Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa S-400 là sai lầm của phương Tây.
Phương Tây cần Thổ Nhĩ Kỳ
Trong bài viết mang tựa đề: “Phương Tây cần Thổ Nhĩ Kỳ nếu coi Nga là mối đe dọa hàng đầu”, tờ Hurriyet Daily News đánh giá, các quyết định quan trọng sắp được đưa ra đối với Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần tới sẽ có tác động lớn đến cấu trúc chính trị và an ninh của phương Tây trong cuộc đối đầu với Moscow.
Vào ngày 10-11/12 tới đây, các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên trong khuôn khổ Hội đồng châu Âu sẽ tiến hành thảo luận về các biện pháp chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Cũng trong tuần, Quốc hội Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu dự luật quốc phòng năm 2021. Theo đó, Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng có một phần đặc biệt liên quan đến thực hiện Đạo luật Chống lại kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì đã mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga.
Cả hai quá trình này chắc chắn sẽ có tác động đến mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và Liên minh châu Âu, đồng nghĩa với việc có thể có làm gián đoạn lâu dài vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ và vai trò của nước này trong liên minh phương Tây trong nhiều thập kỷ.
Giới phân tích đánh giá, việc cô lập Thổ Nhĩ Kỳ và tách rời khỏi phương Tây có thể tạo ra một số lỗ hổng rất nghiêm trọng trong kiến trúc an ninh của khối đồng minh xuyên Đại Tây Dương.
Báo cáo năm 2030 của NATO đã chỉ ra rằng, Nga là mối đe dọa hàng đầu đối với liên minh trong thập kỷ tới và khuyến nghị các nước NATO áp dụng các chiến lược để chống lại.
Cây bút Serkan Demirtas của Hurriyet Daily News đánh giá, sẽ không có gì ngạc nhiên khi Washington muốn áp dụng một lập trường sắc bén hơn chống lại Nga dưới thời chính quyền sắp tới của ông Joe Biden – người được cho là sẽ nỗ lực kích hoạt sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương bằng mọi giá.
Điều này đặt ra một câu hỏi rất quan trọng: Phương Tây sẽ nhận được lợi ích gì khi áp đặt các lệnh trừng phạt đối với một quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đã bảo vệ sườn phía Nam của liên minh chống lại Liên Xô trong suốt Chiến tranh Lạnh và đang đứng ở bên bờ chiến tuyến với Nga trong nhiều cuộc xung đột như Syria và Libya?
Chính Thổ Nhĩ Kỳ là lực lượng đang ngăn chặn bước tiến của của quân đội Syria được hậu thuẫn trong mục tiêu lấy lại lãnh thổ đã mất ở Idlib của Syria, cũng như góp phần khởi động một quá trình chuyển đổi chính trị.
Một lần nữa, chính Thổ Nhĩ Kỳ đã bảo vệ Chính phủ Hiệp ước Quốc gia (GNA) được quốc tế công nhận ở Tripoli trước quân đội của tướng Khalifa Haftar, vốn được Pháp, một số nước vùng Vịnh - và nhiều người gọi tên cả Nga - hậu thuẫn. Nếu tiến trình hòa bình ở Libya có thể thực hiện được ở thời điểm hiện tại, đó là nhờ sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ, cây bút Demirtas nhấn mạnh.
Quốc hội Mỹ sẽ tiến hành thảo luận các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ với thương vụ S-400.
Thổ Nhĩ Kỳ bị trách oan?
Nhìn trên góc độ phương Tây, sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Ukraine và từ chối việc Nga sáp nhập Crimea có thể coi là một ví dụ về vai trò mang tính xây dựng mà Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện trong khu vực.
Mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga mang tính thực dụng và ưu tiên ổn định an ninh khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ đã khẳng định rằng đối thoại song phương ngày càng sâu sắc với Nga không phải là một giải pháp thay thế cho mối quan hệ của họ với phương Tây, đặc biệt là NATO.
Vài năm qua, phương Tây đã đặt ra nhiều câu hỏi về ý định của Thổ Nhĩ Kỳ trong lĩnh vực chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, người châu Âu cũng nên đặt câu hỏi về lập trường của họ đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong cùng thời kỳ và liệu họ có phải là nguyên nhân cho sự xa cách ngày càng tăng này không, cây bút Demirtas đặt câu hỏi.
Như Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh gần đây, việc Mỹ và Liên minh châu Âu không thể xuất hiện tại các khu vực xung đột nói trên đã mở đường cho sự thâm nhập của Nga.
Ông Maas cũng trích dẫn sự hiện diện ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ ở những khu vực đó mà không thể giải thích lý do tại sao Thổ Nhĩ Kỳ bị bỏ rơi suốt thời gian qua.
Bên cạnh đó, phương Tây có lẽ cũng nên giải thích lý do tại sao họ quyết định rút hệ thống phòng không Patriot khỏi Thổ Nhĩ Kỳ khi đồng minh của mình cần nhất.
Hoặc tại sao Mỹ không bán hệ thống phòng thủ Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ khiến nước này lâm vào bước đường cùng, phải mua tên lửa phòng không S-400 từ Nga.
Cây bút Demirtas đưa ra quan điểm cho rằng, đúng là ngày nay có vấn đề bất đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây, nhưng đổ hết lỗi cho Thổ Nhĩ Kỳ là điều không công bằng.
Giờ đây, Washington và châu Âu lại sắp mắc phải một sai lầm khác khi đẩy Thổ Nhĩ Kỳ ra xa bán cầu chính trị phương Tây. Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ theo yêu cầu của Hy Lạp, Síp và Pháp sẽ chỉ phản ánh sự thiếu tầm nhìn chiến lược của Liên minh châu Âu.
Tranh chấp phía Đông Địa Trung Hải chỉ có thể được giải quyết thông qua đối thoại đa phương - chứ không phải các hành động đơn phương như Hy Lạp đã theo đuổi trong hai thập kỷ qua, Demirtas kết luận.