Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch nguy hiểm diễn ra âm thầm không có triệu chứng cảnh báo trước nhưng lại là một bệnh lý nguy hiểm.
Theo Hiệp hội Tim mạch Việt Nam, huyết áp đạt dưới 120/80mmHg được coi là mức bình thường. Huyết áp luôn ở mức từ 140/90mmHg trở lên thì được xem là tăng huyết áp.
Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, Phó trưởng khoa Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết trên thực tế, rất nhiều trường hợp bạn trẻ mới 24-25 tuổi, sức khoẻ bình thường nhưng đi khám lại phát hiện bị tăng huyết áp.
Ví như trường hợp nam thanh niên 25 tuổi đi khám sức khoẻ định kỳ do cơ quan tổ chức và phát hiện huyết áp tăng. Khi bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân huyết áp cao thì bệnh nhân không tin. Bệnh nhân cho rằng huyết áp tăng là do trước khi đi khám sức khoẻ bệnh nhân có tập thể dục tại nhà. Tuy nhiên, sau khi nghỉ ngơi, đo huyết áp trong tâm trạng thoái mái huyết áp của bệnh nhân vẫn ở mức cao. Lúc này bệnh nhân mới tạm chấp nhận bản thân có vấn đề về huyết áp.
Theo bác sĩ Đào, tuổi càng cao nguy cơ tăng huyết áp sẽ tăng theo. Ngoài ra, thừa cân - béo phì; lối sống (ăn mặn, thiếu vận động thể lực, lạm dụng rượu bia, thuốc lá); tiền sử gia đình cũng là các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp.
Bác sĩ cho biết thêm, hiện nay, người trẻ có nguy cơ mắc tăng huyết áp sớm hơn vì nhiều yếu tố. Trong đó, 2 thói quen là ăn uống không cân đối, ăn thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ và thói quen ít vận động khiến người trẻ thừa cân – béo phì, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh rối loạn chuyển hoá như tăng huyết áp sớm hơn.
Tăng huyết áp nếu không được điều trị có thể gây ra rất nhiều biến chứng khác nhau, thậm chí có thể tàn phế hoặc tử vong.
Đa số các bệnh nhân bị tăng huyết áp thường không có các dấu hiệu cảnh báo trước. Chỉ có một số ít người có một vài triệu chứng cơ năng như: đau đầu, chóng mặt, mặt đỏ bừng, ù tai…
Người trẻ mắc tăng huyết áp cũng cần đi khám thận
BSCKII Lê Quang Hải, Khoa Thận - Tiết niệu - Lọc máu, Bệnh viện Nông Nghiệp cho hay, đối với người trẻ mắc tăng huyết áp cần phải đi kiểm tra chức năng thận, không nên chủ quan. Suy thận có thể gây ảnh hưởng tới huyết áp. Mức độ suy thận càng nặng, huyết áp càng tăng cao.
Bác sĩ Hải đã gặp không ít những trường hợp bệnh nhân trẻ phát hiện tăng huyết áp nhưng chủ quan. Sau đó, một thời gian khi có triệu chứng mệt, ngất và được đưa vào cấp cứu do huyết áp tăng mới biết đã suy thận mạn.
"Tăng huyết áp gây ra suy thận và ngược lại suy thận cũng gây ra tăng huyết áp", bác sĩ Hải nói.
Để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp hiệu quả, mọi người cần thực hiện 4 biện pháp sau:
- Kiểm soát cân nặng: Duy trì cân nặng ở mức hợp lý. Những người béo phì thừa cân thường có nguy cơ mắc tăng huyết áp cao hơn những người có cân nặng bình thường.
- Chế độ ăn uống khoa học: Ăn nhiều rau xanh và trái cây, ngũ cốc thô, ăn cá, sử dụng chất béo không bão hòa từ dầu ôliu, dầu bắp, dầu hướng dương, dầu đậu nành...
Ngoài ra, mọi người cũng cần phải: giảm muối, hạn chế ăn thức ăn xào, chiên, thịt chế biến, thịt đỏ, tránh dùng chất kích thích.
- Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.
- Duy trì nếp sinh hoạt lành mạnh: Ăn đủ bữa, không ăn quá nhiều hay quá muộn. Không thức khuya, đảm bảo ngủ đủ giấc mỗi đêm. Duy trì lối sống lành mạnh, giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo âu hay căng thẳng thần kinh.