Vì sao chúng ta nổi da gà?
Nổi da gà, ớn lạnh - bất kể bạn gọi chúng là gì - là một cảm giác dễ chịu kỳ lạ mà hầu hết chúng ta đều trải qua khi bị lạnh hay dâng trào cảm xúc. Hiện tượng này tạo ra những nốt nhỏ trên da thịt (giống như da gà vặt lông) và khiến chúng ta ớn lạnh sống lưng.
Nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao mình lại nổi da gà chưa? Câu trả lời hóa ra rất thú vị.
Tiến sĩ Keith W. Roach, bác sĩ nội khoa và phó giáo sư về Y học lâm sàng tại trường Y tế Weill thuộc Đại học Cornell cho biết: "Nổi da gà là một đặc trưng tiến hóa lâu đời".
Nổi da gà là kết quả của hiện tượng piloerection, hiện tượng "trổ lông" tạm thời trên bề mặt da xảy ra khi cơ piloerector co lại. Những cơ nhỏ này được gắn vào các lỗ chân lông trên da.
Piloerection là một phản ứng tự nhiên từ hệ thống thần kinh giao cảm và được gợi ra bởi cảm giác lạnh, sợ hãi hoặc trải nghiệm giật mình.
Nổi da gà có hai mục đích. Roach nói: "Một là để giữ ấm cho chúng ta, điều mà thực tế không có nhiều tác dụng vì con người không có nhiều lông".
Ví dụ, thời tiết lạnh có thể kích hoạt hiện tượng piloerection ở động vật có vú - cũng như các loài chim - khiến lông (hoặc lông vũ) của chúng dựng đứng và sau đó co lại. Hành động này tạo ra một lớp không khí bên dưới lớp lông của con vật giúp cách nhiệt cơ thể khỏi nhiệt độ lạnh giá.
Hành động này cũng xảy ra khi động vật nhận thấy một mối đe dọa đang ở gần. Trong tình huống đó, khi cơ piloerector co lại và khiến lông dựng lên, nó sẽ tạo ra vẻ ngoài to lớn hơn cho con vật, khiến đối thủ e ngại.
Tuy nhiên, con người cũng có thể nổi da gà trong những khoảnh khắc trải nghiệm cảm xúc mạnh mẽ. "Âm nhạc và phim ảnh là một số cách khơi gợi cảm xúc nổi da gà. Điều đó rất thú vị", Roach nói.
Roach trích dẫn một nghiên cứu được công bố vào tháng 1/2011 trên tạp chí Biological Psychology, trong đó các nhà nghiên cứu đo mức độ nổi da gà ở một nhóm tình nguyện viên khi họ nghe nhạc và xem phim.
Kết quả thật hấp dẫn. Ca khúc đình đám "My Heart Will Go On" của Celine Dion, được xếp hạng ớn lạnh ở mức 50% và tỷ lệ nổi da gà là 14% so với "Purple Rain" của Prince, đạt tỷ lệ ớn lạnh 100% và tỷ lệ nổi da gà 50%.
Vì sao bài nhạc hay khiến chúng ta nổi da gà?
Âm nhạc có liên quan gì đến nổi da gà? Mitchell Colver, một nhà nghiên cứu về âm nhạc và tâm lý học cho biết: "Để hiểu rõ hơn về chứng nổi da gà, bạn phải hiểu rằng bạn có hai bộ não - bộ não cảm xúc và bộ não tư duy - và chúng phản ứng khác nhau với những thứ diễn ra xung quanh bạn".
Bộ não cảm xúc là nguyên thủy. Giống như một chú thỏ trong rừng liên tục phải đối mặt các mối đe dọa, khi ấy não sẽ kích hoạt phản ứng sinh lý tự động, được gọi là phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy.
Vì kích hoạt phản ứng sinh tồn, bộ não cảm xúc sẽ kích hoạt ngay lập tức khi nó nhận thấy nguy hiểm, lấn át bộ não tư duy.
"Vì vậy, khi có âm thanh trong môi trường, bao gồm cả âm thanh trong âm nhạc, bộ não cảm xúc không xử lý nó thành âm nhạc. Nó chỉ thấy rằng đó là tiếng hét của một người. Tiếng vĩ cầm cao ở một tần số nhất định cho thấy đó là tiếng ồn đe dọa", Colver nói.
Về âm nhạc, những đoạn có hòa âm bất ngờ hoặc thay đổi âm lượng đột ngột có thể gây ớn lạnh vì chúng "vượt quá" sự mong đợi của người nghe, về cơ bản thuyết phục não bộ rằng có điều gì đó không ổn.
Tuy nhiên, vài giây sau, bộ não tư duy sẽ phản ứng và thực hiện đánh giá lại về mặt nhận thức đối với tình huống. Nó nhận ra các nốt cao là âm nhạc, hiểu rằng không có gì đáng sợ, và tắt não cảm xúc, khiến cảm giác nổi da gà biến mất.
Hãy trở lại với con thỏ trong rừng. Trong vương quốc động vật, một khi mối đe dọa không còn nữa, chú thỏ sẽ quay trở lại chỗ kiếm ăn.
"Khi con người chúng ta đánh giá lại một thứ gì đó là vẻ đẹp thẩm mỹ (chứ không phải là một mối đe dọa thực sự) chúng ta sẽ tiết ra dopamine. Dopamine là hormone cảm thấy dễ chịu cho cơ thể", Colver cho hay.
"Và đó là lý do tại sao, đối với con người, nổi da gà là điều thích thú".
Hiện tượng nổi da gà khi nghe nhạc còn có tên riêng là frisson, một từ tiếng Pháp có nghĩa là "ớn lạnh trước những thứ đẹp đẽ". Một số nhà nghiên cứu gọi nó là "cực khoái trên da".
"Bài nhạc hay chính chính là cách giải tỏa căng thẳng tâm lý", Colver nói thêm.
Theo Colver, có thể chia ra khoảng 2/3 số người nổi da gà và 1/3 còn lại thì không. Lời giải thích ở đây đến từ tính cách của họ.
Colver đã phát hiện ra rằng những người được xếp vào loại "hứng thú với trải nghiệm" - một trong Năm Đặc điểm Tính cách Lớn - có nhiều khả năng nổi da gà hơn những người ít cởi mở với trải nghiệm.