Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh. Nguồn: people.com.cn.
Theo báo cáo của Nhật báo Nhân Dân Trung Quốc ngày 04/02, Anh và Mỹ gần đây đã ký một thỏa thuận để cùng triển khai nhóm tấn công tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh vào mùa xuân năm 2021.
Theo tuyên bố của hai nước, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS The Sullivans (DDG-68) và Phi đội tấn công chiến đấu 211 của Thủy quân lục chiến Mỹ được trang bị máy bay chiến đấu F-35B sẽ tham gia đợt triển khai đầu tiên của HMS Queen Elizabeth.
Đầu tháng 1/2021, Vương quốc Anh thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đã hình thành năng lực tác chiến, ngay sau đó, Anh và Mỹ đã ngay lập tức quyết định triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay này. Điều này cũng chỉ ra rằng, quan hệ quân sự giữa Anh và Mỹ sẽ trở nên gần gũi hơn sau khi Anh chính thức Brexit.
Vì lý do văn hóa và ý thức hệ, Anh từ lâu đã là đối tác quân sự thân thiết nhất của Mỹ. Trong Thế chiến II, Chiến tranh Lạnh, cũng như nhiều cuộc xung đột khu vực kể từ sau Chiến tranh Lạnh, hai nước đã nhiều lần “cùng tiến, cùng lùi”. Với “Brexit” chính thức của Anh, loại hình hợp tác này có xu hướng gia tăng.
Từ quan điểm của Vương quốc Anh, nước này từ lâu đã suy nghĩ về vai trò của mình trên trường quốc tế sau Brexit. Vào ngày 2/10/2016, Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là Theresa May lần đầu tiên đề xuất khái niệm chiến lược “Nước Anh toàn cầu” trong bài phát biểu của mình, bà ủng hộ rằng Vương quốc Anh nên “vượt qua châu Âu” sau Brexit, và đảm nhận một vai trò toàn cầu rộng lớn hơn, để có thể lấy lại bản sắc và ảnh hưởng toàn cầu của Anh.
Tuy nhiên, đối với Vương quốc Anh, quốc gia đã từ lâu đánh mất vinh quang của “đế chế mặt trời không bao giờ lặn”, việc thúc đẩy thực hiện chiến lược “Nước Anh toàn cầu” không chỉ đòi hỏi nguồn tài chính liên tục mà còn cần sự hỗ trợ của Mỹ.
Cách đây không lâu, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã đăng một bài viết trên trang Defense News cho biết: "Vương quốc Anh hiện có khả năng tấn công tàu sân bay thế kỷ 21. Điều này không thể tách rời với sự hỗ trợ và hợp tác vững chắc của Mỹ tại tất cả các cấp trong thập kỷ qua". Anh sẽ tiếp tục là "đồng minh đáng tin cậy nhất, có năng lực và vững chắc nhất" của Mỹ.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth được hạ thủy vào ngày 4/7/2014, chính thức đi vào hoạt động vào ngày 7/12/2017. Đây là tàu chiến lớn nhất trong lịch sử của Hải quân Hoàng gia Anh và là tàu chiến mới của Quân đội Anh. Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ đã và đang hỗ trợ Anh tăng cường khả năng của phi đội máy bay trên tàu sân bay Anh.
Ngày 9/6/2020, 4 máy bay chiến đấu F-35B của Hải quân Hoàng gia Anh và 10 máy bay chiến đấu F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ đã được triển khai trên tàu HMS Queen Elizabeth, đây là quy mô bố trí lực lượng lớn nhất giữa Anh và Mỹ kể từ năm 1983 đến nay.
Đối với Mỹ, sự ủng hộ của Anh cũng là chỗ dựa quan trọng cho việc thúc đẩy quyền bá chủ toàn cầu. Mỹ luôn coi "sức mạnh của quan hệ song phương" và "khả năng tương tác" của Mỹ và Anh là những nguyên tắc chủ yếu trong chiến lược bảo vệ quốc gia của mình.
Trong những năm gần đây, khái niệm "Nước Mỹ trên hết" đã khiến nhiều đồng minh “khốn đốn”, và xu hướng từ bỏ Mỹ ngày càng gia tăng, trong đó châu Âu đã thể hiện rõ xu hướng “thoát Mỹ”. Để duy trì quyền bá chủ toàn cầu và thúc đẩy chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, Mỹ phải dựa vào sức mạnh của Anh.
Việc Mỹ và Anh triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth là xu hướng rõ ràng và sẽ ngày càng gia tăng trong thời gian tới. Theo tờ The Sun, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ được triển khai lần đầu tiên đến biển Đông - một phần của sứ mệnh quốc tế trước yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển này.
Trước việc tàu sân bay HMS Queen Elizabeth được triển khai tới biển Đông, Trung Quốc cũng đã cảnh báo điều mà họ gọi là "thách thức chủ quyền" của Anh hoặc Mỹ, đồng thời coi đó là "hành động thù địch" và các lực lượng vũ trang Trung Quốc sẵn sàng "hành động bất cứ lúc nào" một khi xảy ra căng thẳng.
Tàu sân bay thế hệ mới HMS Queen Elizabeth trị giá 3,1 tỉ bảng Anh (khoảng 3,9 tỉ USD), đây là tàu sân bay hiện đại nhất của Anh. Con tàu được đóng với tham vọng đưa Hải quân Hoàng gia Anh trở lại thời hoàng kim. Tàu sân bay Queen Elizabeth có chiều dài 284 m, rộng lớn nhất 73 m, mớn nước 11 m, lượng choán nước toàn tải 70.600 tấn.
Tàu được trang bị 2 động cơ tuabin khí và 2 động cơ diesel với tổng công suất 61.687 mã lực, tốc độ tối đa 29 hải lý/giờ, dự trữ hành trình 10.000 hải lý. Cảm biến chính của tàu là radar quét mạng pha điện tử thụ động S1850M có khả năng theo dõi 1.000 mục tiêu ở cự ly 400 km, radar giám sát không phận Type-997 Artisan có khả năng theo dõi 900 mục tiêu ở cự ly 200 km.
HMS Queen Elizabeth có thể mang theo 40 máy bay các loại, gồm tối đa có 36 tiêm kích tàng hình F-35. Cấu hình triển khai trong thời bình, tàu sẽ mang theo 12 chiếc F-35B, 24 chiếc với cấu hình chiến đấu tiêu chuẩn cùng một số trực thăng.