Nghi vấn tên lửa "sát thủ" đời mới Israel lần đầu tham chiến nhưng PK Syria dễ dàng bắn hạ?

Tuấn Trung |

Trong trận tập kích bất ngờ vào sân bay quân sự T4, đã có ít nhất 5 trong 8 tên lửa hành trình bị bắn rơi, là hiệu suất chiến đấu cao bất ngờ của lực lượng phòng không Syria.

Những thông tin ban đầu cho biết tại thời điểm diễn ra cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình đã có "bóng dáng" của tiêm kích Israel ở khu vực lân cận, dẫn tới nhận định cho rằng không quân Nhà nước Do Thái chính là tác giả của vụ oanh kích bất ngờ trên.

Bên cạnh đó, đã có nhiều ý kiến cho rằng vũ khí được sử dụng là tên lửa hành trình không đối đất Delilah (căn cứ đường bay từ biển Địa Trung Hải qua không phận Lebanon), đây là trang bị phổ biến của các tiêm kích Israel khi thực hiện các phi vụ tấn công mục tiêu trên lãnh thổ nước ngoài.

Tuy vậy điều gây ngạc nhiên giới quan sát đó là hiệu suất chiến đấu cao đến mức bất ngờ của lực lượng phòng không Syria, khi họ đã vô hiệu hóa được hầu hết số đạn hành trình tối tân trên, bí quyết nào đã dẫn tới thắng lợi này?

Nghi vấn tên lửa sát thủ đời mới Israel lần đầu tham chiến nhưng PK Syria dễ dàng bắn hạ? - Ảnh 1.

Tên lửa hành trình không đối đất Delilah của Không quân Israel

Đầu tiên cần xem xét kỹ tính năng của tên lửa Delillah, đây là loại đạn do thám/tấn công cực kỳ lợi hại và rất độc đáo, khi có thể "lượn lờ" trên khu vực bị oanh kích như một chiếc UAV để tìm kiếm những mục tiêu có giá trị cao, được ngụy trang kỹ càng nhất trong một thời gian khá dài.

Nhờ vào khối lượng nhẹ (trọng lượng phóng chỉ 187 kg với đầu đạn đa chủng loại nặng 30 kg), thiết kế module nhỏ gọn (chiều dài 2,71 m; sải cánh 1,15 m; đường kính thân 0,33 m), Delilah triển khai được từ trực thăng vũ trang, tiêm kích F-16, hay thậm chí phóng đi từ mặt đất.

Trước khi lao vào mục tiêu ở tốc độ cận âm (Mach 0,85), toạ độ oanh kích được cài đặt trong bộ nhớ chương trình điều khiển bay của Delilah, tên lửa sẽ liên tục kết nối với hệ thống định vị GPS để hiệu chỉnh đường bay, sai số của nó chỉ vào khoảng 1 m trong khi tầm bắn tối đa lên tới 250 km, "ngoài vùng phủ sóng" của hầu hết các hệ thống phòng không tầm xa hiện đại.

Nghi vấn tên lửa sát thủ đời mới Israel lần đầu tham chiến nhưng PK Syria dễ dàng bắn hạ? - Ảnh 2.

Hệ thống tên lửa phòng không Pechora-2M của Syria phóng đạn đánh chặn

Sau khi điểm qua tính năng của Delilah có thể nhận thấy rằng bên cạnh những tính năng ưu việt thì nó cũng tồn tại một vài nhược điểm không hề nhỏ.

Điểm yếu đầu tiên nằm ở chính khả năng lượn lờ trên không của nó, khi phải quần vòng ở độ cao tương đối lớn trong thời gian dài nhằm xác định thật rõ mục tiêu thì Delilah dĩ nhiên cũng ngay lập tức trở thành đối tượng cho tên lửa phòng không tiêu diệt, phía phòng thủ sẽ có thời gian để theo dõi và tập trung hỏa lực cho một phát bắn thật chính xác.

Tiếp theo, kích thước của Delilah tương đối lớn với sải cánh rộng trong khi vận tốc lại nhỏ, nó còn bị cho là không có khả năng thực hiện thao tác vận động theo hình răng cưa trong quá trình tiếp cận, dẫn tới việc dễ bị bắn hạ nếu đã lọt vào tầm ngắm kể cả của tên lửa vác vai.

Cuối cùng, phòng không Syria những ngày gần đây đã duy trì chế độ trực chiến nghiêm ngặt nhằm tránh bị bất ngờ, do họ đã liên tục bị cảnh báo sẽ trở thành đối tượng bị tấn công.

Khi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phải đối đầu với loại vũ khí không quá đáng sợ thì thành tích ấn tượng như trên là điều dễ hiểu.

Tên lửa hành trình Delilah - Phiên bản đất đối đất

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại