Theo Science Alert, phương pháp được phát triển bởi Đại học Rice, Đại học Texas A&M và Đại học Texas (Mỹ) đã có thể tiêu diệt đến 99% các tế bào ung thư trong thử nghiệm.
Phương pháp này tận dụng các phân tử aminocyanine, thường được dùng như một loại thuốc nhuộm trong y học nhằm "đánh dấu" các tế bào ung thư.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng ánh sáng cận hồng ngoại để kích thích phân tử aminocyanine, khiến các electron bên trong chúng rung động, tạo thành cái gọi là "plasmon phân tử", tức các thực thể rung động tập thể điều khiển chuyển động bên trong phân tử.
Sự rung động đồng bộ này đã phá vỡ được màng tế bào ung thư.
"Đây là lần đầu tiên một plasmon phân tử được sử dụng theo cách này để kích thích toàn bộ phân tử và thực sự tạo ra tác động cơ học nhằm vào mục tiêu cụ thể" - nhà hóa học Ceceron Ayala-Orozco từ Đại học Rice, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Theo bài công bố nghiên cứu trên tạp chí Nature Chemistry, kỹ thuật cơ sinh học đơn giản này lại có ưu điểm đặc biệt là các tế bào ung thư khó có thể phát triển những đặc tính kháng trị.
Các tác giả vẫn đang xem xét các loại phân tử khác có tiềm năng ứng dụng tương tự, cũng như tiến tới các bước thử nghiệm cao hơn, bao gồm thử nghiệm trên động vật và thử nghiệm lâm sàng.
Tuy mới chỉ là bước đầu nhưng phương pháp này đem lại niềm hy vọng lớn cho các bệnh nhân mắc ung thư ở các cơ quan khó có thể điều trị triệt để, ví dụ như ung thư xương.