Nên đánh răng trước hay sau ăn sáng?
Hầu hết các nha sĩ đều khuyến cáo mọi người nên đánh răng 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ để giữ gìn sức khỏe răng miệng. Tuy nhiên, đối với đánh răng buổi sáng, việc đánh răng trước hay sau ăn sáng vẫn còn là vấn đề mà nhiều người tranh cãi.
Chia sẻ với trang Express, bác sĩ Nyree Whitley, giám đốc phòng khám nha khoa My Dentist, Anh cho biết mọi người không nên đánh răng sau khi ăn sáng và khuyến khích mọi người nên đánh răng trước khi ăn sáng. Chuyên gia cũng cảnh báo rằng thói quen đánh răng sau khi ăn sáng có thể gây hại cho răng.
Bác sĩ Whitley giải thích: “Sau khi ăn xong, răng của bạn cần chút thời gian để tái khoáng hóa. Quá trình này đặc biệt cần thiết khi bạn tiêu thụ thực phẩm hoặc đồ uống có tính axit cao như nước cam, nước chanh, mứt hoặc các đồ ăn thức uống có vị chua. Nếu đánh răng ngay sau khi ăn, nguy cơ bị xói mòn men răng sẽ tăng lên”.
Ngoài ra, trong khi ngủ, quá trình sản xuất nước bọt (nước bọt có chứa các tế bào chống lại vi khuẩn và nhiễm trùng) sẽ bị chậm lại khiến lượng vi khuẩn trong miệng tăng lên, đây là một trong những nguyên nhân khiến mọi người thức dậy với hơi thở có mùi khó chịu.
Các vi khuẩn tích tụ trong khoang miệng sau một đêm dài nếu không được làm sạch cũng có thể tiếp xúc với đồ ăn, chuyển hóa đường và carbohydrate thành axit tấn công nướu và men răng, dẫn đến tình trạng viêm nướu và sâu răng.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên đánh răng trước khi ăn sáng để giúp loại bỏ các mảng bám và vi khuẩn trên răng. Ngoài ra, việc sử dụng các loại kem đánh răng chứa fluor cũng giúp bao phủ lên men răng một hàng rào bảo vệ để chống lại axit trong thực phẩm.
Để bảo vệ sức khỏe răng miệng, các nha sĩ khuyến cáo mọi người nên đánh răng ít nhất 2 phút, trước khi ăn sáng. Sau khi ăn sáng xong, mọi người có thể súc miệng bằng nước nhằm loại bỏ những mảnh vụn thức ăn còn sót lại để chúng không bám trên răng cả ngày. Ngoài ra, việc súc miệng bằng nước sau khi ăn còn làm giảm tác động của axit lên răng, từ đó đưa độ pH trong miệng trở lại mức bình thường nhanh hơn.
Tuy nhiên, bác sĩ Whitley cho biết mọi người vẫn có thể đánh răng sau khi ăn, nhưng cần đợi ít nhất 1 tiếng sau bữa ăn để ngăn ngừa tình trạng xói mòn men răng xảy ra. Tình trạng xói mòn men răng có thể làm mất dần bề mặt men răng, khiến răng bị đổi màu, trở nên nhạy cảm với nhiệt độ khi ăn đồ nóng hoặc lạnh, răng dễ vỡ nứt hơn.
Ảnh minh họa.
Bên cạnh thói quen đánh răng buổi sáng, bác sĩ Whitley cũng chỉ ra thêm một số sai lầm phổ biến của nhiều người khi vệ sinh răng miệng.
Sử dụng bàn chải đánh răng lâu ngày
Bác sĩ Whitley cho biết: “Theo thời gian sử dụng, lông bàn chải đánh răng bị sờn hoặc thay đổi hình dáng và không còn hoạt động hiệu quả nữa. Do đó, việc thay bàn chải đánh răng thường xuyên là điều cần thiết. Mọi người nên thay bàn chải đánh răng hoặc đầu bàn chải đánh răng điện 3-4 tháng/lần”.
Đánh răng quá nhanh
Bác sĩ Whitley cảnh báo rằng thói quen đánh răng nhanh chóng, vội vàng khiến răng không được làm sạch đúng cách hoặc có thể làm tổn thương nướu.
Bác sĩ Whitley khuyến cáo: “Mọi người nên đánh răng ít nhất 2 phút/lần để có thể làm sạch mọi ngóc ngách trong khoang miệng, loại bỏ các mảng thức ăn thừa khỏi kẽ răng để bảo vệ sức khỏe răng miệng".
Đánh răng quá mạnh
Một trong những sai lầm phổ biến nhất khi đánh răng là đánh răng quá mạnh. Mọi người thường cho rằng đánh răng mạnh hơn sẽ giúp làm sạch tốt hơn tuy nhiên thực tế lại ngược lại. Đánh răng quá mạnh có thể gây mòn men răng và có thể dẫn đến tụt nướu.
Ngoài ra, mọi người cũng nên tránh đánh răng theo chiều ngang mà nên đánh răng với chuyển động bàn chải xoay tròn chậm rãi trên từng chiếc răng để làm sạch răng tốt hơn.
Để bàn chải đánh răng ở nơi ẩm ướt
Mọi người nên tránh để bàn chải đánh răng ở nơi chật hẹp như tủ đặc biệt là khi bàn chải còn ướt vì môi trường ẩm ướt có thể trở thành nơi sản sinh của vi khuẩn.
Nếu muốn cất bàn chải vào tủ, mọi người nên phơi bàn chải khô ráo để tránh vi khuẩn sinh sôi. Ngoài ra, nên để bàn chải ở góc riêng biệt, hạn chế để đầu bàn chải tiếp xúc với đầu bàn chải của người khác.