Mỹ tuyên bố “không loại trừ hành động quân sự nhằm vào Syria”
Trước thềm cuộc gặp gỡ tại Lầu Năm Góc với Quốc vương của Qatar vào ngày 09/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết, Hoa Kỳ sẽ không loại trừ khả năng tung ra hành động quân sự trực tiếp chống lại chính quyền của ông Bashar al-Assad ở Syria.
Ông Mattis cho biết, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tham vấn với các đồng minh ở châu Âu, Trung Đông và một số quốc gia khác về những kịch bản tấn công quân sự vào Syria, liên quan đến cái gọi là “chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học chống dân thường” ở thị trấn Douma-Đông Ghouta.
"Điều đầu tiên chúng ta phải xem xét là tại sao vũ khí hoá học vẫn đang được sử dụng, trong khi Nga là quốc gia bảo đảm cho việc loại bỏ tất cả vũ khí hoá học của Syria. Vì thế, Mỹ đang làm việc với các đồng minh và đối tác của mình, từ NATO tới Qatar để giải quyết vấn đề này" - ông chủ Lầu Năm Góc nói.
Vào ngày 7-4, các nguồn tin đối lập đã cáo buộc các lực lượng quân đội Syria (SAA) tiến hành một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở thị trấn Douma, thuộc vùng Đông Ghouta, ngoại ô Damascus.
Ngay sau đó, giới truyền thông và các tổ chức nhân đạo phương Tây, ví dụ như nhóm cứu hộ “Mũ trắng” (White Helmets) đã loan tin là quân chính phủ Syria đã sử dụng chất cấm là khí Clo, khiến cho số lượng người bị thiệt mạng đã tăng lên con số khủng khiếp, từ 50-70 người.
Vào ngày 8-4, mặc dù thiếu các bằng chứng xác thực đằng sau các báo cáo này, Tổng thống Donald Trump đã đe dọa chính quyền Damascus và hai nước đồng minh thân cận của Syria là Nga và Iran, sẽ phải gánh chịu "một cái giá phải trả rất đắt".
Ngay sau khi Mỹ tuyên bố để ngỏ khả năng tấn công Syria, Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định sự ủng hộ quyết định của Mỹ khi lớn tiếng cảnh báo rằng, Tổng thống Assad và các bên hậu thuẫn (trong đó có Nga), “sẽ phải chịu trách nhiệm” nếu đúng là họ đã tấn công bằng khí độc vào thị trấn Douma do phiến quân đối lập kiểm soát.
Bất chấp những lời kêu gọi kiềm chế và phối hợp điều tra chung của Nga, những cáo buộc vô căn cứ của Mỹ và các đồng minh vẫn tiếp tục vang lên, mặc dù họ không hề đưa ra được bất cứ bằng chứng nào xác thực về vụ tấn công hóa học của Quân đội Syria.
Không tìm thấy vũ khí hóa học ở Douma
Sự việc đã trở nên nghiêm trọng hơn khi vào rạng sáng 9-4, hai chiếc máy bay tiêm kích hạng nặng F-15I của Lực lượng Không quân Israel (IAF) đã tiến hành cuộc tấn công bằng 8 tên lửa hành trình vào sân bay quân sự T4 (tức Căn cứ không quân Tiyas - Tiyas Air Base) ở phía Nam tỉnh Homs của Syria.
Mỹ và đồng minh đã chuyển từ lời nói sang hành động. Việc không quân Israel không kích vào sâu trong lãnh thổ Syria đã làm dấy lên những lo ngại của cộng đồng quốc tế về khả năng Mỹ sẽ tiếp tục có những hành động quân sự mạnh mẽ hơn đối với chính quyền Damascus. Nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk đang treo lơ lửng trên đầu ông Assad.
Nga và Syria đã cực lực bác bỏ cáo buộc tấn công hóa học ở Douma. Moscow mô tả vụ việc như một sự khiêu khích rõ ràng, trong bối cảnh quân chính phủ đang sắp giải phóng hoàn toàn vùng Đông Ghouta, quét sạch các nhóm phiến quân đối lập và khủng bố khỏi cửa ngõ thủ đô Damascus.
Ngày 9-4, giới chức lãnh đạo Nga tuyên bố rằng, các chuyên gia vũ khí hóa học của nước này, phối hợp “Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Syria”, vốn rất có uy tín trong các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, đã đến địa điểm cáo buộc xảy ra cuộc tấn công hóa học ở vùng Đông Ghouta để mở cuộc điều tra.
Thế nhưng, các chuyên gia quân sự Nga và các chuyên gia của “Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Syria” đã không tìm thấy bất cứ dấu vết sử dụng khí độc Clo hay một loại vũ khí hóa học nào khác ở Douma - Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố hôm 9-4.
Giới lãnh đạo Nga tuyên bố, đây là một “âm mưu bẩn thỉu” của phương Tây nhằm vào Nga và chính quyền Assad, ngụy tạo vụ việc này để lấy cớ tấn công chính quyền Damascus, giải cứu các nhóm phiến quân đối lập khỏi sự truy quét của Quân đội Syria.
Các nhà phân tích chính trị và giới chuyên gia cũng đồng tình với Nga và Syria và khẳng định rằng, chính quyền của ông Bashar al-Assad không có bất cứ động cơ nào trong vụ “tấn công vũ khí hóa học đáng ngờ” ở Douma-Đông Ghouta, đồng thời chỉ ra những điểm nghi vấn trong cáo buộc của Mỹ và đồng minh.
Những nghi vấn lớn trong cáo buộc của phương Tây
Thứ nhất là: Syria đã tiêu hủy hết vũ khí hóa học. Chính quyền của ông Bashar al-Assad đã nhiều lần tuyên bố, Syria không còn vũ khí hóa học, bởi quá trình phá hủy toàn bộ kho vũ khí giết người này của Syria đã được trực tiếp thực hiện và giám sát bởi các tổ chức quốc tế có uy tín, dưới con mắt dò xét hết sức kỹ lưỡng của Mỹ và NATO.
Trẻ em thoải mái chơi đùa trong khu nhà đổ nát ở Douma, Đông Ghouta, Syria
Điều này đã được không chỉ được Nga công nhận, mà cả tổ chức quốc tế OPCW (tên viết tắt của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học, tiếng Anh: Organisation for the Prohibition of Chemical Weapons), cũng đã xác nhận.
Để giúp Syria tránh khỏi nguy cơ bị Mỹ và NATO tấn công bằng tên lửa hành trình vào tháng 8/2013; Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra sáng kiến “đổi vũ khí lấy hòa bình" và chính quyền của ông Assad đã cho các chuyên gia phương Tây vào thanh sát kho vũ khí hóa học của mình.
Việc vận chuyển các vũ khí hóa học ra nước ngoài được chuyên chở bằng chính các chiến hạm của Mỹ và NATO, nằm dưới sự giám sát của các chuyên gia của OPCW. Việc tiêu hủy chúng cũng hoàn toàn do các chuyên gia nước ngoài đảm nhận.
Vậy Syria lấy đâu ra vũ khí hóa học để sử dụng?
Thứ hai là: Chính phủ Syria không có động cơ sử dụng vũ khí hóa học ở Douma. Hiện nay, Quân chính phủ Syria đã gần như giải phóng hoàn toàn khu vực Đông Ghouta, chỉ còn mỗi thị trấn Douma đang nằm trọn trong vòng vây của SAA và các đồng minh.
Giới chuyên gia nhận định rằng, với ưu thế tuyệt đối về không quân và pháo binh, Syria chỉ cần huy động một lực lượng không lớn là có thể đánh bại nhóm phiến quân đối lập “Jaish al-Islam”, chỉ có vẻn vẹn khoảng 1000 tay súng với vũ khí nghèo nàn, đang kiểm soát thị trấn Douma.
Thậ khó tin là trong những thời khắc khó khăn nhất, khi chỉ còn kiểm soát được 30% lãnh thổ, chính quyền Syria vẫn không sử dụng đến vũ khí hóa học; mà hiện nay, khi đã giải phóng được phần lớn đất nước, ông Assad lại sử dụng đến khí độc Clo hay Sarin.
Nga tuyên bố rằng, chỉ có “những người thiểu năng trí tuệ” mới nghĩ rằng, trong bối cảnh phải hết sức đề phòng những âm mưu “đổ vấy, vu vạ hoặc thậm chí là ngụy tạo bằng chứng của phương Tây”, SAA lại sử dụng loại vũ khí giết người hàng loạt này, để Mỹ và đồng minh có cớ tấn công mình.
Thứ ba là: Mỹ và đồng minh mới có động cơ trong vụ việc này. Theo giới quan sát, chính Mỹ và đồng minh mới có những “động cơ ám muội” trong sự kiện này.
Việc một vùng rộng lớn ngay sát thủ đô Damascus nằm trong tay các nhóm đối lập là thắng lợi mang tính chất biểu tượng rất lớn đối với những lực lượng do Mỹ hậu thuẫn.
Mỹ dựng lên vở kịch "tấn công vũ khí hóa học ở Douma" nhằm lấy cớ tấn công Quân đội Syria, bảo vệ các nhóm đối lập được họ hậu thuẫn?
Do đó, cũng giống như thành phố Raqqa được coi là ‘Thủ phủ không chính thức’ của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) trước đây, Đông Ghouta được các nhóm vũ trang chống chính phủ Syria coi là ‘Thủ đô không chính thức’ của phe đối lập.
Chiến sự ở Đông Ghouta sát thủ đô Damascus là hình ảnh tiêu biểu của cái gọi là “cuộc nổi dậy của người Syria chống chính quyền Assad”, trong con mắt cộng đồng quốc tế. Nếu Syria chiếm nốt Douma, chiến sự sẽ chấm dứt ở khu vực thủ đô Syria, các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn sẽ không còn nắm giữ bất cứ khu vực nào ở trung tâm hay vùng duyên hải trù phú phía Tây Syria, phong trào phản kháng của lực lượng ‘đối lập ôn hòa’ Syria coi như đã tàn lụi.
Do đó, Mỹ phải tìm mọi cách để cứu các nhóm phiến quân này, trong đó, con bài hợp lý nhất là dựng lên kịch bản vu cáo chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học.
Lời kết: Hy vọng Syria sẽ không chịu kết cục như Iraq
Nga đã từng nhiều lần bày tỏ thái độ lo ngại về việc, cứ mỗi khi quân chính phủ Syria giành được những thắng lợi quan trọng là phương Tây sẽ tìm mọi cách để ngụy tạo bằng chứng quân chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học để tấn công chính quyền của ông Assad.
Những cáo buộc vô căn cứ của Mỹ và đồng minh, những kết luận không minh bạch của các tổ chức do phương Tây điều khiển, rất có thể sẽ dẫn tới sự kiện tương tự đã rất nổi tiếng về “ống bột giặt Iraq”, gây ra cái chết của cố Tổng thống Saddam Hussein.
15 năm trước đây, Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell đã trưng ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc một ống nghiệm chứa chất bột màu trắng mà ông quả quyết là “chất độc hóa học của chính quyền Hussein”, để lấy cớ tấn công Iraq, xé nát đất nước này.
Thế nhưng, sau đó Mỹ, Anh và Liên Hiệp Quốc đã phải công nhận rằng, chính quyền Hussein không sản xuất bất cứ loại vũ khí giết người hàng loạt nào. Câu chuyện chiếc ống nghiệm màu trắng của ông Powell sau này đã trở thành giai thoại về “ống bột giặt kiểu Mỹ”.
Hy vọng là với sự giúp đỡ của Nga và sự tỉnh táo của cộng đồng quốc tế, Syria sẽ thoát khỏi đòn thù của các thế lực đối địch, giải phóng đất nước khỏi tay các tổ chức khủng bố và đạt được một giải pháp chính trị, kết thúc cuộc chiến kéo dài 7 năm đã phá nát đất nước này.
http://anninhthudo.vn/quan-su/my-to-syria-dung-vu-khi-hoa-hoc-nho-chuyen-ong-bot-giat-iraq/763674.antd