Thận là hai cơ quan nhỏ hình hạt đậu nằm ở hai bên cột sống, ngay dưới lồng ngực. Chức năng chính của chúng là lọc máu, loại bỏ các chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Thận cũng giúp kiểm soát huyết áp, sản xuất các tế bào hồng cầu và duy trì sự cân bằng của các chất điện giải, chẳng hạn như natri, kali, canxi. Khi thận khỏe mạnh, chúng lọc khoảng 120-150 lít máu mỗi ngày, tạo ra khoảng 1 đến 2 lít nước tiểu. Khi thận gặp vấn đề, nó sẽ không thể thực hiện tốt các chức năng nói trên.
Bệnh thận là một bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Nó xảy ra khi thận bị tổn thương và không thể hoạt động đúng. Phát hiện và điều trị sớm bệnh thận là việc rất quan trọng để ngăn ngừa tổn thương, tránh biến chứng.
Một trong những phần khó nhất về bệnh thận là nhiều người không nắm bắt được nó cho đến khi bệnh tiến triển. Rất may, khi thận gặp các vấn đề không ổn, cơ thể sẽ gửi cho bạn những tín hiệu cảnh báo. Hãy tìm hiểu chúng là gì và lắng nghe cơ thể của mình để kịp thời phát hiện những bất thường nhé.
10 dấu hiệu mà cơ thể muốn nói rằng thận của bạn đang gặp nguy hiểm
1. Thay đổi thói quen đi tiểu
Một trong những dấu hiệu sớm nhất của bệnh thận là những thay đổi trong sản xuất nước tiểu. Bạn có thể nhận thấy tần suất đi tiểu tăng lên, đặc biệt là vào ban đêm. Mặt khác, bạn cũng có thể nhận thấy lượng nước tiểu giảm đi hoặc có bọt.
2. Mệt mỏi
Bệnh thận có thể dẫn đến thiếu máu, một tình trạng đặc trưng bởi số lượng hồng cầu thấp. Điều này có thể dẫn đến mệt mỏi dai dẳng và khó tập trung trong mọi việc.
3. Sưng phù ở vị trí nào đó trên cơ thể
Sự tích tụ chất lỏng quá mức trong cơ thể, được gọi là phù, thường xảy ra với bệnh nhận bị bệnh thận. Sưng có thể xuất hiện ở chân, tay, mặt và thậm chí cả bụng.
4. Đau lưng dai dẳng
Bệnh thận có thể gây đau lưng, thường cảm thấy ngay phía dưới lồng ngực. Cơn đau có thể nghiêm trọng và dai dẳng. Điều này thường sẽ đi kèm với nhiễm trùng đường tiết niệu nếu không được điều trị.
5. Giảm cân không rõ nguyên nhân hoặc chán ăn
Nếu bạn bị giảm cân không giải thích được hoặc giảm sự thèm ăn, đó có thể là dấu hiệu của bệnh thận. Điều này xảy ra do sự tích tụ các chất thải trong cơ thể và dẫn đến chán ăn.
6. Buồn nôn và nôn
Bệnh nhân bị bệnh thận thường có cảm giác buồn nôn và dẫn đến các đợt nôn mửa. Dấu hiệu này rõ ràng hơn vào buổi sáng hoặc sau bữa ăn.
7. Khó ngủ
Những người bị bệnh thận thường gặp tình trạng khó ngủ. Nguyên nhân có thể là do chuột rút cơ bắp vào ban đêm, hội chứng chân không yên hoặc đi tiểu thường xuyên.
8. Có vị kim loại trong miệng
Do sự tích tụ các chất thải trong máu mà người đa phần người bị bệnh thận hay cảm thấy miệng có vị kim loại. Đặc biệt, cảm giác đó thường dai dẳng kéo dài.
9. Chuột rút cơ bắp và co giật
Mất cân bằng điện giải, chẳng hạn như nồng độ kali và canxi thấp, có thể gây chuột rút cơ bắp, co giật. Những triệu chứng này có thể liên quan đến bệnh thận.
10. Ngứa da
Bệnh thận có thể dẫn đến sự tích tụ độc tố trong máu, gây ngứa da. Cảm giác ngứa xuất hiện ở bất kì bộ phận nào trên cơ thể chứ không không giới hạn ở một khu vực cụ thể.
Điều quan trọng cần lưu ý là những triệu chứng này có thể thay đổi tùy thuộc vào giai đoạn và mức độ nghiêm trọng của bệnh thận. Nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu nào trong số này, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe để được đánh giá và điều trị thích hợp.
Một số điều bạn có thể làm để giữ cho thận khỏe mạnh và ngăn ngừa bệnh thận
Thứ nhất là có một lối sống lành mạnh. Điều đó có nghĩa là ăn uống tốt, tập thể dục thường xuyên, uống nhiều nước, uống rượu vừa phải và ngủ ngon. Nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ thuốc.
Thứ hai, hãy chú ý đến các loại thuốc theo toa và thuốc không kê đơn mà bạn đang dùng chúng. Luôn luôn làm theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ khi dùng bất kì loại thuốc nào.
Cuối cùng, hãy kiểm tra thận nếu bạn phát hiện dấu hiệu nghi ngờ hoặc là người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Hãy nhớ rằng, phát hiện sớm và điều trị kịp thời là chìa khóa để ngăn ngừa bệnh thận tiến triển cũng như cải thiện kết quả sức khỏe tổng thể.