Chuyên gia tâm lý vạch trần nguyên nhân dẫn đến lối sống "phông bạt" của nhiều người trên mạng xã hội, đâu là suy nghĩ thực sự bên trong?

Thạc sĩ Tâm lý học Lâm sàng Võ Thị Lâm Oanh |

Việc tìm kiếm tiêu điểm chú ý từ bên ngoài và sự công nhận từ người khác có thể phản ánh mức độ suy giảm về tự trọng, cảm nhận hạnh phúc của từng cá nhân.

Sau khi cơn bão Yagi đổ bộ để lại vô vàn mất mát đau thương cho hơn 26 tỉnh thành, đồng bào khắp nơi trên cả nước nhanh chóng ủng hộ cả về vật chất cũng như tinh thần hướng về miền Bắc thân yêu. Việc làm này đã tiếp tục phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách” ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Cùng với đó, nhiều người dùng mạng xã hội đăng tải ảnh thông tin chuyển khoản với số tiền lớn và thông điệp chia sẻ cũng góp phần lan tỏa nhanh chóng lòng nhân ái. Tuy nhiên, sau khi Mặt Trận Tổ Quốc công khai sao kê các khoản ủng hộ, cư dân mạng đã liên tục “check var” (kiểm tra) được rất nhiều tài khoản đăng tải hình ảnh với số tiền ủng hộ khổng lồ nhưng thực tế lại chỉ là để “làm màu” và khoe mẽ.

Điều này khiến chúng ta đặt ra câu hỏi rằng: Liệu hành động này thực sự xuất phát từ lòng trắc ẩn, vì tinh thần dân tộc bao đời nay hay chỉ là một cách để thu hút sự chú ý và công nhận từ cộng đồng?

Trong bối cảnh mạng xã hội đang định hình cách chúng ta tương tác, thể hiện bản thân, cuộc sống trên mạng xã hội và việc khoe khoang không chỉ là xu hướng mà đã trở thành một phần không thể thiếu mỗi ngày. Đây cũng là câu trả lời cho những thắc mắc đang được đại đa số người dùng quan tâm gần đây về việc “động cơ nào khiến con người đam mê một cuộc sống "phông bạt" đến thế?”

Khoe “bill” (hoá đơn) số tiền khủng sẽ tạo ra được sự chú ý vô cùng lớn từ công chúng, trong khi điều này hoàn toàn không xảy ra khi số tiền nhỏ hơn. Với nhiều cá nhân có nhu cầu được nổi tiếng hay đã có tầm ảnh hưởng trên cộng đồng mạng, hành động này sẽ nhận lại những lời khen về tấm lòng thơm thảo, một nghĩa cử cao đẹp. Từ đó, sẽ có rất nhiều người ngưỡng mộ, tán dương không chỉ về hành động nhân ái mà còn về khía cạnh thành công trong công việc.

Việc một cá nhân đạt được nhiều lợi ích đi kèm từ việc làm giả hoá đơn càng củng cố cho họ về hành vi "sống ảo" trên không gian mạng. Hơn nữa, họ cũng lo ngại nếu ủng hộ số tiền quá ít sẽ dễ nhận lại sự dè bỉu và chê cười từ cộng đồng.

Chính bởi những suy nghĩ trên đã thúc đẩy họ cần tạo ra một vỏ bọc hoàn hảo bằng cách làm giả hoá đơn lớn hơn so với những gì thực tế ủng hộ.

Người dụng mạng xã hội dễ sa đà vào cơn “khoe” số tiền ủng hộ giữa mùa lũ. Điều này có thể giúp họ cảm thấy mình đang làm một việc ý nghĩa và không bị coi là vô tâm. Hầu hết chúng ta đều quan tâm đến việc người khác nghĩ gì về mình và hy vọng nhận được phản hồi tích cực; đặc biệt trường hợp muốn duy trì kết nối xã hội với bạn bè hay cộng đồng.

Việc tìm kiếm tiêu điểm chú ý từ bên ngoài và sự công nhận từ người khác có thể phản ánh mức độ suy giảm về tự trọng, cảm nhận hạnh phúc của từng cá nhân.

Khi người ta cảm thấy cuộc sống của mình không đủ thành công hoặc hạnh phúc, họ sẽ tìm cách tạo ra hình ảnh tích cực để đáp ứng nhu cầu này. Khi giá trị bản thân suy giảm, họ càng cần tạo ra những vỏ bọc hoàn hảo, cố chứng minh bằng hình ảnh bên ngoài để tìm kiếm, tự củng cố bản thân.

Mạng xã hội tạo ra một tiêu chuẩn về thành công và hạnh phúc, dẫn đến việc nhiều người cảm thấy áp lực phải thể hiện cuộc sống lý tưởng. Hàng ngày trên không gian mạng, chúng ta luôn dễ dàng thấy cuộc sống sang chảnh, xinh đẹp, dùng đồ hiệu, đến những địa điểm nổi tiếng... của một số bạn trẻ.

Điều này phản ánh nhu cầu hiện thực hóa bản thân, khát khao trở thành hình tượng mà bản thân theo đuổi. Tuy nhiên trên thực tế, để đạt được những thành tựu đỉnh lưu sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Thất bại trong hiện thực hóa bản thân trong thế giới thật là điều khó chập nhận và càng củng cố cho hành vi “sống ảo", khoe mẽ trên không gian mạng – bởi đây là nơi mà họ dễ dàng đạt được những thành tựu trên mà không cần phải nỗ lực hay đánh đổi nhiều yếu tố khác.

4 Lời khuyên của chuyên gia tâm lý cho những bạn trẻ bước ra khỏi lối sống phông bạt

Gia tăng lòng tự trọng: nhận thức và chấp nhận giá trị thật của bản thân trong bất kỳ hoàn cảnh nào mà không phụ thuộc vào vật chất bên ngoài. Việc xây dựng hệ thống giá trị bền vững từ bên trong sẽ tạo nội lực vững chắc, mức độ cảm nhận hạnh phúc tăng cao giúp giảm thiểu nhu cầu phải thể hiện bản thân để nhận sự công nhận từ người khác.

Tập trung vào các mối quan hệ thân thiết ngoài đời thực: Thay vì tìm kiếm sự công nhận qua hình ảnh hào nhoáng trên mạng ảo, hãy tập trung vào việc xây dựng các mối quan hệ chất lượng và dành nhiều thời gian cho nó.

Theo đuổi gia trị cốt lõi: Xác định và theo đuổi các mục tiêu thực tế, có ý nghĩa thực sự, thay vì cố gắng đạt được một hình ảnh lý tưởng chỉ để gây ấn tượng hay thu hút sự chú ý.

Giảm áp lực từ mạng xã hội: giảm thiểu sự phụ thuộc vào mạng xã hội như một nguồn động lực hoặc sự công nhận.



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại