Hình ảnh hiếm: Hải quân Mỹ cất trữ bom đạn trên tàu tấn công đổ bộ như thế nào?

QS |

Nếu các loại bom đạn trên tàu sân bay hoặc tàu tấn công đổ bộ bất ngờ trục trặc, hậu quả mà chúng mang lại có thể rất khủng khiếp.

Ai cũng biết, phương tiện tấn công chủ lực của tàu sân bay hoặc tàu tấn công đổ bộ boong lớn là các máy bay trên tàu. Nhưng những chiếc máy bay này lại phải thả bom (hoặc bắn tên lửa) vào các mục tiêu trên bộ. Chúng cũng cần có vũ khí để tấn công máy bay (hoặc tên lửa) của đối phương.

Hình ảnh hiếm: Hải quân Mỹ cất trữ bom đạn trên tàu tấn công đổ bộ như thế nào? - Ảnh 1.

Bom GBU-38 được đưa lên boong tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71). Ảnh: Hải quân Mỹ

(We are the Mighty là một trang web chuyên về thông tin giải trí và đời sống của cộng đồng quân đội Mỹ. Facebook của trang này hiện có gần 1,3 triệu lượt like).

Theo trang mạng We are the Mighty, các loại bom đạn dùng cho máy bay chiến đấu trên hạm cần được cất trữ, bảo quản an toàn, bởi nếu chúng bất ngờ trục trặc thì tình huống có thể trở nên rất hỗn loạn, giống như vụ hỏa hoạn khủng khiếp từng xảy ra trên tàu sân bay USS Forrestal (CV-59) năm 1967.

Theo điều tra của Hải quân Mỹ, động cơ của quả rocket Zuni 127 mm treo dưới cánh một chiếc F-4 trên tàu đã bất ngờ kích hoạt, khiến quả rocket lao thẳng vào thùng nhiên liệu của cường kích A-4 gần đó rồi phát nổ. Nhiên liệu cháy lan ra khắp sàn tàu, tới các máy bay đang chuẩn bị cất cánh, kích nổ hàng loạt bom đạn và tên lửa mà chúng mang theo.

Hình ảnh hiếm: Hải quân Mỹ cất trữ bom đạn trên tàu tấn công đổ bộ như thế nào? - Ảnh 3.

Đám cháy nổ dữ dội trên tàu Forrestal kéo dài 13 giờ đã làm 134 lính Mỹ thiệt mạng, 161 lính khác bị thương. Ảnh: Corbis.

Thậm chí có những vụ việc còn thảm khốc hơn tai nạn của tàu Forrestal. Khi tàu sân bay USS Liscome Bay (CVE 56) bị tấn công ngoài khơi đảo Makin năm 1943, đạn dược trên tàu đã phát nổ, nhấn chìm con tàu trong vòng 23 phút, khiến 644 thủy thủ thiệt mạng.

3 tàu sân bay Nhật bị đánh chìm tại Midway - Akagi, Kaga và Soryu - đều là do trúng phải những quả bom rơi từ chính các máy bay của quân Nhật, sau khi chúng bị quân Mỹ bắn trúng.

Thế chiến II đã cho Hải quân Mỹ đúc rút được nhiều bài học quý giá. Ngày nay, đạn dược được cất giữ trong kho chứa phía sâu bên trong tàu sân bay hoặc tàu tấn công đổ bộ. Khi cần thiết, chúng sẽ được chuyển lên boong tàu bằng hệ thống thang máy đặc biệt, sau đó được đưa lên các máy bay trên tàu.

Người ta thường mô tả tàu sân bay (cũng như tàu tấn công đổ bộ) là một sân bay đặt trên một thành phố nổi. Tuy nhiên, theo We are the Mighty, điều này không hẳn đúng. Thực tế, chúng là sân bay trên các căn cứ tiền tuyến nổi và chúng di động.

Để cho thấy rõ hơn hoạt động cất trữ, vận chuyển đạn dược trên tàu sân bay/tàu đổ bộ, We are the Mighty đã dẫn lại video dưới đây, trong đó ghi hình một vài hoạt động trong kho chứa vũ khí trên tàu tấn công đổ bộ USS Essex (LHD 2), lớp Wasp của Hải quân Mỹ.

Theo Ultimate Military Channel - nguồn đăng tải video này trên You Tube - thì đây là những hình ảnh "hiếm thấy".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại