'Nếu bác sĩ, giáo viên giỏi giang, sao không ra trường tư, bệnh viện tư?'

TRẦN XUÂN HIỆP |

Là một bác sĩ y học cổ truyền, bạn đọc Trần Xuân Hiệp tâm sự rằng đã nghẹn lòng khi nghe những câu: 'Nếu bác sĩ, giáo viên giỏi giang, sao không ra trường tư, bệnh viện tư?'. Theo bạn đọc này, những câu hỏi như thế không đồng cảm và chia sẻ.

Nếu bác sĩ, giáo viên giỏi giang, sao không ra trường tư, bệnh viện tư? - Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai chăm sóc bệnh nhi 12 tuổi - Ảnh: A LỘC

Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu ý kiến này.

Bản thân tôi hiện là một bác sĩ y học cổ truyền đang công tác tại bệnh viện thuộc một tỉnh phía Nam. Thời điểm đầu khi tôi bắt đầu công tác chỉ nhận được mức lương chưa đầy 2 triệu một tháng (0,85 x 2,34) và không có phụ cấp suốt chín tháng.

Dù thế, do đặc thù công việc chuyên hỗ trợ cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, nên bản thân luôn tận tụy làm việc suốt thời gian mùa dịch, không than trách một lời. Vì hơn ai hết, tôi hiểu mình đang giúp ích được cho xã hội.

Nhiều người không tìm hiểu thực tế cứ thản nhiên cho rằng nếu lương thấp, bác sĩ có thể mở phòng mạch, giáo viên nên dạy thêm để có thu nhập cao hơn, đừng viện cớ than thở lương thấp.

Thế nhưng, ít người hiểu được rằng, để có được vị trí và danh tiếng đó, những sinh viên theo học ngành y hoặc sư phạm phải tốn rất nhiều tiền bạc, học hành gian khổ.

Điển hình như khi theo học ngành y, trước khi trở thành bác sĩ điều trị, các sinh viên còn phải qua 18 tháng đi thực tập thì mới được chính thức nhận chứng chỉ hành nghề.

Nếu so với các ngành nghề khác, chỉ cần tốt nghiệp đại học rồi đi làm, người học ngành y phải mất những 7,5 năm dùi mài đèn sách kèm theo việc đi thực tập, đôi khi chẳng có một đồng phụ cấp, chỉ cốt sao được chấp nhận vào thực tập.

Điều đáng lưu tâm là đầu tư như thế nhưng số người có tay nghề cao, kiếm được thu nhập cao cũng chỉ chiếm thiểu số.

Dù thu nhập thấp, chịu nhiều áp lực nhưng vẫn vướng phải nhiều ý kiến thắc mắc đại loại rằng: "Bác sĩ, giáo viên chê lương thấp nhưng tại sao cứ cố gắng đầu tư để được tuyển dụng vào các trường công, bệnh viện công để phải nhận chế độ đãi ngộ thấp?", hoặc "Nếu giỏi giang như thế, sao không ra trường tư, bệnh viện tư cho thoải mái và hài lòng?".

Tuy nhiên, thực tế cho thấy đội ngũ y bác sĩ cũng như giáo viên ở môi trường công lập đã tận tụy phục vụ cho hơn 80% dân số với thu nhập chỉ đủ sống, thậm chí không đủ sống. Đi cùng sự chăm chỉ đó, họ xứng đáng được chúng ta đồng cảm và chia sẻ.

Nếu ai cũng vì mức lương cao mà thi nhau làm việc ở các bệnh viện, trường học tư nhân thì nhân lực ở các bệnh viện, trường học công lập sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng.

Dẫu đương nhiên bác sĩ có thể mở phòng mạch, bệnh viện tư nhân nhưng đó chỉ là số ít. Cũng bởi, không phải bác sĩ nào cũng có mức thu nhập tốt từ việc làm bên ngoài hoặc làm thêm giờ.

Cá nhân tôi cho rằng nếu lương của đội ngũ bác sĩ cũng như giáo viên được tăng lên thì hiệu quả công việc sẽ được cải thiện.

Cũng bởi, để đảm bảo cuộc sống, bản thân họ sẽ ý thức làm việc tốt và trân trọng công việc hiện tại hơn. Mặt khác, những cá nhân có biểu hiện chểnh mảng hoặc vi phạm khi bị phát hiện sẽ phải sa thải khỏi ngành.

Việc trả lương đúng năng lực cho công chức sẽ giúp cho xã hội phát triển công bằng hơn, bộ máy y tế, giáo dục trong sạch hơn.

Trên thực tế, nếu chúng ta nhìn sang các nước phát triển khác trên thế giới, lương của bác sĩ và giáo viên luôn đặc biệt cao. Điển hình như tại nước Anh, lương của bác sĩ chuyên khoa dao động ở mức 150.000 USD, còn lương bác sĩ đa khoa cũng tương đương khoảng 118.000 USD.

Nước Anh cũng là quốc gia hỗ trợ tài chính nhiều nhất cho sinh viên y. Hoặc như mức lương của bác sĩ tại Úc dao động khoảng 91.000 USD (đối với bác sĩ đa khoa) và 247.000 USD (đối với bác sĩ chuyên khoa).

Tại Mỹ, mức thu nhập trung bình một năm của giáo viên tiểu học có 15 năm kinh nghiệm là khoảng 62.101 USD, tại Đức sẽ dao động khoảng 80.407 USD.

Mức thu nhập trên phản ánh vai trò và những đóng góp quan trọng của các ngành nghề này vào tiến trình phát triển của xã hội.

Cũng từ đó, bản thân tôi hy vọng mọi người sẽ có cái nhìn đa chiều, công tâm hơn với nghề y và nghề giáo. Hãy công tâm và thừa nhận những đóng góp của họ, thay vì cứ mải phê phán và chỉ trích những tiêu cực trong thái độ làm việc của một số cá nhân.

Y tế, giáo dục là hai ngành cực kỳ quan trọng của mỗi quốc gia, vì phạm vi phục vụ của nó vô cùng phổ biến trong cộng đồng dân cư, đáp ứng yêu cầu của mọi lứa tuổi từ già đến trẻ.

Nhưng thực tế hai ngành này lại đang phải hy sinh rất lớn vì mức đãi ngộ chưa tương xứng và sự tôn trọng bị suy giảm trầm trọng trong nhận định của xã hội hiện đại.

Nhìn nhận ở một góc độ khác thì tại các bệnh viên tư, trường quốc tế thu phí cao nhưng lại chỉ chuyên phục vụ cho một số ít người có tiền, nên thái độ ân cần, dịch vụ chu đáo cũng là lẽ đương nhiên.

Do đó, chúng ta không nên so sánh chất lượng dịch vụ giữa các cơ sở công lập và tư nhân, vì cơ bản chi phí phải chi trả đã khác nhau một trời một vực.

Thiết nghĩ, nguồn nhân lực giữa các khu vực vốn dĩ chỉ có hạn, nên chỉ có thu đúng, thu đủ học phí, viện phí thì chúng ta mới giải quyết được triệt để vấn đề lương bổng tương xứng cho giáo viên và nhân viên y tế.

Đó cũng là cách hạn chế việc "chảy máu chất xám", làm giảm đi nguồn nhân lực của đất nước ta.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại