Trang tin Sina Trung Quốc ngày 2/11 cho rằng trong thời gian tới biên đội tàu chiến Trung Quốc ra vào chuỗi đảo thứ nhất, nhất là khi đi qua eo biển Miyako để vươn ra vùng biển quan trọng Tây Thái Bình Dương thì phải hết sức cảnh giác. Bởi vì, căn cứ Kadena của quân đội Mỹ tại Okinawa đã triển khai máy bay chiến đấu tàng hình F-35A.
Ngày 30/10, 2 máy bay chiến đấu F-35A của không quân Mỹ đã bay đến căn cứ Kadena. Đây là lần đầu tiên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ triển khai máy bay F-35A ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trước đó, không quân Mỹ tuyên bố, để ứng phó tình hình căng thẳng bán đảo, sẽ điều 12 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 mới nhất và 300 binh sĩ triển khai luân phiên đến căn cứ Kadena trong vòng 6 tháng, bắt đầu từ tháng 11/2017.
Mỹ nói ứng phó với tình hình bán đảo Triều Tiên, nhưng lại triển khai máy bay chiến đấu F-35A ở Okinawa, khu vực cách xa bán đảo và ngay bên bờ biển Hoa Đông. Mặc dù đó là căn cứ lớn nhất của không quân Mỹ tại khu vực Viễn Đông, nhưng ưu thế về địa lý lại làm cho căn cứ này phần nhiều là “lô cốt” quân sự trông giữ chuỗi đảo, đối phó Trung Quốc.
Bất kể hải quân hay không quân Trung Quốc đều muốn vượt qua vùng trời duyên hải tồn tại “lô cốt” này trong hầu hết mọi thời điểm để vươn tới các vùng biển xa như Tây Thái Bình Dương. Việc không quân Mỹ lần đầu tiên triển khai máy bay chiến đấu F-35A ở châu Á - Thái Bình Dương như vậy rõ ràng sẽ gây “cảnh giác cao”.
Những năm gần đây, biên đội tàu chiến hải quân Trung Quốc từ eo biển Miyako vươn ra Tây Thái Bình Dương với tần suất ngày càng cao, mô hình chính của biên đội này gồm 2 tàu khu trục/hộ vệ và 1 tàu tiếp tế tổng hợp. Mỗi lần biên đội đi qua eo biển Miyako hầu như đều trở thành trọng điểm theo dõi của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Máy bay chiến đấu F-35A được trung chuyển qua căn cứ không quân Hickam, Hawaii, chuẩn bị đến Okinawa. Ảnh: Sina.
Thông thường, phía Nhật Bản sẽ điều các máy bay tuần tra săn ngầm P-3C và P-1 tiến hành do thám. Những máy bay này có kích cỡ lớn, tốc độ khá chậm, chúng thường bị radar của biên đội tàu chiến Trung Quốc sớm phát hiện trong quá trình triển khai hành động.
Đối với vấn đề này, biên đội tàu chiến hải quân Trung Quốc thường khởi động radar trên tàu chiến để “quét”, nắm các động thái của máy bay Nhật theo thời gian thực, khi cần thiết sẽ khởi động radar điều khiển hỏa lực đối không để quét, chiếu và khóa.
Mức độ nghiêm trọng của phản ứng tùy thuộc vào khoảng cách giữa máy bay Nhật Bản và biên đội Trung Quốc cũng như các động thái chiến thuật của đối phương. Riêng việc theo dõi, ngăn chặn những máy bay tuần tra trên biển cỡ lớn này của Mỹ và Nhật Bản, các tàu khu trục và tàu hộ vệ chủ lực hiện có của hải quân Trung Quốc triển khai tương đối dễ dàng.
Đây chỉ là thông tin được tiết lộ qua kênh công khai. Thi thoảng, cơ quan quốc phòng của Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản cũng sẽ công bố một số sự kiện “đụng mặt” tương đối nghiêm trọng.
Chẳng hạn đối đầu giữa máy bay chiến đấu của hai bên, máy bay chiến đấu Mỹ và Nhật Bản gây phiền phức cho tàu chiến Trung Quốc. Trong trường hợp này, cấp độ sẵn sàng chiến đấu của tàu chiến Trung Quốc sẽ tăng mạnh, nhưng do đối mặt đều là máy bay chiến đấu không tàng hình, vì vậy độ khó ứng phó cũng sẽ không quá lớn.
Radar mảng pha quét điện tử chủ động 346 (A) của các tàu khu trục tên lửa Type 052D, Type 052C có khoảng cách cảnh giới, cảnh báo đối với các mục tiêu trên không có kích cỡ như máy bay chiến đấu F-15 là trên 300 km, cơ bản có thể dò tìm được các mục tiêu máy bay không tàng hình ở xung quanh chuỗi đảo thứ nhất khi trên đường đi giữa quân cảng và eo biển Miyako.
Radar cảnh giới đối không chính của tàu hộ vệ Type 054A là radar tìm kiếm mục tiêu 3D Type 382 có khoảng cách dò tìm đối không trên 250 km, không kém nhiều lắm so với radar của các tàu Type 052D và 052C.
Tàu khu trục tên lửa Côn Minh Type 052D, Hạm đội Nam Hải, hải quân Trung Quốc. Ảnh: Cankao.
Vì vậy, tính đến nay, do máy bay quân sự Mỹ, Nhật triển khai ở chuỗi đảo thứ nhất đều là máy bay chiến đấu, máy bay tuần tra săn ngầm thế hệ thứ ba không tàng hình.
Biên đội tàu chiến vượt qua chuỗi đảo của hải quân Trung Quốc không nhất định do tàu khu trục chủ lực dẫn đầu, tàu hộ vệ Type 054A thường sẽ trở thành tàu chỉ huy biên đội, bởi vì khả năng cảnh báo sớm tầm xa không đối hải của nó đã đủ làm được nhiệm vụ nặng nề.
Do đó, biên đội 2 tàu hộ vệ Type 054A và 1 tàu tiếp tế tổng hợp xuất hiện càng thường xuyên hơn so với biên đội có sự tham gia của các tàu khu trục như Type 052D. Dù sao, hiện nay, hải quân Trung Quốc đã tiếp nhận 25 tàu hộ vệ Type 054A, nhưng chỉ có 6 tàu khu trục Type 052C và 6 tàu khu trục Type 052D.
Sau khi máy bay chiến đấu tàng hình F-35A quân đội Mỹ triển khai lâu dài ở căn cứ Kadena, một cứ điểm tấn công ở chuỗi đảo, biên đội tàu chiến như vậy của hải quân Trung Quốc đối mặt với thử thách chưa từng có khi ra vào eo biển Miyako.
Bởi vì, tàu hộ vệ Type 054A không được trang bị radar sóng ngắn chuyên để dò tìm các mục tiêu tàng hình trên không như các tàu khu trục Type 052C/D.
Trong một khoảng thời gian, radar sóng ngắn luôn là tiêu chuẩn của tàu khu trục hải quân Trung Quốc. Bất kể là radar mảng pha Type 346 (A) hay radar 3D Type 382 đều không có ưu thế so trong việc tìm kiếm các mục tiêu tàng hình.
Hiện nay, cách thức thường xuyên dùng trong việc dò tìm các mục tiêu tàng hình là sử dụng radar sóng ngắn, radar sóng mm hoặc radar MSRS. Do các mục tiêu tàng hình có đặc điểm là bị giảm hiệu quả tàng hình trong một số băng tần và góc ngắm, do đó radar có thể tăng khoảng cách dò tìm chúng.
Mặc dù radar sóng ngắn có ăng ten khổng lồ, bán kính xoay dễ che mất tầm bắn của vũ khí trên tàu, làm cho tầm bắn hiệu quả giảm đi, nhưng hải quân Trung Quốc (rất coi trọng chống tàng hình) vẫn kiên trì lắp radar sóng ngắn cảnh giới đối không Type 517 trên các tàu khu trục tiên tiến như “Aegis Trung Hoa”.
Tàu khu trục Lan Châu Type 052C, Hạm đội Nam Hải, hải quân Trung Quốc. Ảnh: Sina.
Khoảng cách phát hiện mục tiêu lớn nhất của radar Type 517 trên 300 km, bao quát phạm vi 360 độ, có khả năng gây nhiễu, phân tích và tự thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của tần số.
Nhưng, đối với các mục tiêu tàng hình, radar Type 517 chỉ có thể thiên về cảnh giới phòng không, không thể dùng để dẫn đường vũ khí, không thể cung cấp theo dõi chất lượng cao đối với máy bay chiến đấu tàng hình, khó có thể trở thành radar chủ yếu trong chống máy bay chiến đấu tàng hình.
Vì vậy, khi gặp máy bay chiến đấu tàng hình F-35A, các tàu khu trục Type 052C/D cũng chỉ có thể “biết” được là nó đến, nhưng không thể theo dõi chính xác quỹ đạo bay của nó, càng không thể nói đến dẫn đường cho vũ khí phòng không ngắm chuẩn, đề phòng.
Trong khi đó, tàu hộ vệ Type 054A không trang bị radar sóng ngắn Type 517, trừ phi trong phạm vi dò tìm của radar cảnh giới cỡ lớn bờ biển của hải quân, nhận được sự chi viện tình báo của thiết bị trinh sát trên không, mặt đất, nếu không thì bản thân radar trên tàu Type 054A không thể phát hiện được máy bay chiến đấu F-35A.
Vì vậy, Sina cho rằng trước thực tế các máy bay chiến đấu tàng hình F-35A/B can thiệp toàn diện vào tình hình an ninh Đông Á, Đông Bắc Á, hải quân Trung Quốc phải đặc biệt thận trọng khi triển khai các hoạt động trên biển xa trong tương lai. Các tàu khu trục có lắp radar sóng ngắn phải đảm nhiệm chức trách chống máy bay tàng hình.
Các tàu khu trục, tàu hộ vệ phải thông qua trạm thông tin vệ tinh trên tàu, hệ thống thông tin chiến thuật các cấp, kết hợp kịp thời và toàn diện các thông tin, dữ liệu từ các phương tiện trinh sát khác nhau như vệ tinh, radar trên bờ, máy bay cảnh báo sớm, sử dụng sức mạnh hệ thống để chống lại mục tiêu máy bay chiến đấu tàng hình.
Tàu hộ vệ tên lửa Hàm Đan Type 054A, Hạm đội Bắc Hải, hải quân Trung Quốc. Ảnh: Huanqiu.
Điều này có nghĩa là hải quân Trung Quốc hoàn toàn không phải “bó tay” trước máy bay chiến đấu tàng hình, nhưng máy bay chiến đấu tàng hình được triển khai ở “cửa nhà” thì thực sự đã đặt ra yêu cầu cao hơn đối với huấn luyện, tác chiến của hải quân Trung Quốc, đòi hỏi tiến hành xây dựng trang bị và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu cần sát hơn với thực tế chiến đấu.