Nam sinh gầy gò nhưng vẫn ăn kiêng, tập thể dục 1-2 tiếng/ngày: 'Thủ phạm' là căn bệnh ít người nghe tới

Ngọc Minh |

Các chuyên gia Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết thời gian qua, viện đã tiếp nhận một số trường hợp chán ăn tâm thần phải nhập viện điều trị.

Nam sinh bị ám ảnh bởi hình thể

Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận không ít trường hợp bệnh nhân "gầy như xác ve" vào viện do chán ăn tâm thần. Điển hình là trường hợp bệnh nhân nam 13 tuổi vào viện trong tình trạng mệt mỏi, ăn uống kém, gầy sút cân.

ThS. Bs. Nguyễn Phương Linh, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), cho hay nam sinh là con một trong gia đình, không có tiền sử bệnh lý nội khoa, ngoại khoa. Trước khi mắc bệnh, nam sinh là người có tính cách vui vẻ, hòa đồng với mọi người, có thành tích cao trong học tập, tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi của trường.

Tuy nhiên, cách đây khoảng 1 năm, nam sinh tăng cân nhanh, lên 67kg (chiều cao là 1m56). Trong khi chơi đùa, có lúc nam sinh bị bạn bè trêu là "béo". Dần dần, bệnh nhân trở nên tự ti với mọi người, không muốn chơi với mọi người vì bị trêu chọc.

Để giảm cân, nam sinh đã tự tìm hiểu về các phương pháp giảm cân trên mạng xã hội, tự giảm tất cả lượng thức ăn nạp vào cơ thể, tập thể dục đốt cháy mỡ thừa với cường độ cao (khoảng 1-2 tiếng/ngày).

Nam sinh gầy gò nhưng vẫn ăn kiêng, tập thể dục 1-2 tiếng/ngày: Thủ phạm là căn bệnh ít người nghe tới - Ảnh 1.

Bác sĩ Tùng chia sẻ về chán ăn tâm thần, ảnh Ngọc Minh.

Bố mẹ nam sinh cho hay trong quá trình này, bệnh nhân bước vào giai đoạn dậy thì, chiều cao tăng nhanh chóng, cân nặng cũng giảm đi. Nhưng người bệnh vẫn tiếp tục duy trì việc ăn kiêng và tập luyện như trước. Sau đó, thân hình người bệnh dần trở nên gầy gò, có biểu hiện mệt mỏi, hoạt động chậm chạp hơn trước.

Dù đã "gầy như xác ve" nhưng bệnh nhân vẫn cho rằng tay chân và bụng vẫn còn béo. Do vậy, bệnh nhân tiếp tục ăn kiêng và luyện tập.

Bác sĩ Linh cho biết trước khi vào viện khoảng 2 tháng, nam sinh cao 1m73, nặng 51kg, bố mẹ và mọi người xung quanh đều thấy con có thể trạng gầy, có khuyên nên ngừng việc ăn kiêng và luyện tập thể dục. Nhưng nam sinh lo mình có thể tăng cân bất cứ lúc nào và tiếp tục ăn uống rất ít.

Nam sinh chia sẻ với bác sĩ rằng bản thân luôn cảm thấy lo sợ vì nếu không duy trì chế độ ăn kiêng tập luyện, cân nặng sẽ tăng lên. Khi không tập thể dục, người bệnh có cảm giác đau khổ, bồn chồn, bứt rứt. Bệnh nhân dần trở nên ít nói chuyện với mọi người, giảm hứng thú với các sở thích trước đó.

Bác sĩ Linh cho hay trước khi vào viện 1 tuần, mạch của người bệnh chỉ dao động trong khoảng 36-50 nhịp/phút, cân nặng 49kg, BMI 16,37. Người bệnh được yêu cầu khám thêm chuyên khoa Tâm thần và có chỉ định nhập Viện sức khỏe Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc chán ăn tâm thần.

Dấu hiệu chán ăn tâm thần

Theo thạc sĩ bác sĩ Vũ Sơn Tùng, Viện sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), chán ăn tâm thần là rối loạn ăn uống do hạn chế năng lượng ăn vào so với nhu cầu. Bệnh nhân sẽ có cảm giác sợ hãi về việc tăng cân và hình ảnh cơ thể của mình, luôn cho rằng mình thừa cân trong khi cân nặng hoàn toàn bình thường. Người bệnh chán ăn tâm thần thường đói nhưng lại từ chối thức ăn.

Có 2 loại chán ăn tâm thần:

- Hạn chế ăn uống - người bệnh hạn chế lượng thức ăn nạp vào bằng cách ăn càng ít càng tốt

- Ăn và đào thải - người bệnh ăn thức ăn nhưng sau đó bị nôn hoặc sử dụng thuốc nhuận tràng để tống thức ăn ra ngoài.

Bác sĩ Sơn cho biết chán ăn tâm thần thường bắt đầu ở tuổi vị thành niên, thường là khi bắt đầu dậy thì. 85% bệnh nhân chán ăn tâm thần ở trong độ tuổi từ 13 đến 18 tuổi. Tỉ lệ người mắc bệnh <15 tuổi ngày càng tăng. Tỉ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao gấp 3 lần nam giới (0,9% so với 0,3%), trong cơ sở điều trị lâm sàng, tỉ lệ nữ gấp 10 lần so với nam.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chán ăn tâm thần có thể do di truyền, yếu tố sinh học, yếu tố xã hội và yếu tố tâm lý.

Ngoài ra, "chán ăn tâm thần thường gặp ở những người hoạt động nghệ thuật, người của công chúng sẽ có áp lực phải có hình ảnh cơ thể lý tưởng; người có tiền sử trầm cảm hoặc lo âu; đáp ứng kém với các sang chấn tâm lý; thường xuyên kiềm chế cảm xúc của bản thân", bác sĩ Tùng chia sẻ.

"Điều đáng nói chán ăn tâm lý đang là xu hướng cầu toàn, khi mọi người đều hướng đến cái đẹp. Trong khi đó những người mắc bệnh thường nghiêm trọng quá vấn đề cân nặng của mình".

Bác sĩ Tùng cho biết chán ăn tâm thần có thể gây ảnh hưởng đến đa cơ quan. Người bệnh có thể có các triệu chứng như mệt mỏi; mất ngủ; chóng mặt hoặc ngất xỉu; móng tay đổi màu xanh; tóc mỏng, dễ gãy hoặc rụng; mất kinh hoặc rối loạn kinh nguyệt; không chịu được lạnh; mất nước; răng bị mài mòn và vết chai trên các khớp ngón tay do nôn mửa.

"Nhiều người cho rằng khi mắc bệnh tâm thần phải có những rối loạn hành vi như đập phá, la hét. Nhưng đối với bệnh nhân chán ăn tâm thần không có những hành vi này, mà chủ yếu họ có sự nhận thức "méo mó" về cân nặng của bản thân.

Ngoài các biến chứng về thể chất, những người mắc chứng chán ăn cũng thường mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần khác như trầm cảm, lo âu và các rối loạn cảm xúc khác; rối loạn giấc ngủ; rối loạn nhân cách; lạm dụng rượu và chất gây nghiện; hành vi tự hủy hoại, ý tưởng và hành vi tự sát", bác sĩ Tùng chia sẻ.

Để điều trị bệnh nhân chán ăn tâm thần, bác sĩ có thể kết hợp hóa dược, trị liệu tâm lý, điều trị các biến chứng. Nếu bệnh nhân được phát hiện sớm và chẩn đoán kịp thời thì có thể chỉ cần điều trị ngoại trú.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại