Chỉ trong một thời gian ngắn, rapper Negav - ngôi sao đang lên từ chương trình thực tế về anh trai khiến cộng đồng mạng “sôi máu" vì liên hoàn phốt liên quan đến thái độ, đạo đức. Từ hình tượng “út khờ" ngây thơ, hài hước, Negav dội “gáo nước lạnh" vào cộng đồng fan những ngày qua.
Sau phát ngôn vạ miệng về chuyện bỏ học Đại học, khủng hoảng thực sự đến khi nam rapper bị đào loạt status thời chưa nổi tiếng. Cú sốc lớn nhất chính là việc nam rapper 23 tuổi là quản trị viên 1 group “content bẩn" từ 5 năm trước, chuyên đăng tải nội dung 18+ và quấy rối nhiều nghệ sĩ. Sáng 1/10, dân tình không khỏi bàng hoàng trước những bình luận khiếm nhã của Negav về Sơn Tùng M-TP, Lâm Vỹ Dạ, GREY D,...
Ngay trong chương trình “Xin việc” mà Negav tham gia vừa lên sóng cách đây 3 tuần, khi Negav bảo mình là vua giao tiếp, host An Trương bắt đầu đặt câu hỏi: “Em có nghĩ mình làm được các công việc nào khác nữa không?” và Negav rất hí hửng nhắc đến “giao p…”. Chưa hết, mặc cho host đã lái vấn đề đi sang hướng đúng hơn như “giao lưu, giao du”, Negav vẫn cố gắng lái qua cho bằng được “giao h…”.
Nhiều người không nhận thức được hành vi của mình là quấy rối người khác
Theo dõi sự việc này, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Phương Thảo (chuyên gia tham vấn tâm lý Đại học VinUni) ) kể câu chuyện về một trường hợp mà chị từng trực tiếp hỗ trợ và rơi vào hoàn cảnh như của Negav.
“ Thân chủ của tôi khi ấy hoàn toàn “ngây thơ” buông những câu đùa và đề cập về chủ đề tình dục với người khác và tưởng rằng nó là những câu đùa bình thường. Khi bị người kia trực tiếp chất vấn và phản ánh về điều đó, thân chủ của tôi đã rất sốc và lo sợ, không ngờ rằng hành vi của họ lại bị nhìn nhận như vậy. Tuy nhiên, họ rất đón nhận những góp ý và cởi mở trong việc suy ngẫm lại hành vi để thay đổi, đặc biệt sau khi được trang bị thêm kiến thức và nhìn nhận vấn đề theo những góc nhìn khác”, Thạc sĩ tâm lý Phương Thảo chia sẻ.
Theo Ths. Phương Thảo, đó là một trong những trường hợp điển hình của việc thiếu nhận thức về pháp luật và quy tắc ứng xử dẫn đến mắc sai lầm. Sau quá trình tham vấn, thân chủ của Ths Thảo đã kết luận: “Một câu đùa, nên khiến tất cả mọi người thực sự vui vẻ, bao gồm cả người nghe và người nói. Nếu người nói vui nhưng người nghe cảm thấy không thoải mái, đó là bắt nạt, là quấy rối” .
Vậy thì, điều quan trọng ở đây không phải là chủ đích của người nói, mà là cảm nhận của người nghe. Cùng một câu nói về chủ đề tình dục, trong hoàn cảnh riêng tư, giữa hai cá nhân thân mật với nhau có thể là một câu đùa; nhưng trên không gian mạng với một người xa lạ thì hoàn toàn có thể khiến người nghe cảm thấy bị quấy rối.
Không chỉ bị phát hiện thường xuyên đăng những dòng trạng thái hay chia sẻ về vấn đề được cho là khá tục tĩu, Negav còn khiến công chúng phẫn nộ khi lôi cả ảnh trẻ em, đặc biệt là các bé gái vào hội nhóm này. Nam rapper thậm chí còn đăng tải chính hình ảnh cháu gái mình lên nhóm này kèm dòng trạng thái: "Cháu tôi nó yêu khăn giấy ướt giống tôi, nó bỏ tiền ra để sắm cho mình. Mình tự hào quá, mình sẽ tổ chức cho cháu 1 buổi lễ trưởng thành".
Chưa hết, Negav còn chụp trộm 1 gia đình với bố mẹ và 1 bé gái đang ngồi ăn ở quán kem rồi ngang nhiên chia sẻ lên nhóm nhạy cảm này kèm dòng trạng thái: "Ba mẹ lau cho con bằng khăn giấy ướt nè". Hành động sử dụng hình ảnh trẻ em để làm "content" trong những bài đăng trên 1 hội nhóm thảo luận chuyện nhạy cảm của Negav đang nhận về làn sóng chỉ trích dữ dội.
Theo Ths. Phương Thảo, ở độ tuổi nhỏ, trẻ em là đối tượng rất dễ bị tổn thương và thậm chí gây ra sang chấn lâu dài và nghiêm trọng nếu phải đối mặt với vấn đề bị tấn công tình dục, hay thậm chí chỉ với việc tiếp xúc với các nội dung độc hại trên mạng xã hội. Trẻ có thể cảm thấy xấu hổ, tự ti và ghê sợ về vấn đề tình dục và về cơ thể của chính mình, thậm chí phát triển những rối loạn về tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm, mặc cảm ngoại hình, … Về mặt xã hội, trẻ có thể sẽ thu mình, cô lập với các mối quan hệ xung quanh hoặc ngược lại, có những tò mò và hành vi tình dục bất thường không đúng với lứa tuổi. Về lâu dài, điều này có thể ảnh hưởng lớn đến cả cuộc sống và tương lai của trẻ, khi trẻ có thể dễ bị cuốn vào các hành vi nguy cơ, thay đổi tính cách và hành vi với người xung quanh, gặp khó khăn trong học tập, thậm chí có cách hành vi tự làm hại và ám ảnh về ngoại hình, ăn uống, gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và tính mạng.
Negav có vấn đề về tâm lý hay không?
Nhiều người cho rằng việc luôn miệng đề cập đến tình dục, có những bình luận khiếm nhã với người khác… là vì Negav có “tâm lý bất ổn”, tuy nhiên, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Phương Thảo cho rằng sẽ là thiếu căn cứ nếu chúng ta khẳng định một cá nhân có vấn đề tâm lý nào đó chỉ qua một số hành vi trên.
“Hình ảnh của một ai đó thể hiện trên không gian mạng hoặc trong một tình huống nhất định chưa chắc đã phản ánh con người thật của họ”, Ths. Thảo nêu quan điểm.
Không chỉ với những bình luận của Negav, đã không ít lần cộng đồng mạng “dậy sóng” bởi những phát ngôn gây sốc của những người nổi tiếng khác, hay những trào lưu “prank” (trò đùa) nguy hiểm, phản cảm được hàng ngàn lượt xem và chia sẻ.
Phân tích vấn đề này, Ths Phương Thảo cho biết mỗi người chúng ta có thể sử dụng mạng xã hội với những mục đích rất khác nhau. Có thể đó chỉ đơn giản là công cụ để kết nối và liên lạc ít tốn kém. Có thể đó là không gian để tâm sự, trải lòng những điều muốn nói. Có thể đó là nơi lưu giữ những hình ảnh kỷ niệm về đời thường. Nhưng cũng có thể nó là nơi tìm kiếm sự công nhận từ đám đông, được người khác chú ý dù là tiêu cực hay tích cực.
“Đó cũng có thể là nơi bất cứ ai có thể diễn và sống một phiên bản hoàn toàn khác của bản thân. Và như thế, để thỏa mãn nhu cầu của mình, có người chỉ cần nhắn tin và gọi cho người khác, có người tham gia rất nhiều hội nhóm để cập nhật thông tin về chủ đề mình quan tâm, và cả những người bất chấp làm đăng những nội dung hoặc phát ngôn khiến nhiều người thấy phản cảm, để đạt được “phần thưởng” là sự chú ý và danh tiếng. Hàng ngàn lượt tương tác, bình luận (dù có tiêu cực), hàng ngàn lượt ghé thăm trang cá nhân, theo dõi, đào bới các đoạn bình luận cũ, chụp màn hình và chia sẻ, chính là những cơn bão sự chú ý được thổi bùng lên và đang tiếp tục thỏa mãn mục đích của những nội dung đó” , Ths Thảo phân tích.
Liệu có phải chính những sự quan tâm dễ dãi và cười đùa của cộng đồng vẫn là những “phần thưởng” đang tiếp tay và khuyến khích thêm những nội dung phản cảm trên?
Nếu chúng ta thực sự muốn lên án và thay đổi những hành vi này, cần có một hậu quả đủ sức nặng để vượt qua “phần thưởng” mà nó mang lại.