Tiểu Chu (18 tuổi, Nam Kinh, Trung Quốc) sẽ tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay. Do áp lực học tập và sinh hoạt nên từ lâu cậu đã phải dựa vào đồ uống có đường như nước ngọt để giải khát, uống vài chai mỗi ngày. Hai tuần trước khi phát bệnh, Tiểu Chu nhận thấy mình khó thở chỉ sau khi đi được hai bước, rất mệt mỏi và thường cảm thấy khô miệng, uống hơn 5 lít nước mỗi ngày và tần suất đi tiểu ngày càng tăng.
Gia đình cho rằng khoang miệng của Tiểu Chu có vấn đề nên đã đưa cậu đến phòng khám nha khoa để kiểm tra nhưng không phát hiện dấu hiệu bất thường nào. Vì thế, mọi người cho rằng đó chỉ là biểu hiện do áp lực của kỳ thi tuyển sinh đại học khiến cậu quá lo lắng mà thôi.
Cho đến sáng ngày 5/6 vừa qua, trước ngày thi tuyển sinh đại học, bố mẹ Tiểu Chu vô cùng kinh hoàng khi phát hiện cậu bất tỉnh, liền vội vã đưa đến trạm y tế gần nhà. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của tình trạng mà Tiểu Chu gặp phải đã vượt quá phạm khả năng xử lý của trạm y tế. Lượng đường trong máu của cậu cao đến mức ngay cả máy đo đường huyết cũng không thể đo được và cậu cũng có triệu chứng sốc.
Tiểu Chu nhanh chóng được chuyển đến Khoa Cấp cứu của Bệnh viện số 2 Đại học Y Nam Kinh (Trung Quốc). Kết quả xét nghiệm máu cho thấy lượng đường trong máu của cậu cao tới 78 mmol/L, vượt xa mức đường huyết lúc đói bình thường là 3,9 - 6,1 mmol/L. Đồng thời, độ pH trong máu của cậu là 6,9, thấp hơn giá trị bình thường là 7,35 - 7,45, cho thấy Tiểu Chu bị nhiễm toan nặng.
Tiểu Chu cuối cùng được chẩn đoán mắc bệnh nhiễm toan đái tháo đường. Ngoài ra, cậu còn bị tiêu chảy và các triệu chứng nhiễm trùng khác, nguy hiểm đến tính mạng. Bác sĩ Tôn Lập Quần, Trưởng khoa Cấp cứu cho rằng, nếu trường hợp khẩn cấp này không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như ngừng tim.
Sau khi được chăm sóc và điều trị cẩn thận, Tiểu Chu tỉnh dậy sau cơn hôn mê vào ngày thứ 2 sau khi nhập viện và khả năng giao tiếp bình thường vào ngày thứ 5.
Qua quá trình điều trị tích cực, các triệu chứng nhiễm toan ceton của Tiểu Chu đã thuyên giảm hoàn toàn nhưng lượng đường trong máu bất thường do lối sống không lành mạnh lâu dài không thể trở lại như trước được, cậu được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ở thanh thiếu niên ngày càng tăng
Bác sĩ Tôn Lập Quần chỉ ra rằng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ở trẻ vị thành niên đang gia tăng hàng năm, điều này có liên quan mật thiết đến những thay đổi trong lối sống hiện đại. Các yếu tố như thiếu tập thể dục, ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất béo và nhiều đường, áp lực học tập cao và căng thẳng tinh thần lâu dài đều là những nguyên nhân quan trọng gây ra bệnh tiểu đường ở tuổi vị thành niên.
Đặc biệt trong trường hợp này, Tiêu Chu uống đồ uống nhiều đường như nước ngọt thay nước trong thời gian dài, không chỉ khiến tình trạng rối loạn chức năng insulin trở nên trầm trọng hơn mà còn che lấp các triệu chứng hạ đường huyết, gây khó khăn cho việc phát hiện bệnh kịp thời.
Ông nhắc nhở thanh thiếu niên nên duy trì thói quen sinh hoạt tốt, bao gồm chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục vừa phải và nghỉ ngơi đầy đủ. Khi có các triệu chứng điển hình của bệnh tiểu đường như khô miệng, khát nhiều, tiểu nhiều nên đến bệnh viện để khám và điều trị càng sớm càng tốt, tránh bỏ lỡ cơ hội điều trị tốt nhất.
Nguồn và ảnh: QQ, The Healthy