Nga "bắt chết" mọi tên lửa của Mỹ-NATO khi vừa rời bệ phóng: Không ai dám bắt nạt

Đại tá Trần Danh Bảng |

Luôn chủ động thấy trước, từ xa tất thảy các động thái thù địch, có thế, Nga mới ra đòn sớm, "tiên phát chế nhân" bằng các loại tên lửa tối tân, để "không ai dám bắt nạt".

Nước Nga rộng lớn cả về lục địa, đới bờ* và biển đảo, trải dài hai châu lục. Sau nhiều biến cố của lịch sử, nước Nga hiện đang thể hiện sức mạnh của mình, trong tình thế "tứ bề thọ địch". Nhưng nước Nga có tiềm lực và ý chí.

Để đối phó với những thế lực chống Nga, như Mỹ, NATO và cả những đồng minh của Mỹ như Israel, Nga luôn chủ động "biết trước", "thấy trước", "thấy từ xa’ tất thảy các động thái thù địch. Vì thế radar vượt đường chân trời, (over the horizon radars - OTH) luôn được quân đội Nga cực kỳ coi trọng.

Radar OTH là gì?

Radar OTH là loại radar mặt đất, ven biển. Cự ly phát hiện mục tiêu của nó đạt xa nhất trong tất cả các loại radar, tầm thám sát lên đến hàng ngàn km. OTH làm việc ở dải sóng từ 3 đến 30Hz, dựa trên hiệu ứng phản xạ sóng điện từ qua tầng điện ly khí quyển. Theo nguyên lý truyền dẫn sóng điện từ trường, bước sóng dài cho phép thu rất xa.

Sóng điện từ này bức xạ từ chấn tử anten máy phát đến mục tiêu và phản xạ lại theo đường gấp khúc nên khi máy thu nhận được bị tổn hao rất nhiều về năng lượng nên khó tái tạo tham số, hình ảnh mục tiêu, vì thế hệ thống radar vượt chân trời thường có kích thước rất lớn so với các radar thường.

Radar OTH còn cần có máy phát công suất cực lớn và anten rất to, rộng so với các loại radar chiến dịch, chiến thuật thông thường.

Các hệ thống OTH được chia làm 2 loại chính, sóng mặt đất và sóng trên không:

- Hệ thống sử dụng cơ chế sóng trên không, còn gọi là OTH-B, nó dùng tầng điện ly của bầu khí quyển để phản xạ lại các sóng radar, thường là ở tầng số 5 đến 30 MHz, nhờ đó sóng radar sẽ đi xa hơn giới hạn đường chân trời (nhìn thấy). OTH-B có thể triển khai ở bất kỳ đâu.

Nhược điểm của hệ thống này là sự tồn tại 'vùng tối', nơi radar không thể 'nhìn' thấy gì. Nhưng nó có phạm vi phát hiện vài nghìn km.

Nga bắt chết mọi tên lửa của Mỹ-NATO khi vừa rời bệ phóng: Không ai dám bắt nạt - Ảnh 1.

Trạm radar Voronezh-M của Nga ở Siberia.

- Hệ thống sử dụng cơ chế sóng truyền sát mặt đất (mặt biển), còn gọi là OTH-SW, dựa vào cơ chế sóng radar lan truyền theo bề mặt nên đi xa hơn 'đường chân trời'. Do đó, OTH-SW phải được đặt trên bờ biển, với một bãi anten thu, phát cực lớn, vùng đặt máy phát và máy thu cách xa nhau hàng chục km, nhưng ưu điểm nó không có vùng "tối".

Tuy vậy OTH-SW (Surface Wave) chỉ có tầm giám sát trên 500 km.

Nga bắt chết mọi tên lửa của Mỹ-NATO khi vừa rời bệ phóng: Không ai dám bắt nạt - Ảnh 2.

OTH được sử dụng để phát hiện các vụ nổ hạt nhân, theo dõi các vệ tinh nhân tạo trên quỹ đạo, phát hiện sớm các vụ phóng và xác định sơ bộ tọa độ đường bay của tên lửa đường đạn…

Thời kỳ chiến tranh lạnh, lực lượng không quân và hải quân Mỹ đã triển khai các trạm radar OTH AN/FPS-118 và AN/TPS-71 tại Main và Alaska.

Các trạm siêu radar này được Mỹ dùng để theo dõi, giám sát các vụ phóng tên lửa đường đạn và theo dõi các máy bay ném bom tầm xa kiểm soát các loại tàu trên Thái Bình Dương và giám sát bờ biển phía Đông của của Liên Xô (trước đây), có cự ly phát hiện từ 900 đến 3.300km (sau đó được cải tiến lên đến 4.800km). Giá của trạm radar này lên đến 1,5 tỷ USD.

Để đối phó, Liên Xô khi đó cũng đã triển khai một số trạm OTH. Trong đó phải kể đến các trạm OTH Duga. Radar OTH Duga có đến 330 chấn tử phát; anten phát rộng 210m, cao 85m. Anten thu rộng 300m, cao 135m. Các trạm radar này đã cung cấp các thông tin quan trọng về các vụ phóng và thử tên lửa đường đạn trên lãnh thổ Mỹ.

Ngoài Nga và Mỹ, nhiều nước trên thế giới có tiềm lực về kinh tế và quân sự cũng đã xây dựng các trạm OTH cho mình. Trong đó tiêu biểu là một số nước như Australia, Pháp, Trung Quốc, Canada…

Ngoài các mục đích quân sự, radar OTH còn được sử dụng cho các mục đích dân sự như giám sát, phát hiện các vụ cháy rừng; kiểm soát tàu thuyền trên các đại dương, phát hiện sóng thần…

Trung Quốc được cho là đã phát triển OTH-B từ 2001, với sự giúp đỡ của Nga, tầm hoạt động từ 800-3.000km.

OTH của Nga "nhìn xa, thấy mọi thứ"

Nga mất đi hệ thống cảnh báo sớm hợp nhất sau khi Liên Xô tan rã năm 1991. Các tổ hợp radar nằm ở những nước cộng hòa độc lập đều bị loại biên hoặc phá hủy hoàn toàn. Vì tầm quan trọng của OTH, sau chiến tranh lạnh, Nga phải thuê đặt một trạm OTH tại Cộng hòa Azerbaijan và cả ở Crimea (lúc đó thuộc Ukraine), rất tốn kém.

Nhưng giờ đây, công nghệ radar OTH được Nga phát triển khá mạnh. Đặc biệt nhất, Nga có hệ thống radar OTH - Voronezh "khắc tinh của mọi vật thể bay", nói thế không ngoa bởi đây là một đột phá công nghệ hoàn toàn mới so với dòng radar cũ.

"Voronezh" tuy đồ sộ, cao lớn như 1 tòa nhà 10 tầng, nhưng được ứng dụng nhiều công nghệ mới, số hóa hoàn toàn, chúng có khả năng phát hiện, theo dõi, kiểm soát tới 500 mục tiêu cùng lúc trong không gian, từ cự ly 6.000 - 8.000 km. Chúng có 2 phiên bản Voronezh-M sử dụng băng sóng mét và Voronezh-DM sử dụng băng sóng dm.

Nga bắt chết mọi tên lửa của Mỹ-NATO khi vừa rời bệ phóng: Không ai dám bắt nạt - Ảnh 3.

Trường radar tầm siêu xa của Nga bao gần kín địa cầu.

Năm 2020, các trạm radar sẽ được xây dựng trên khắp lãnh thổ Nga (8 trạm) và sẽ được tích hợp trong một hệ thống duy nhất để ngăn chặn sự tấn công của các tên lửa đạn đạo từ mọi hướng, sẵn sàng hoạt động ở mức độ cao.

Nó đủ sức phát hiện các vụ nổ hạt nhân, theo dõi một số vệ tinh nhân tạo trên quỹ đạo, phát hiện sớm các vụ phóng và xác định sơ bộ tọa độ đường bay của tên lửa đạn đạo…

Trước hết máy thu của radar OTH Voronezh, Nga hiện sử dụng thuật toán tiên tiến, nên độ nhạy (thu) cực cao. Tín hiệu thu về có độ phân biệt rất rành rọt. Các máy tính rất mạnh gốc Nga, giúp OTH mới phân tích, dựng tọa độ mục tiêu, phân tích mục tiêu rất nhanh, hiển thị khá chi tiết, theo thời gian thực.

OTH Voronezh mới có hệ thống "VQ" truyền dẫn tín hiệu theo thời gian thực tới tất cả các cấp "Sở chỉ huy", hầu như không có độ trễ.

Máy phát sóng OTH mới, sử dụng năng lượng điện giảm đi rất nhiều. Công nghệ sản xuất chấn tử radar OTH và quy trình lắp ráp của Nga đạt tốc độ nhanh, vì thế triển khai một trạm OTH ở Nga chỉ còn chục tháng, thay vì trước đây phải cần nhiều năm.

Hiện nay, radar Voronezh-DM là radar cảnh báo sớm tên lửa thế hệ mới nhất của Nga, sử dụng anten mạng pha có thể phát hiện ra mục tiêu từ cự li xa tới 6.500 km. Khi tăng công suất, trạm có thể đạt tầm quan sát 8.000 km.

Tất cả các mục tiêu trong tầm phát hiện của Voronezh-DM đều được hiển thị rõ ràng lên các màn hình LCD cỡ lớn, độ phân giải cao để có thể đánh giá về đối phương. "Voronezh" có thời gian triển khai nhanh hơn nhiều so với các trạm cũ, độ tin cậy cao và tiết giảm được tới 40% chi phí hoạt động. Công suất tiêu thu điện năng cũng giảm đi nhiều lần.

Kíp trắc thủ khai thác, quản lý vùng trời, kiểm soát không gian cũng chỉ cần hơn 10 người.

Nó giám sát hiệu quả các vụ phóng tên lửa trên toàn lục địa châu Âu cũng như khu vực Bắc Đại Tây Dương, trong đó cả hoạt động hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa châu Âu.

Voronezh-M ở khu vực Irkutsk đã hoàn thành. Tại đây, nó có vùng kiểm soát tăng gấp đôi, phương vị quét đến 240 độ, có thể phát hiện các mục tiêu đạn đạo ở rất xa, tầm soát một vòng cung kéo dài từ Ấn Độ, qua Trung Quốc đến Đông Bắc Mỹ.

Radar ở vùng Orsk có thể phát hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo ở Trung Đông, phía nam châu Âu, bán đảo Arab và Bắc Phi.

Nga còn có trạm ở vùng Armavir phía nam, vùng lãnh thổ Leningrad, Siberia và Cực Bắc, đã hoàn thành kế hoạch đặt một trạm Voronezh tại bán đảo Crimea nhằm thay thế hệ thống cảnh báo sớm đã già cỗi tại đây.

Nga cũng khẩn trương đưa trạm radar OTH Voronezh-DM tại Kaliningrad vào hoạt động. Cự ly phát hiện mục tiêu của nó lên đến 6.000km.

Nhờ biên chế các trạm Voronezh-DM, Nga đã phủ sóng mọi vùng "mù" trường điện từ, trám kín mọi lỗ hổng radar từ vùng tây bắc, tây nam, nam và đông nam của Nga. Điều này ngay cả Liên Xô hùng mạnh trước đây cũng chưa làm được.

Ngoài những trạm radar Voronezh-DM, hiện nay Nga đang sở hữu mạng lưới radar chiến dịch, chiên thuật (hàng chục kiểu loại) cũng rất hiện đại. Thiếu tướng Andrei Demin Nga nói:

"Lực lượng Không quân - Vũ trụ của Nga sẽ nhận được tới hơn 300 radar thế hệ mới, có tính năng hết sức hiện đại. Đội quân kỹ thuật vô tuyến điện tử làm nhiệm vụ trực chiến đến năm 2020 các phương tiện theo dõi và phòng thủ tên lửa sẽ tăng đến 80% thiết bị radar mới tiên tiến nhất và 100% tự động hóa…".

Tất cả hiện đang liên hợp - liên thông dữ liệu, có năng lực giám sát hàng đầu thế giới.

Nga bắt chết mọi tên lửa của Mỹ-NATO khi vừa rời bệ phóng: Không ai dám bắt nạt - Ảnh 4.

Phòng điều khiển hoạt động của trạm radar Voronezh. Ảnh: Sputnik

"Bắt chết" mọi tên lửa của Mỹ-NATO

Theo các quan chức Nga, chúng cho phép Nga giám sát hiệu quả các vụ phóng tên lửa trên toàn lục địa châu Âu cũng như từ khu vực Bắc Đại Tây Dương, trong đó gồm cả hoạt động và các hệ thống của lá chắn phòng thủ lên lửa châu Âu.

Hệ thống cảnh báo sớm của Nga nhận được tín hiệu từ radar Voronezh-DM và cả vệ tinh trực chiến trên quỹ đạo. Nhờ đó, hệ thống sẽ phát hiện ngay điểm phóng tên lửa từ bất cứ nơi nào trên thế giới và chỉ sau ít phút là xác định được đường bay của tên lửa.

Ngày 9/9/2014, Israel bí mật phóng tên lửa đánh chặn Arrow-2, vụ thử nghiệm này đã bị radar cảnh báo sớm của Nga phát hiện.

Đường bay của tên lửa mục tiêu này xuất phát từ khu vực trung tâm Địa Trung Hải và bay về phía bờ biển phía đông. Tên lửa mục tiêu này được cho là rơi xuống khu vực cách thủ đô Tel Aviv của Israel khoảng 300 km.

Được biết đây không phải là lần đầu hệ thống radar của Nga phát hiện Israel bí mật thử nghiệm tên lửa. Hồi tháng 9/2013, hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo của nước này đã phát hiện 2 tên lửa được phóng tại Địa Trung Hải bay về phía Syria.

Theo thông tin Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong năm 2013, các lực lượng trực chiến thuộc hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa của Nga đã phát hiện được khoảng 40 vụ phóng tên lửa toàn cầu. Vì vậy Nga đã tự tin cho rằng không một quả tên lửa nào lọt qua khu vực kiểm soát của họ.

Chỉ trong 2 ngày cuối năm 2014, Lực lượng phòng thủ vũ trụ (ADF) Nga đã phát hiện 3 vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa ở phía Đông Thái Bình Dương, quỹ đạo phóng của tên lửa hướng về phía Tây, tức là về phía lãnh thổ Liên bang Nga.

Tướng Nestechuk nói: "Đây là 3 vụ tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm (SLBM) do các tàu ngầm của Mỹ đang hoạt động ở phía Đông Thái Bình Dương thực hiện".

Nga bắt chết mọi tên lửa của Mỹ-NATO khi vừa rời bệ phóng: Không ai dám bắt nạt - Ảnh 6.

Hệ thống radar Voronezh-DM tại vùng Kaliningrad. Ảnh: Sputnik

Mặc dù Nga không được thông báo trước nhưng Hệ thống radar cảnh báo sớm tên lửa của Nga đã không để lọt một tên lửa nào trong khu vực kiểm soát của họ. Việc này cho thấy, mức độ sẵn sàng chiến đấu cao và tính chuyên nghiệp của Lực lượng phòng thủ vũ trụ Nga.

Còn trong năm 2014, Lực lượng phòng thủ vũ trụ Nga đã phát hiện tất cả các vụ phóng tên lửa đạn đạo diễn ra trên lãnh thổ "các nước đối tác" và 6 lần cảnh báo về các vật thể vũ trụ tiến tới gần Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), trong đó có các mảnh rác vũ trụ.

Đồng thời, các hệ thống phòng thủ tên lửa Nga cũng phát hiện 189 thiết bị vũ trụ và đã đưa vào danh sách theo dõi, trong đó có 161 thiết bị và phương tiện vũ trụ của nước ngoài.

Mỹ muốn "bắn" Nga, hẳn sẽ phải đưa tàu chiến, (tàu ngầm) tới Biển Đen, Địa Trung hải và Thái Bình Dương?

Thực tế Mỹ đã triển khai (các bệ phóng) tại căn cứ phòng thủ tên lửa ở Romania và ở Ba Lan… thì dù tên lửa Mỹ có khai hỏa ở tầm cao nào, chắc chắn các giẻ quạt sóng radar OTH của Nga khắp nơi như "thiên la địa võng" quá tinh tường, quá tỉnh táo, rọi từng trái, khó lòng sót lọt…

Với hệ thống OTH, Nga luôn chủ động "biết trước", "thấy trước", "thấy từ xa’ tất thảy các động thái thù địch. Nhờ có thế, Nga mới ra đòn sớm, "tiên phát chế nhân", sử dụng các hệ thống phòng thủ tên lửa, kể cả S-500, để nước Nga "không thể ai bắt nạt", như lời Tổng thống Putin nói.

S-400 khai hỏa tại trường bắn Ashuluk trong cuộc tập trận chiến thuật của Lực lượng phòng thủ Vũ trụ Nga.

Ghi chú: (*) Đới bờ là vùng không gian tương tác giữa biển và đất liền. Đới bờ biến đổi theo từng loại, đặc điểm và cường độ các quá trình địa chất xảy ra dọc chúng. Chúng có thể biến đổi nhanh và mạnh dưới sự tượng tác của đất liền và biển, hoặc chúng có thể tương đối ổn định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại