Các bộ phận của hồng bì: Lá, hạt, vỏ thân, rễ đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh.
Theo y học, lá quất hồng bì có vị cay, đắng, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, làm tan chất nhầy (long đờm).
Kinh nghiệm dân gian thường dùng lá hồng bì để chữa cảm mạo, hạ sốt, sạch gàu, mượt tóc; xông lá hồng bì để chữa bệnh phong thấp .
Rễ và hạt của hồng bì tính ấm có tác dụng giảm đau, kích thích tiêu hóa, tiêu phù. Chủ trị đau dạ dày, đau thượng vị, đau bụng kinh, tiêu hóa kém .
Lá, quả, hạt hồng bì đều dùng làm thuốc chữa bệnh
Bài thuốc trị ho từ hồng bì
Chữa ho trẻ em , ho do ngoại cảm phong hàn ( ho gió): Quả hồng bì tươi, bổ đôi, hấp với đường phèn, chia ăn ngày 3 lần sáng, trưa, tối.
Si rô ho hồng bì: Quả hồng bì phơi khô, bỏ hạt 50g, vỏ rễ dâu (tang bạch bì) 50g, củ sả 50g, củ bách bộ 50g, ô mai 50g, cát cánh 50g, hạnh nhân 50g, kinh giới 50g, cam thảo 50g, bạc hà 50g. Sắc kỹ lấy dịch thuốc. Thêm đường phèn nấu thành si rô ho.
Trị cảm mạo: Lá hồng bì 30g, lá húng chanh 30g, lá quýt 20g, gừng 5g. Sắc uống trong ngày.
Giải cảm, hạ sốt: Lá hồng bì 30g tươi, khô 12g, sắc uống cho ra mồ hôi. Uống liền 3-5 ngày.
Chữa đau dạ dày: Hạt hồng bì sao thơm, tán bột mịn. ngày uống 3 lần. Mỗi lần 6g. Có thể dùng rượu nhạt để chiêu thuốc.
Chữa bí tiểu tiện : Lá hồng bì sắc uống
Thuốc cho phụ nữ sau sinh, kích thích tiêu hóa: Vỏ thân, rễ hồng bì 30g, rễ sử quân 20g, khế chua 2 quả, sao vàng, sắc uống ngày 1 thang chia 3 phần uống trong ngày.
Chữa nhức mỏi xương khớp, đau bụng kinh: Lá hồng bì 30g, rễ gấc 30g, rễ dừa 30g, hạt gấc 5 hạt. Sắc uống ngày 1 thang. chia 3 phần, uống trong ngày.
Chữa nấc: Quất hồng bì chín, mật ong, liều lượng thích hợp, hấp cách thủy. Pha nước uống.
Giảm ho, long đờm, chống nôn, trừ giun: Quả hồng bì tươi, nhai và nuốt vỏ. Hoặc dùng bài: Quả hồng bì khô 30g ( tươi 60g) sắc nước uống vào lúc đói.