Cho đến nay, Washington vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ukraine kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt do Nga phát động diễn ra ngày 24/2, với hơn 16,8 tỷ USD hỗ trợ quân sự được cung cấp.
Hệ thống pháo phản lực HIMARS. Ảnh: Fadel Senna
Tuy nhiên, một số kho vũ khí của Mỹ đang ở "mức tối thiểu cho các kế hoạch chiến tranh và huấn luyện", trong khi việc bổ sung vũ khí bằng với mức trước xung đột có thể mất một vài năm, nhà phân tích Mark Cancian thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho hay.
Washington đang rút ra bài học từ cuộc xung đột này về nhu cầu đạn dược trong cuộc chiến với một nước lớn, đó là nhu cầu sử dụng có thể lớn hơn nhiều so với dự tính, một quan chức quân sự Mỹ giấu tên thừa nhận.
Các công ty quốc phòng Mỹ từng bị buộc phải giảm sản xuất vào những năm 1990 khi Mỹ cắt giảm ngân sách quốc phòng sau khi Liên Xô tan rã. Hiện nay, chính phủ Mỹ đang phải thuyết phục ngành quốc phòng mở lại các dây chuyền lắp ráp và nối lại sản xuất một số loại vũ khí như các tên lửa phòng không Stinger, vốn không được sản xuất từ năm 2020.
Một số vũ khí Mỹ cung cấp được sử dụng phổ biến trên chiến trường Ukraine, trong đó có tên lửa chống tăng Javelin - từng được Ukraine sử dụng để đối phó với Nga trong chiến dịch kháng cự ở Kiev và hệ thống pháo phản lực HIMARS - hiện đóng vai trò then chốt trong các chiến dịch phản công của Ukraine ở phía Đông và phía Nam.
Không có giải pháp thay thế
Tuy nhiên, loại đạn dược sử dụng cho hệ thống HIMARS của Mỹ - cụ thể là tên lửa dẫn đường bằng GPS (GMLRS) với tầm bắn hơn 80 km, đang sụt giảm.
"Nếu Mỹ cung cấp 1/3 kho vũ khí cho Ukraine (tương tự như trường hợp của tên lửa Javelin và Stinger), Ukraine sẽ nhận được khoảng 8.000 - 10.000 tên lửa. Số lượng tên lửa này có thể hỗ trợ Kiev chiến đấu trong một vài tháng nhưng khi kho tên lửa cạn kiệt, sẽ không có các giải pháp thay thế", ông Cancian cho hay.
"Trong 1 năm có thể sản xuất khoảng 5.000 tên lửa. Mặc dù Mỹ đang tăng cường sản xuất và gần đây tập trung ngân sách vì mục đích trên nhưng quá trình này có thể mất một vài năm", nhà phân tích Cancian bình luận, đồng thời cho biết các phương tiện quân sự cũ hơn có thể hỗ trợ lấp đầy khoảng trống này.
Mỹ đã cung cấp khoảng 8.500 tên lửa Javelin cho Ukraine nhưng trong 1 năm chỉ có khoảng 1.000 vũ khí này được sản xuất.
Cam kết hỗ trợ lâu nhất có thể
Chính phủ Mỹ đã chi 350 triệu USD để tăng cường sản xuất tên lửa hồi tháng 5 nhưng quá trình này sẽ mất một vài năm trước khi kho vũ khí được bổ sung.
Theo Lầu Năm Góc, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 800.000 quả đạn pháo cỡ nòng 155mm tiêu chuẩn NATO - chiếm 3/4 tổng số đạn dược mà tất cả các nước phương Tây hỗ trợ Kiev.
Theo ông Cancian: "Số lượng đạn pháo mà Mỹ cung cấp có lẽ gần tới giới hạn Washington sẵn sàng hỗ trợ khi chưa tính tới rủi ro đối mặt với chiến tranh của mình".
Hiện Mỹ sản xuất khoảng 14.000 đạn pháo cỡ nòng 155mm/tháng, song Lầu Năm Góc thông báo mục tiêu của họ là tăng số lượng này lên 36.000 quả đạn pháo trong vòng 3 năm. Điều đó tức là trong một năm, Mỹ có thể sản xuất khoảng 432.000 loại đạn này – vẫn ít hơn một nửa số lượng đạn pháo đã cung cấp cho Ukraine trong 7 tháng vừa qua.
Quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ Laura Cooper cho biết, ngành quốc phòng Mỹ đang tăng cường sản xuất đạn dược và vũ khí.
"Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh với người dân Ukraine và cung cấp hỗ trợ an ninh cần thiết lâu nhất có thể", bà Laura Cooper cho hay./.