moscow vẫn chưa thành công với Su-57 và rõ ràng dòng máy bay thế hệ 5 này có nhiều khả năng sẽ tiếp tục quay lại Syria để xây dựng "hào quang" cho mình.
Syria – nơi chữa khỏi "căn bệnh thời con trẻ"
Có một điều phải khẳng định rằng, bất kỳ khí tài quân sự nào đều có thời kỳ mắc phải cái gọi là "những căn bệnh thời con trẻ". Đây là điều phát sinh giữa tư tưởng thiết kế vũ khí và thực tiễn sử dụng trên chiến trường. Tuy nhiên, chính thực tế chiến trường sẽ giúp các nhà phát triển hoàn thiện thiết kế vũ khí để chúng hiệu quả hơn, thân thiện hơn với người lính.
Đây chính là điều đã xảy ra với các nguyên mẫu T-50 Nga từng triển khai tới Syria trong năm 2017. Trong quá trình thử nghiệm chương trình PAK FA, Syria chính là chiến trường đầu tiên các nguyên mẫu T-50 góp mặt. Và rõ ràng hàng loạt "căn bệnh thời con trẻ" của dòng máy bay chiến đấu tương lai của Nga đã được phát hiện.
Dù các thông tin về các vấn đề kỹ thuật của các nguyên mẫu T-50 gặp phải khi tham chiến tại Syria không được công bố công khai, nhưng giới chuyên gia đã phát hiện ra 2 vấn đề chính khiến dòng máy bay thế hệ thứ 5 của Nga chỉ có mặt tại Syria vỏn vẹn có 2 ngày.
Một trong số đó là lớp phủ tàng hình được thiết kế theo tiêu chuẩn khí hậu ôn đới tỏ ra không phù hợp với điều kiện khô, nóng của sa mạc. Việc khôi phục chúng không thể tiến hành trong môi trường dã chiến như tại Syria.
Đây không phải là vấn đề mới, trong quá khứ đã ghi nhận nhiều trường hợp vũ khí, trang bị kỹ thuật của Liên Xô, Nga được thiết kế cho môi trường khí hậu ôn đới, khi sang môi trường nóng ẩm đã phát sinh chập cháy làm ảnh hưởng tới khả năng hoạt động của khí tài, các mẫu tên lửa phòng không S-125 và xe tăng T-72 là minh chứng rõ ràng nhất.
Vấn đề khác nữa là 2 nguyên mẫu T-50 sang Syria tham chiến không được trang bị động cơ phản lực mới "sản phẩm số 30", mà vẫn dùng động cơ cũ AL-41F1S, vốn chỉ được thiết kế cho máy bay thế hệ 4+ Su-35S. Điều này làm giảm đáng kể khả năng cơ động và chiến đấu của máy bay thế hệ thứ 5.
Đó mới chỉ là các vấn đề kỹ thuật được các chuyên gia phát hiện và chắc chắn trong lần tham chiến tại Syria, còn nhiều "căn bệnh con trẻ khác" được phát hiện các nguyên mẫu T-50. Chúng đã được chuyên gia Nga ghi nhận để tìm phương án khắc phục sau đó.
Như vậy, Syria có thể coi là "thao trường lửa" để máy bay Su-57 bộc lộ hết "những căn bệnh con trẻ" của mình và được hoàn thiện hơn sau đó. Điều này giúp giải thích việc nếu Nga có một lần nữa gửi các đơn vị Su-57 sang Syria tham chiến thì điều đó là hoàn toàn dễ hiểu.
Khi được triển khai tới Syria hồi tháng 2/2018 Su-57 vẫn dùng động cơ cũ AL-41F1S
"Chỉ có Syria mới thuyết phục được Ấn Độ"
Khi nói tới chương trình hợp tác phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới FGFA dựa trên cơ sở máy bay Su-57 hợp tác giữa Nga và Ấn Độ, có thể khẳng định một điều chắc chắn New Delhi rất kỳ vọng vào chương trình này. Ấn Độ đã sẵn sàng chi tới 8 tỷ USD với kỳ vọng FGFA sẽ đạt được thành công như chương trình hợp tác Su-30MKI giữa hai nước.
Tuy nhiên, kỳ vọng càng lớn thì thất vọng lại càng sâu khi phía Nga không thể đáp ứng được yêu cầu cả phía Ấn Độ về hàng loạt vấn đề kỹ thuật phát sinh trong thiết kế của FGFA. Ấn Độ ít nhất đã đưa ra 50 vấn đề kỹ thuật và yêu cầu về hệ thống ra-đa góc nhìn rộng có thể áp dụng trên FGFA, nhưng Nga không thể đáp ứng.
Mặt khác, phía Ấn Độ cũng rất thất vọng về việc Nga không sẵn sàng cung cấp công nghệ lõi phát triển máy bay FGFA, cũng như cho phép phi công Ấn Độ được tiếp cận với các nguyên mẫu T-50 trong chương trình thử nghiệm máy bay thế hệ 5 của Nga (PAK FA).
"Giọt nước tràn ly" cuối cùng chính là màn thể hiện đáng thất vọng của 2 nguyên mẫu T-50 tại chiến trường Syria. New Delhi đã quyết định rút khỏi chương trình hợp tác FGFA với Nga.
Tuy nhiên, khi xem xét sự kiện này phải nhìn thẳng vào vấn đề là bản thân Nga hiện vẫn chưa thể hoàn thiện công nghệ lõi trên Su-57, huống chi là FGFA. Nga rõ ràng đang phải giải quyết hàng loạt vấn đề kỹ thuật phát sinh trên các nguyên mẫu T-50 và "căn bệnh thời con trẻ" trong lần thử nghiệm thực chiến tại Syria là minh chứng rõ ràng.
Thực tế là cơ hội khôi phục hợp tác giữa Nga và Ấn Độ liên quan tới chương trình FGFA vẫn còn. Ấn Độ vẫn muốn Nga tiếp tục phát triển FGFA và sẽ cân nhắc việc khôi phục hợp tác khi chúng được biên chế cho Không quân Nga.
Rõ ràng, New Delhi đủ hiểu chỉ có hợp tác với Nga, Ấn Độ mới có cơ hội tiếp cận và được chuyển giao các công nghệ hàng không tân tiến. Điều mà Mỹ và phương Tây sẽ không bao giờ chia sẻ qua bài học nhãn tiền là hợp đồng MMRCA, mua máy bay chiến đấu Rafale với Pháp.
Và nếu cơ hội vẫn còn, thì còn nơi nào thích hợp hơn để Su-57 và nguyên mẫu FGFA phô diễn khả năng của mình để thuyết phục giới chức quốc phòng Ấn Độ hơn chiến trường Syria.
Hiệu quả của bom thật, đạn thật chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều so với kết quả của các lần diễn tập trên thao trường.
Thật nói không ngoa khi nói rằng "chỉ có Syria mới thuyết phục được Ấn Độ" trong chương trình FGFA, tương tự như xe tăng T-90, tổ hợp Pantsir-S1.. đã làm được ở Syria.
Hợp tác này thực sự mang lại lợi ích rất lớn cho cả hai bên.
Với Ấn Độ thì đó là cơ hội tiếp cận với công nghệ hàng không hiện đại bậc nhất, còn với Nga thì đó là những hợp đồng vũ khí tỷ đô khi FGFA hoàn toàn có thể là sản phẩm thương mại hóa, cũng như tìm được nguồn vốn tái đầu tư cho các chương trình nâng cấp, phát triển vũ khí mới trong tương lai.
Tiêm kích tàng hình Su-57 phô diễn khả năng nhào lộn