Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh. Ảnh: PA
Quan ngại về tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông
Thông báo này được đưa ra trong cuộc đối thoại an ninh 2+2 đầu tiên kể từ tháng 12/2017, diễn ra theo hình thức trực tuyến, với sự tham dự của Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cùng 2 người đồng cấp Anh gồm Ngoại trưởng Dominic Raab và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace.
"Bốn bộ trưởng nhất trí cho rằng Nhật Bản và Anh là những đối tác an ninh thân thiết nhất của nhau ở châu Á và châu Âu, cùng chia sẻ những giá trị và lợi ích chiến lược chung", phía Anh cho biết trong một thông báo.
Cuộc đối thoại diễn ra trong bối cảnh Anh đang tìm cách tăng cường kết nối với châu Á sau khi chính thức rời Liên minh châu Âu vào tháng 1/2021. Đối với Nhật Bản, đây là cơ hội để thu hút sự chú ý của châu Âu trước những lo ngại liên quan đến quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư giữa nước này với Trung Quốc và vấn đề Đài Loan, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục tăng cường sự hiện diện trong khu vực.
Phía Nhật Bản hoan nghênh quyết định của Anh triển khai nhóm tác chiến tàu sâu bay HMS Queen Elizabeth tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào đầu mùa xuân năm nay và cho rằng điều này là dấu hiệu cho thấy cam kết lớn hơn của Anh đối với khu vực.
“Chúng tôi sẽ nâng sự hợp tác an ninh, quốc phòng giữa Nhật Bản và Anh lên một tầm cao mới”, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallac khẳng định: “Việc triển khai có ý nghĩa quan trọng nhất của Hải quân Hoàng gia Anh trong 1 thế hệ, cho thấy cam kết của Anh về thúc đẩy hợp tác với các đối tác trong khu vực nhằm duy trì hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ và thúc đẩy an ninh, thịnh vượng chung”.
Hai bên cũng phản đối các nỗ lực đa phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời bày tỏ lo ngại về luật Hải cảnh của Trung Quốc vốn cho phép lực lượng hải cảnh nước này sử dụng vũ lực trong trường hợp cần thiết.
Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc hội đàm nêu rõ: “Bốn bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông đồng thời kêu gọi tất cả các bên thực hiện tự kiềm chế và dừng những hành động có thể làm gia tăng căng thẳng".
Tính toán chiến lược của mỗi bên
Nhật Bản và Anh đã xây dựng được một mối quan hệ hợp tác ngày càng sâu rộng hơn thông qua các cuộc tập trận chung và thu thập, chia sẻ thông tin. Hai bên cũng đang nghiên cứu về các máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo, có thể sử dụng công nghệ mới mà cả hai nước cùng phát triển.
Kể từ khi rời Liên minh châu Âu, Anh đã tăng cường kết nối với châu Á để duy trì và gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế. London đã nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương – một hiệp định thương mại giữa 11 nước có tên gọi tắt là TPP-11.
Các động thái mới nhất của Anh, trong đó có việc triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay, một phần được thúc đẩy bởi những mối lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực. Quan hệ giữa Anh và Trung Quốc đã trở nên xấu đi trong thời gian gần đây, sau những cáo buộc Trung Quốc mắc sai lầm trong ứng phó dịch bệnh Covid-19 ở giai đoạn đầu và mạnh tay xử lý vấn đề Hong Kong.
Các bộ trưởng Anh đã tái khẳng định cam kết lâu dài của nước này trong việc hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản để duy trì an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thông cáo báo chí cho biết.
Như một phần của nỗ lực này, Nhật Bản và Anh đã nhất trí tiến hành các cuộc tập trận chung trong thời gian nhóm tấn công tàu sân bay của Anh hiện diện tại châu Á. Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản dự kiến tham gia các cuộc tập trận. Các máy bay chiến đấu F-35B của lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ tháp tùng tàu sân bay HMS Queen Elizabeth trong quá trình triển khai.
Nhật Bản hy vọng cuộc đối thoại 2+2 này sẽ thu hút hơn nữa mối quan tâm của Anh đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và Đài Loan. Tokyo luôn cho rằng, đối với London, những khu vực này có mức độ ưu tiên thấp hơn so với vấn đề Hong Kong và Biển Đông, nơi có các thuộc địa cũ của Anh.
Thông điệp cứng rắn gửi tới Trung Quốc
Theo giới quan sát, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng cường các hoạt động xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trong năm nay. Trước đó vào năm 2020, Lực lượng tuần duyên Nhật Bản đã phát hiện tàu hải cảnh của Trung Quốc đi vào vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư tổng cộng tới 333 ngày, một con số kỷ lục.
Nhật Bản đang tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ và châu Âu liên quan đến vấn đề đảo tranh chấp, lo ngại rằng các cuộc đối thoại song phương với Trung Quốc sẽ không đủ để giúp giải quyết vấn đề. Hơn nữa, điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản nêu rõ Tokyo không được phát động chiến tranh, đe dọa sử dụng hoặc dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế.
Nhật Bản hy vọng rằng, sự quan tâm lớn hơn của Mỹ và châu Âu tại châu Á sẽ giúp ngăn chặn các hành vi khiêu khích của Trung Quốc.
Michito Tsuruoka, chuyên gia tại trường Đại học University nhận định: "Việc Anh triển khai nhóm tấn công tàu sân bay sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ hơn tới Trung Quốc về mặt chính trị và quân sự”. Ông Michito Tsuruoka lưu ý: “Nhật Bản hiện đang ở trong tình thế chống lại sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc. Quyết tâm của nước đang bị thách thức”.
Một số ý kiến cho rằng, ngoài việc thúc đẩy quan hệ song phương, Nhật Bản và Anh có thể tăng cường hợp tác thông qua các khuôn khổ đa phương.
Một số phương tiện truyền thông của Anh thời gian gần đây cho biết, Anh có thể tham gia “Đối thoại an ninh Tứ giác” – một diễn đàn chiến lược giữa Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ngoài ra, một số nhân vật tại Anh cũng muốn Nhật Bản gia nhập nhóm Liên minh tình báo Five Eyes gồm Anh, Mỹ, Australia, New Zealand và Canada.
Không chỉ riêng Anh, nhiều nước châu Âu khác như Đức và Pháp cũng đang đối phó với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Đức đang xem xét điều tàu khu trục đến Nhật Bản, trong khi Pháp đã tích cực triển khai các tàu hải quân tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.