Trong những ngày qua đã diễn ra một sự kiện rất bất ngờ liên quan đến tình hình Syria, đó là việc Nga bất ngờ "đóng băng" quá trình đàm phán chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300 cho đồng minh thân thiết.
Chưa rõ chuyến thăm của Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu tới Moskva có ảnh hưởng gì tới quyết định của Nga hay không, nhưng nếu căn cứ vào các phát ngôn đầy chất thép của cả giới quân sự lẫn ngoại giao Nga ngay sau khi Mỹ cùng Anh - Pháp mở cuộc tấn công đường không vào Syria thì rõ ràng Damacus đang phải hứng chịu nỗi thất vọng lớn.
Thiếu vắng S-300, phòng không Syria sẽ chẳng thể nào tạo dựng được lớp phòng thủ tầm xa nhằm ngăn chiến đấu cơ hay tên lửa hành trình Israel tiếp tục tấn công các mục tiêu trọng yếu trong lãnh thổ của họ.
Xe mang phóng tự hành của tổ hợp tên lửa phòng không Bavar 373
Không chỉ có Syria mà đối tác quan trọng khác của họ là Iran cũng phải cảm thấy giật mình, vì hơn ai hết Tehran hiểu rõ lực lượng quân sự nước này đóng trên đất Syria là mục tiêu chính của những cuộc không kích do Israel tiến hành.
Nếu có S-300, các căn cứ quân sự của Iran sẽ được bảo vệ một cách vững chắc hơn vì thực tế chiến trường đã chỉ ra rằng thiếu lớp phòng thủ đầu tiên, những tổ hợp phòng không tầm ngắn và tầm trung như Buk-M2 hay Pantsir-S1 rất dễ bị quá tải và chẳng thể nào bắn hạ được toàn bộ tên lửa Israel, đồng nghĩa với dưới mặt đất phải hứng chịu thương vong.
Trong tình cảnh này, có lẽ Iran sẽ phải sớm đưa tên lửa phòng không tầm xa sang Syria tham chiến, trước hết là bảo vệ chính mình, tiếp đó là hỗ trợ cho đồng minh Damascus. Nếu điều này xảy ra thì Tehran sẽ điều động vũ khí nào?
Radar và đạn tên lửa đánh chặn của hệ thống phòng không Bavar 373 do Iran sản xuất
Lý tưởng nhất dĩ nhiên sẽ phải là một tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU-2 mà nước này đã nhận từ Nga hồi năm 2016. S-300 của Iran sẽ thay thế hoàn hảo cho S-300 mà Nga từng hứa sẽ cung cấp cho Syria.
Tuy nhiên số lượng S-300PMU-2 của Iran chỉ có vỏn vẹn 4 tiểu đoàn, chúng đang phải căng sức bảo vệ các khu vực trọng yếu trước đòn tập kích từ Israel hoặc Mỹ có thể đến bất cứ lúc nào, nếu rút bớt một tổ hợp để đưa sang Syria sẽ tạo ra lỗ hổng tương đối lớn, hơn nữa chưa chắc Nga đã đồng ý để Tehran mang S-300 đi.
Trong trường hợp này, có lẽ ứng viên sáng giá nhất chính là tổ hợp Bavar 373, đây là hệ thống tên lửa phòng không được Iran tuyên bố là tự chế tạo trong nước, nhưng chỉ nhìn qua cũng có thể dễ dàng nhận thấy nó là một "bản nhái" của S-300.
Thông số của Bavar 373 hiện vẫn chưa được công bố rõ ràng, nhưng Chuẩn Tướng Farzad Esmayeeli - Tư lệnh căn cứ phòng không Khatam ol-Anbia của Iran từng phát biểu rằng tổ hợp tên lửa phòng không này thậm chí còn mạnh hơn và vượt trội so với S-300 của Nga.
Nếu thực sự những gì quan chức quân sự Iran nói là chính xác thì Bavar 373 sẽ là sự thay thế xứng đáng cho S-300, giúp cho phòng không Syria bớt đi một gánh nặng rất lớn.
Ngoài ra quá trình thực chiến tại Syria còn khiến Iran nhận ra ưu nhược điểm của vũ khí này nhằm hoàn thiện những thiếu sót (nếu có), đồng thời chứng minh rằng họ chẳng phải là những người ưa nói khoác như truyền thông phương Tây vẫn tô vẽ.
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa Bavar-373 do Iran nghiên cứu chế tạo