Phần lớn chúng ta, khi nhắc tới những rắc rối ở gan, thường lập tức hình dung tới bệnh xơ gan – tình trạng tổn thương gan trong thời gian dài, có thể dẫn tới kết cục là suy gan, hỏng gan.
Ở bệnh nhân bị xơ gan, dòng máu bị chặn lại và nhiều quá trình thiết yếu của nó bị ngưng trệ, thường xuất phát từ nguyên nhân tiêu thụ đồ uống có cồn quá mức cho phép.
Tuy nhiên, còn có nhiều vấn đề khác ảnh hưởng tới gan nói riêng và sức khỏe của bạn nói chung, ngoài đồ uống có cồn.
Theo bác sĩ Robert S. Brown Jr, hiện là giảng viên tại Trung tâm Y khoa Các bệnh về gan và cấy ghép Weill Cornell (thành phố New York): “Mọi người nghĩ rằng gan của họ thực sự chỉ nảy sinh vấn đề khi họ làm điều gì đó gây hại cho gan.
Bệnh về gan có thể ảnh hưởng tới bất cứ ai, không phân biệt địa vị kinh tế - xã hội, giới tính, tuổi tác. Mọi người đều cần chăm sóc tốt cho sức khỏe của gan”.
1. Không phải mọi bệnh về gan đều liên quan tới đồ uống có cồn
Xơ gan không phải dạng bệnh duy nhất về gan mà bạn cần quan tâm. Có một chứng bệnh về gan ngày càng trở nên phổ biến thời gian gần đây là gan nhiễm mỡ không do đồ uống có cồn (NAFLD). Bệnh xảy ra khi có quá nhiều mỡ tích tụ trong gan.
Bác sĩ Brown lý giải: “Do đại dịch béo phì, chúng ta ngày càng chứng kiến nhiều trường hợp người bị tiểu đường, tiền tiểu đường hay các triệu chứng khác của hội chứng chuyển hóa (là nhóm các dấu hiệu liên quan tới thừa cân, béo phì, mỡ máu cao, cao huyết áp…).
Mỡ tích tụ trong gan của những bệnh nhân này nhìn rất giống ở người bệnh bị gan nhiễm mỡ do uống quá nhiều đồ uống có cồn. NAFLD thực sự là biểu hiện của hội chứng chuyển hóa ở gan.
Càng nhiều mỡ tích tụ trong gan càng tăng nguy cơ bị ung thư gan và khả năng người bệnh phải cấy ghép gan. Tin tốt là thay đổi trong chế độ ăn uống, luyện tập hoàn toàn có thể giúp cải thiện tình hình.
Chỉ cần giảm một lượng nhỏ khoảng 7% trọng lượng cơ thể cũng đã góp phần giảm tình trạng viêm nhiễm gan và giảm các mô sẹo xuất hiện trên gan.
Tuy nhiên, uống quá nhiều đồ uống có cồn không phải nguyên nhân duy nhất gây bệnh xơ gan. Danh sách “thủ phạm” bao gồm bệnh viêm gan A, bệnh xơ gan ứ mật nguyên phát (PBC), bệnh tự miễn.
Chúng khiến gan tấn công các tế bào hình thành nên ống mật. PBC gây ra viêm nhiễm và sẹo - nếu tình trạng đủ nặng, sẽ chuyển thành xơ gan. Theo bác sĩ Brown, PBC chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan vì nó phổ biến ở phụ nữ hơn nhiều so với nam giới.
2. Gan có thể tự phục hồi
Ngoài việc là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể, gan cũng là cơ quan duy nhất có thể hoàn toàn tự hồi phục. Các tế bào gan liên tục cố gắng sửa chữa các hư hỏng theo cách thiết yếu để tái xây dựng lại cơ quan.
Đó là lý do tại sao cấy ghép gan có thể được thực hiện thông qua việc sử dụng một phần nhỏ gan của người hiến tặng.
Khi có một số lượng lớn các hư hại cần sửa chữa, kết quả của một số sửa chữa đó biểu hiện dưới dạng sẹo - rất giống với sẹo hình thành nhiều tới mức phát triển thành xơ gan.
Do đó, trong khi ý thức về khả năng tái sinh kỳ diệu của gan, điều quan trọng không kém cần ghi nhớ là đừng chất thêm gánh nặng lên cơ quan chủ chốt này.
3. Những dấu hiệu nào của bệnh gan có thể rất khó nhận biết
Một số triệu chứng thường gặp nhất của bệnh xơ gan ứ mật nguyên phát (PBC) là loại bạn có thể gặp phải hàng ngày nhưng lại không nghĩ nó có gì nghiêm trọng, như ngứa ngáy, mệt mỏi, khô mắt.
Bác sĩ Brown cho biết: “Chỉ khi bạn đã từng bị bệnh gan trước đó, bạn mới để ý đến những triệu chứng cụ thể liên quan tới xơ gan, bao gồm buồn nôn, giảm cân, sưng phù và sắc vàng kinh điển ở da và mắt.
Nhiều bệnh về gan không biểu hiện triệu chứng và chỉ được phát hiện ra nhờ chụp chiếu, kiểm tra”. Điều đó lý giải tại sao một số bác sĩ luôn chỉ định thêm phần xét nghiệm gan trong các xét nghiệm máu định kỳ của bạn.
4. Gan đang làm nhiệm vụ thải độc (detox) cho bạn
Do đảm nhận việc xử lý mọi thứ chúng ta ăn và uống, gan giúp lọc bỏ độc tố. Một lần nữa, bạn có thể lại nghĩ tới rượu nhưng gan cũng có thể lọc bỏ độc tố trong thực phẩm và thuốc.
Bác sĩ Janardhan giải thích: “Cùng với tuổi tác và việc ngày càng dùng nhiều thuốc, chăm sóc sức khỏe gan càng cần phải được lưu tâm nhiều hơn. Chức năng gan có thể bắt đầu thoái hóa, do đó, nguy cơ bị tổn thương về gan từ thuốc cũng tăng lên”.
Thật may mắn vì gan thực sự làm rất tốt công việc của mình. Nhưng thay vì chạy theo các công thức súp hoặc nước ép có tác dụng thải độc, bác sĩ Brown gợi ý: “Chúng ta nên ngừng đầu độc bản thân hơn là tìm cách thải độc cho mình”.
Điều đó có nghĩa là, bạn không chỉ nên cắt giảm lượng đồ uống có cồn mà rất nên áp dụng những thói quen tốt cho sức khỏe như ăn uống cân bằng, duy trì cân nặng khỏe mạnh, thường xuyên vận động.
Bác sĩ Brown khẳng định: “Trừ khi bạn sinh ra đã mang đặc tính gen dễ bị mắc các bệnh về gan, trên thực tế, sức khỏe của gan hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của bạn”.
(Tổng hợp)