Nhóm Bộ tứ bắt đầu tập trận hải quân Malabar ở vịnh Bengal, ngày 3/11/2020. Nguồn: Twitter
Giới phân tích cho rằng, việc Nga và Ấn Độ quyết định tổ chức Đối thoại 2+2 giữa các Bộ trưởng ngoại giao và Bộ trưởng quốc phòng hai nước không chỉ giúp hoá giải những hiểu lầm trong quan hệ song phương mà còn ngầm gửi tín hiệu đến Mỹ và Trung Quốc.
Thông điệp gửi tới Mỹ và Trung Quốc
Kanwal Sibal, cựu Ngoại trưởng Ấn Độ cho rằng, New Delhi muốn chứng tỏ họ vẫn giữ được “quyền tự chủ chiến lược” trong một thông điệp gửi tới Washington. Mỹ luôn muốn Ấn Độ rời xa ảnh hưởng của Nga, đồng thời cố gắng ngăn cản New Dehli mua vũ khí của Nga bằng cách đe doạ áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Về phần mình, Nga muốn gửi tín hiệu đến Trung Quốc rằng, bất chấp sự nồng ấm trong quan hệ hai nước, Moscow vẫn có kế hoạch tiếp tục cung cấp vũ khí cho New Dehli. Điều này có thể khiến Trung Quốc “phiền lòng” trong bối cảnh căng thẳng giữa nước này và Ấn Độ chưa có dấu hiệu lắng dịu sau các cuộc đụng độ đẫm máu ở khu vực biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: hindustantimes.com)
“Tín hiệu gửi đến Trung Quốc rất quan trọng về mặt chính trị”, ông Sibal nói. Đó là cách Nga nói với Trung Quốc rằng, mối quan hệ chiến lược khăng khít giữa hai bên sẽ không làm hạn chế các lựa chọn của Nga đối với Ấn Độ và các yếu tố trong chính sách đối ngoại của nước này luôn độc lập với nhau. Điều này đồng nghĩa với việc Nga sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí tối tân cho Ấn Độ”.
Trong thông báo trên trang Twitter ngày 28/4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, sau cuộc gặp gỡ “tuyệt vời” với người bạn của ông - Tổng thống Nga Putin, hai bên đã quyết định tổ chức Đối thoại 2+2 cấp Bộ trưởng để tiếp thêm động lực cho “quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Ấn Độ.
Các nhà quan sát cho rằng, bất chấp những ngôn từ tích cực, cuộc đối thoại này hướng nhiều hơn vào mục đích tháo gỡ những hiểu lầm liên quan đến một số vấn đề gai góc đã tích tụ giữa hai nước trong những năm gần đây, trong đó có việc Ấn Độ tích cực củng cố sự hợp tác trong nhóm Bộ Tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) do Mỹ dẫn đầu.
Cơ hội tháo gỡ những hiểu lầm
Alexey Kupriyanov, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Khoa học Nga đánh giá: “Cuộc đối thoại này diễn ra vào đúng thời điểm. Nhiều vấn đề khúc mắc giữa Nga và Ấn Độ đã tích tụ trong thời gian qua, cùng một số hiểu lầm giữa hai nước liên quan đến các hành động trong chính sách đối ngoại, chẳng hạn như chính sách về khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương”.
Đứng đầu trong số các vấn đề là sự tham gia của Ấn Độ trong nhóm Bộ Tứ - vốn được coi là một liên minh không chính thức nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Theo giới phân tích, Ấn Độ muốn cho Nga thấy rằng, sự tham gia của nước này vào nhóm Bộ tứ không có nghĩa là New Delhi đã từ bỏ lập trường tự chủ chiến lược theo đuổi từ trước đến nay, hoặc tách khỏi các mối liên kết với Moscow.
Chuyên gia Kupriyanov nhấn mạnh, Đối thoại 2+2 có thể coi là một công cụ hiệu quả để các bên giải quyết những hiểu lầm và chuyển sang sự “tương tác thực tế” trong các lĩnh vực mà cả hai nước cùng quan tâm.
Navtej Sarna, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ, nhận định, cuộc đối thoại chính trị-quân sự 2+2 nói trên đóng vai trò quan trọng trong một thế giới "đa quyền lực" và là "bước đi tích cực ở thời điểm mối quan hệ Nga-Trung ngày càng trở nên nồng ấm hơn".
Kể từ năm 2000, Ấn Độ và Nga đã tổ chức các hội nghị thượng đỉnh thường niên và trong dịp đó, các nhà lãnh đạo hai nước lần lượt đến thăm đất nước của nhau. Nhưng hai bên đã không xúc tiến một hội nghị thượng đỉnh nào kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Trấn an về nhóm Bộ Tứ
Nandan Unnikrishna, thành viên của Observer Research Foundation (ORF, một tổ chức nghiên cứu tại New Delhi) cho biết: “Việc tổ chức Đối thoại 2+2 giữa Nga và Ấn Độ đã được thảo luận trong nhiều tháng qua”.
Đây sẽ là Đối thoại 2+2 đầu tiên giữa Ấn Độ với 1 nước không phải là thành viên của Bộ Tứ trong năm nay. Thời gian gần đây, Ấn Độ đã tổ chức nhiều cuộc gặp tương tự với các nước thành viên khác trong nhóm Bộ Tứ.
Gautam Bambawale, cựu đại sứ của Ấn Độ tại Trung Quốc từ năm 2017 đến năm 2018 cho biết: “Đó là một bước tiến rất quan trọng, cho thấy quan hệ của Ấn Độ với Nga cũng quan trọng như quan hệ của chúng tôi với Mỹ, Nhật Bản và Australia”.
Mặc dù Ấn Độ và Nga đã gây dựng được mối quan hệ bền chặt trong nhiều thập kỷ qua, nhưng thời gian gần đây, việc New Dehli mua khí tài quân sự từ các quốc gia khác, trong đó có Mỹ và tăng cường hợp tác với Washington, đã khiến Nga lo ngại.
Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí chính của Ấn Độ, nhưng thị phần của nước này tại quốc gia đông dân thứ 2 thế giới đang sụt giảm. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm, từ năm 2010 đến năm 2014, Nga cung cấp 70% thiết bị quốc phòng của Ấn Độ, trong khoảng thời gian bốn năm tiếp theo, con số này vào khoảng 58%.
Kanwal Sibal, cựu Ngoại trưởng Ấn Độ cho rằng Nga không cần phải quá lo lắng về Bộ Tứ. “Mục tiêu của Bộ Tứ là chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc. Nga không phải là mối quan tâm chung. Nếu Nga cũng là một mục tiêu thì Ấn Độ đã không tham gia nhóm này”, ông nói.
Chuyên gia Unnikrishnan nhận xét thêm, các cuộc đàm phán cũng có thể xoa dịu những lo ngại của Nga về cách thức vũ khí của họ đang được Ấn Độ sử dụng. Ông nói: “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu trong những ngày tới, Nga cũng kiên quyết thực hiện một số thỏa thuận cơ bản như Mỹ đã làm, để đảm bảo rằng vũ khí hiện đại mà họ cung cấp cho Ấn Độ không bị các nước khác tiếp cận”.
Ngoài ra, cuộc họp 2+2 cũng sẽ tạo cơ hội cho các quan chức Nga và Ấn Độ thảo luận thẳng thắn về các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm./.