Cuộc chạy đua tên lửa siêu vượt âm giữa Nga và Mỹ
Sau khi Nga phóng thử thành công tên lửa hành trình siêu vượt âm Zircon và Kinzhal thì Mỹ bắt đầu tỏ ra lo lắng về khả năng vị thế thống lĩnh toàn cầu của họ trong lĩnh vực này đang bị đe dọa.
Đặc biệt, với việc Trung Quốc công bố những công nghệ mới tương tự và Ấn Độ cũng đang chạy đua trong cuộc chơi phát triển tên lửa siêu vượt âm khi cho ra mắt HSTDV (Phương tiện Thử nghiệm Công nghệ Siêu vượt âm) thì một quan chức cấp cao của Không quân Mỹ (USAF) đã sốt sắng tiết lộ rằng tên lửa siêu thanh của Mỹ sẽ có thể đạt được tốc độ Mach 7,5.
“Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không” (ARRW) AGM-183 được cho là câu trả lời của Mỹ đối với tên lửa hành trình siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal của Moscow.
Ảnh đồ họa tên lửa AGM-183A của Mỹ do Lockheed Martin phát triển
Không quân Mỹ phối hợp cùng với tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin bắt đầu phát triển ARRW từ năm 2018.
Khi hoàn chỉnh, tên lửa ARRW sẽ gồm có một động cơ đẩy nhiên liệu rắn và một đầu đạn phóng lướt siêu vượt âm. Động cơ đẩy đưa tên lửa lên một độ cao nhất định rồi sau đó đầu đạn sẽ tách ra khỏi tên lửa trước khi phóng lướt với tốc độ siêu vượt âm (trên Mach 7) rồi lao xuống tấn công mục tiêu.
Dù có các tính năng vật lý tương đương nhưng tốc độ của dòng tên lửa ARRW mà Mỹ mới công bố vẫn thấp hơn nhiều so với đối thủ Kinzhal của Nga, loại vũ khí được cho là có thể vượt tốc độ Mach 10, tức nhanh hơn tên lửa của Mỹ khoảng 30% và tầm bắn thì lớn gấp đôi.
Theo The Drive, Không quân Mỹ sẽ mua ít nhất 8 trong số các nguyên mẫu tên lửa siêu vượt âm mới này, tuy nhiên việc triển khai chính thức có thể phải mất tới vài năm nữa.
Tên lửa đạn đạo phóng từ trên không Kinzhal gắn dưới thân một máy bay MiG-31K. Ảnh: Mil.ru
Hiện tại, ARRW thậm chí còn chưa được bắn thử và kể từ tháng 6/2019 mới đang trong quá trình bay thử nghiệm (tức là khi tên lửa không được bắn đi mà chỉ gắn vào các giá treo để kiểm tra tính năng khí động học và sức mạnh cấu trúc) trên máy bay ném bom B-52.
Oanh tạc cơ này dự kiến sẽ đóng vai trò là phương tiện mang phóng chính mặc dù B-1B Lancer cũng đang được tính tới để tích hợp trong tương lai.
Kinzhal - tên lửa "bất khả chiến bại" của Nga
Những tên lửa có khả năng đạt vận tốc hơn Mach 5 thì được coi là vũ khí siêu vượt âm (hypersonic). Với tốc độ siêu nhanh như vậy nên những hệ thống phòng không hiện nay được cho là sẽ trở nên vô dụng trước các đòn tấn công của chúng.
Nga đã bổ sung vào kho vũ khí của mình, không phải chỉ một mà là 3 dòng tên lửa siêu vượt âm như vậy, gồm Zircon, Kh-47M2 Kinzhal và Avangard. Loại thứ hai là phương tiện phóng lướt siêu vượt âm có thể mang theo nhiều đầu đạn phân hướng độc lập (MIRV) tấn công mục tiêu.
Tên lửa Kinzhal là một trong những vũ khí "bất khả chiến bại" mà Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố trong thông điệp liên bang đầu tháng 3/2018. Khi đó, ông Putin đã ca ngợi đó là loại "vũ khí lý tưởng".
Theo một bản tin từ hãng thông tấn TASS, Kinzhal có tầm tấn công 2.000 km khi mang trên máy bay MiG-31 và khoảng 3.000 km khi biên chế cho máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-22M3.
Tổng tư lệnh Các lực lượng Vũ trang Nga Vladimir Putin từng ca ngợi đây là loại vũ khí “có ưu thế tuyệt đối" và nhấn mạnh "tôi không nghĩ những vũ khí như vậy lại có thể được phát triển bởi một quốc gia nào đó trong những năm tới, mặc dù chúng có thể được chế tạo sau này".
Không quân Mỹ thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm AGM-183A trên máy bay B-52