Binh lính Ấn Độ trên biên giới Ấn -Trung báo động cao vì lý do khác thường

Anh Minh |

Một vụ vỡ sông băng ở quận Chamoli ở Uttarakhand, gần biên giới Ấn Độ - Trung Quốc, đã khiến Cảnh sát Biên giới Ấn Độ - Tây Tạng (ITBP) được đặt trong tình trạng báo động cao.

Hồi tháng 2, một thảm họa sông băng tương tự đã xảy ra ở cùng khu vực, làm dấy lên suy đoán ở phía Ấn Độ về khả năng phá hoại của người Trung Quốc.

Theo báo cáo, ít nhất 8 người đã chết trong sự cố mới nhất diễn ra vào tối thứ Sáu vừa rồi, trong khi Quân đội Ấn Độ đã giải cứu được khoảng 384 người. Điều kiện thời tiết xấu và đường bị phong tỏa đã khiến hoạt động tìm kiếm cứu nạn bị đình trệ.

Theo Lực lượng Ứng phó Thảm họa Quốc gia (NDRF), mực nước ở sông Rishi Ganga đã tăng thêm 60cm do vụ vỡ sông băng.

Vụ việc diễn ra do lượng mưa lớn trong khu vực và cơ quan Tổ chức Đường biên giới (BRO), cơ quan phụ trách việc mở đường cho quân đội Ấn Độ, đang cố gắng tiếp cận với những công nhân tham gia làm đường trong khu vực. Các nhân viên ITBP được triển khai trong khu vực được báo cáo là an toàn.

ITBP là lực lượng liên bang của Ấn Độ được giao nhiệm vụ bảo vệ Ranh giới Kiểm soát Thực tế (LAC), biên giới trên thực tế phân chia Ấn Độ và Trung Quốc.

Vào tháng 2 năm nay, ít nhất 15 người đã thiệt mạng và hơn 150 người mất tích sau khi một phần của sông băng Nanda Devi bị vỡ gây ra lũ lụt lớn và tàn phá ở quận Chamoli.

Sự cố cũng gây thiệt hại trên diện rộng đối với hai công trình thủy điện.

Điều thú vị là tờ International Business Times đã công bố một báo cáo cho rằng Trung Quốc có thể đứng sau thảm họa sông băng hồi tháng Hai. Báo cáo cho biết “một số nhà khoa học quốc phòng Ấn Độ, dù không nêu tên Bắc Kinh, cho rằng vụ vỡ sông băng có thể là một vụ phá hoại”.

Họ ngụ ý rằng "các hồ băng có thể bị phá vỡ thông qua các vụ nổ được điều khiển từ xa, nhằm mục đích tấn công cơ sở hạ tầng của Ấn Độ ở khu vực biên giới".

Tuy nhiên, tờ Hoàn cầu thời báo, một phụ bản của Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) đã bác bỏ cáo buộc này. Tờ báo dẫn lời một chuyên gia Trung Quốc cho rằng việc xây dựng hạ tầng của quân đội Ấn Độ đã làm tổn hại đến môi trường sinh thái trong khu vực, dẫn đến những thảm họa như vậy.

“Các vụ vỡ sông băng ở Ấn Độ tuần trước không thể đổ lỗi là do Trung Quốc phá hoại cơ sở hạ tầng gần đó. Thay vào đó, quân đội Ấn Độ đã xây dựng một số cơ sở quân sự trong khu vực, điều này đã làm trầm trọng thêm sự tan chảy của sông băng ”, Hu Zhiyong, một nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, nói với Hoàn cầu thời báo.

Việc nghi ngờ về sự tham gia của Trung Quốc trong sự cố sông băng được thúc đẩy bởi tình trạng xung đột biên giới khu vực Ladakh giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc, mặc dù không có bằng chứng cụ thể để xác thực giả thuyết đó.

Một cuộc tranh cãi khác nổ ra vào tháng 11 năm ngoái là binh sĩ PLA Trung Quốc đã sử dụng vũ khí laser chống lại binh sĩ Ấn Độ trong các cuộc giao tranh tại biên giới Ladakh.

Trớ trêu thay, một chuyên gia Trung Quốc - Phó trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế của Đại học Nhân dân Trung Quốc - đã đưa ra lý thuyết này. Ấn Độ, ban đầu phủ nhận báo cáo này, nói đây là "tin giả", sau đó thừa nhận rằng PLA của Trung Quốc thực sự đã sử dụng "vũ khí không chính thống" ở LAC.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại