Suýt chết vì thủng dạ dày
Anh Nguyễn Quốc Tr. (45 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) vừa phải vào bệnh viện cấp cứu vì thủng dạ dày. Cách đây 1 tuần, anh Tr. thấy đau bụng nhưng cứ nghĩ đau dạ dày giống trước đây nên bảo vợ ra nhà thuốc mua thuốc theo đơn cũ về uống.
Anh Tr. kể lúc ấy sợ vào viện rồi chẳng may bị cách ly còn khổ hơn, nghĩ là bệnh cũ hành hạ, anh tự mua thuốc theo đơn cũ điều trị. Đến khi đau không chịu được nữa, mọi người khuyên anh vào viện kiểm tra, anh Tr. vẫn không chịu đến viện. Nửa đêm đau nhiều quá vợ anh mới gọi taxi đưa anh vào viện.
Khi vào cấp cứu, bác sĩ cho biết anh Tr. bị sốc nhiễm khuẩn, nhiễm trùng nặng, mạch chậm. Bác sĩ nhanh chóng cấp cứu và tiến hành các biện pháp cận lâm sàng, kết quả anh Tr. bị thủng dạ dày, thủng tạng rỗng. May mắn các bác sĩ mới cứu được anh Tr., bởi nếu chỉ chậm thêm 6 – 12h nữa chắc chắn bác sĩ khó có thể cứu được.
Bệnh viện Tim Hà Nội phân luồng khám chữa bệnh cho bệnh nhân.
Hãy là người bệnh thông thái!
Theo PGS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết trong đợt dịch Covid-19 người dân có tâm lý lo sợ, không tiếp cận với sự can thiệp của y tế, tâm lý e ngại đó dẫn tới không được chẩn đoán bệnh sớm, có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Ví dụ như bệnh ung thư cần phát hiện sớm, bệnh cần cấp cứu như viêm ruột thừa, đột quỵ cần phải tới bệnh viện rất sớm. Hiện nay, chúng ta cần phải có cách suy nghĩ làm sao để hợp lý vừa phòng dịch mà không để bệnh của bản thân mình nặng hơn.
PGS Phu cho rằng người bệnh cũng cần trở thành bệnh nhân thông thái, đến cơ sở y tế nào phù hợp... Nếu bệnh nhẹ chỉ cần đến các tuyến dưới, ít nguy cơ lây nhiễm hơn các tuyến cao hơn, đỡ gây quá tải hơn, tránh nhiễm khuẩn chéo.
Tuy nhiên, không nên cố chịu đựng khi thấy có triệu chứng bất thường của cơ thể bởi vì như đau bụng cũng có hàng chục bệnh cấp tính liên quan cần khám chữa. Vì vậy, người dân vẫn phải lắng nghe cơ thể mình.
Hiện nay, các bệnh viện đều thực hiện phòng, chống dịch bệnh một cách nghiêm ngặt. Bộ Y tế có quy định ngoài cộng đồng có thể đeo khẩu trang vải nhưng vào cơ sở y tế phải đeo khẩu trang y tế, khai báo y tế, sát khuẩn.
Vì vậy, người đến khám bệnh chỉ cần tuân thủ chấp hành, không nên đi lung tung trong bệnh viện như trước, nên đi lại hạn chế theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Thời kỳ đại dịch nên ứng xử hợp lý, không nên quá sợ nhưng cũng không chủ quan và cần đảm bảo tốt việc khám chữa bệnh cho mình.
Khi vào viện mình luôn phải xác định có yếu tố nguy cơ cao nên cần theo hướng dẫn của cơ sở y tế đó. Thực hiện nghiêm 5K đối với chính mình. Các cơ sở y tế, bệnh viện cần tăng cường các quy trình tổ chức hoạt động trong thời gian dịch bệnh phức tạp tránh lây chéo. Cần tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh.
PGS Phu cũng cho rằng người Việt cần nâng cao hiểu biết về virus SARS-COV-2. Virus SARS-COV-2 lây qua đường hô hấp, lây qua các giọt bắn, lây nhiễm trong không khí nên ở trong môi trường kín chúng ta cần hết sức cẩn thận.
Phòng kín kém thông gió virus lơ lửng lâu hơn, nếu một người phát tán virus, virus không bay ra ngoài thì người gần có nguy cơ lây nhiều hơn, vì vậy tốt nhất là nên để nhà cửa thông thoáng, phòng làm việc thông thoáng.
Người dân nên bỏ thói quen ra vào các khu vực công cộng có điều hoà để giảm nguy cơ lây nhiễm.