Người đàn ông ăn 1 củ tỏi mỗi ngày để "trị bệnh"
Ông Trương Thuần (43 tuổi) là một tài xế taxi ở Trung Quốc. Công việc của ông rất bận rộn nên ông có thói quen ăn uống thất thường. Ông Trương thường xuyên bỏ bữa để chở nhiều khách hơn, điều này khiến ông hay bị đau bụng và khó chịu ở dạ dày.
Tình trạng đau bụng kéo dài không khỏi nên 3 tháng trước, ông Trương đã đến bệnh viện khám sức khỏe. Kết quả khám cho thấy ông Trương bị viêm loét dạ dày, nhiễm khuẩn Helicobacter pylori. Bác sĩ khuyên ông Trương nên điều chỉnh lại thói quen ăn uống và uống thuốc để điều trị bệnh.
Tuy nhiên, ông Trương cho rằng việc uống thuốc điều trị theo giờ rất phiền phức, gây ảnh hưởng tới công việc lái taxi nên ông đã âm thầm bỏ thuốc và tự tìm cách chữa trị tại nhà.
Ông Trương đọc được một bài viết trên mạng xã hội nói rằng tỏi có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm mạnh, có thể phòng ngừa cả ung thư nên ông đã quyết định ăn tỏi hàng ngày để “chữa bệnh dạ dày”. Mỗi ngày ông Trương sẽ ăn 1 củ tỏi sống.
Kết quả tái khám sau 3 tháng gây bất ngờ
Sau khi ăn tỏi ba tháng, ông Trương nhận thấy các triệu chứng đau dạ dày không thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng hơn. Do đó ông đã đến viện tái khám. Kết quả cho thấy tình trạng viêm loét dạ dày của ông đã diễn tiến nghiêm trọng. Ông Trương được chỉ định nhập viện để điều trị.
Kết quả chẩn đoán khiến ông Trương vô cùng sốc, ông nói với bác sĩ: “Tôi cứ nghĩ ăn tỏi giúp chống viêm, có thể giảm tình trạng viêm loét dạ dày. Tại sao bệnh lại tiến triển nặng thêm?”.
Chuyên gia lý giải
Bác sĩ Công Kiến Trang, Phó trưởng Khoa tiêu hóa, bệnh viện Trung ương Trịnh Châu, Trung Quốc giải thích: “Tỏi chỉ là một loại thực phẩm và không có tác dụng chữa bệnh. Việc ăn tỏi không thể giúp loại bỏ vi khuẩn Helicobacter pylori trong cơ thể ông Trương và điều trị bệnh viêm loét dạ dày. Ngoài ra, việc ông Trương tự ý bỏ thuốc và ăn tỏi hàng ngày để ‘chữa bệnh’ cũng đã làm trì hoãn thời gian và hiệu quả điều trị”.
Bác sĩ Công Kiến Trang cho biết, tỏi là một loại gia vị quen thuộc. Tỏi chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là chất chống oxy hóa allicin, fructan, vitamin B1, B2, C,...
Allicin không chỉ tạo ra vị cay nồng độc đáo cho tỏi mà còn có tác dụng kháng khuẩn chống viêm, tăng cường miễn dịch. Theo bác sĩ Công Kiến Trang, hầu hết nghiên cứu về lợi ích của tỏi như giảm cholesterol, hạ đường huyết, chống ung thư đều được thực hiện trong phòng thí nghiệm. Chúng ta vẫn cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu lâm sàng hơn để chứng minh các tác dụng này của allicin trong tỏi.
Ngoài ra, chuyên gia cho biết trong tỏi còn chứa hợp chất có tên fructan – hợp chất gây ra nhiều vấn đề cho đường ruột và dạ dày. Do vậy, ăn quá nhiều tỏi có thể khiến niêm mạc dạ dày bị tổn thương, gây các triệu chứng ợ nóng, đầy hơi, cồn cào.
Với trường hợp của ông Trương, ông vốn đã bị viêm loét dạ dày, cộng thêm việc ông không điều trị bằng thuốc và ăn 1 củ tỏi mỗi ngày nên đã khiến bệnh tình tiến triển nặng thêm.
Thông qua trường hợp của ông Trương, bác sĩ Công Kiến Trang khuyến cáo, để đảm bảo sức khỏe, mọi người không nên sử dụng tỏi thay cho bất kỳ phương pháp chữa bệnh khoa học nào. Bởi tỏi chỉ là một loại thực phẩm thông thường, tác dụng của nó không thần kỳ những thông tin trên mạng xã hội.