Tên lửa vác vai Stinger. Ảnh: Business Today.
Lời cảnh báo về sử dụng vũ khí hạt nhân của Tổng thống Nga Putin sau khi ông tuyên bố sáp nhập 4 vùng ly khai của Ukraine, đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới lo ngại cuộc xung đột Nga-Ukaine có thể leo thang thành một cuộc chiến hạt nhân. Hiện các chuyên gia kiểm soát vũ khí và quốc phòng vẫn hy vọng "những cái đầu lạnh" sẽ chiếm ưu thế.
Vũ khí mà Ukraine đang có khó chống lại cuộc tấn công hạt nhân
Câu hỏi hiện giờ là Tổng thống Putin sẽ thực hiện động thái gì tiếp theo. Nhiều người suy đoán Nga có thể đã vận chuyển vũ khí hạt nhân đến gần Ukraine. Daryl Kimball, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí có trụ sở tại Mỹ nhận định cho rằng, Nga có các hệ thống tầm ngắn có thể mang tới 450 đầu đạn hạt nhân phóng từ trên không hoặc trên mặt đất. Những đầu đạn này được cất tại các cơ sở lưu trữ nằm ở 5 địa điểm khác nhau.
Theo chuyên gia Daryl Kimball, kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất là Nga có thể phóng tên lửa hành trình tầm ngắn mang đầu đạn hạt nhân với đương lượng nổ từ 1 kiloton đến 10 kiloton. Trong khi đó quả bom mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản ở cuối Thế chiến 2 có đương lượng nổ khoảng 15 kiloton.
Chuyên gia Kimball cho biết: "Đầu đạn hạt nhân có sức công phá như vậy sẽ tạo ra những vụ nổ khổng lồ, phát sinh bức xạ nhiệt cực lớn. Việc sử dụng vũ khí này nhằm vào các mục tiêu quân sự ở Ukraine sẽ gây thiệt hại nặng nề cho đối phương. Tất nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào số lượng đầu đạn mà ông Putin yêu cầu sử dụng và vị trí tấn công".
Ward Wilson, Giám đốc Điều hành của RealistRevolt, một tổ chức chuyên về loại bỏ vũ khí hạt nhân nhận định, giả sử Tổng thống Putin yêu cầu thả vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp vào một mục tiêu của Ukraine, chẳng hạn như căn cứ không quân hoặc nơi tập trung binh sỹ, thì ngay cả quả bom hạt nhân nhỏ nhất với đương lượng nổ 1 kiloton cũng sẽ phá hủy ngay lập tức mọi thứ ngay trong bán kính vài km, khiến một khu vực rộng lớn bị nhiễm phóng xạ. Nga được cho là có gần 2.000 vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp có sức công phá từ 1 đến 10 kiloton.
Nhà phân tích Ward Wilson lưu ý, những vũ khí mà Mỹ cung cấp cho Ukraine chẳng hạn như tên lửa vác vai Stinger, hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến NASAMS, Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) và hệ thống phòng không S-300 không thể bắn hạ một đầu đạn hạt nhân đã phóng.
Phát biểu với Newsweek, Tom Karako, thành viên cấp cao tại Chương trình An ninh Quốc tế và Giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định, phản ứng sẽ được đưa ra phụ thuộc vào loại vũ khí mang đầu đạn hạt nhân được triển khai: tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa siêu thanh. Việc đánh chặn cũng tùy thuộc vào phương tiện phóng và quỹ đạo của tên lửa.
Theo ông Tom Karako, Ukraine có những vũ khí phòng không "khá hạn chế nhưng vẫn rất quan trọng chẳng hạn như Stingers và NASAMS. Hệ thống tên lửa đất đối không MIM-104 Patriot mà Mỹ và các đồng minh đang sử dụng cũng là một lựa chọn khác. Trên thực tế, không thể bảo vệ tất cả mọi thứ trước một cuộc tấn công hạt nhân.
Còn Ian Williams, thành viên Chương trình An ninh Quốc tế tại CSIS cho rằng: "Có rất nhiều biến số. Liệu Ukraine có thể ứng phó trước một cuộc tấn công hay không? Điều này phụ thuộc vào phương tiện mang vũ khí. Nếu đó là một máy bay mang bom trọng lực, Ukraine có thể bắn hạ mục tiêu".
Khác với tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân tạo ra thách thức lớn hơn nhiều do các hệ thống phòng thủ của Ukraine như S-300 và NASAMS "không phù hợp với việc đánh chặn tên lửa đạn đạo".
Nguy cơ Mỹ và Nga đối đầu vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp?
Theo các chuyên gia của CSIS, nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường, dù là với bất cứ lý do gì thì điều này có thể gây ra sự tàn phá nghiêm trọng, khiến nhiều người thiệt mạng, đồng thời dẫn đến phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ và NATO.
Hầu hết các chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, chính quyền Biden nhiều khả năng sẽ đáp trả bằng một cuộc tấn công sử dụng vũ khí thông thường nhưng quy mô lớn kết hợp với nỗ lực tập hợp sự ủng hộ của đồng minh và đối tác để cô lập Nga hoàn toàn.
Song không loại trừ kịch bản Mỹ cũng sử dụng vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp. Mỹ có rất nhiều vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp có thể sử dụng cho máy bay ném bom và máy bay chiến đấu. Theo một số nhà phân tích, Mỹ có thể nhắm vào một căn cứ không quân ở Nga – nơi thực hiện cuộc tấn công hạt nhân.
Chuyên gia kiểm soát vũ khí Joe Cirincione lập luận, Mỹ có thể sử dụng vũ khí này nếu một thành phố của Ukraine hoặc của châu Âu bị tấn công. Bản Đánh giá Khả năng Hạt nhân của Mỹ cho biết:
"Việc mở rộng các lựa chọn hạt nhân linh hoạt hiện nay, trong đó có lựa chọn về vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp là điều quan trọng để duy trì khả năng răn đe trước mọi hành vi gây hấn trong khu vực. Điều đó sẽ khiến các đối thủ tiềm năng nhận thấy rằng họ sẽ không có bất cứ lợi thế nào trong một cuộc xung đột hạt nhân giới hạn và như vậy, nguy cơ sử dụng hạt nhân sẽ giảm đáng kể".
Lựa chọn này sẽ giúp Mỹ trấn an Ukraine và các đồng minh rằng, Washington sẵn sàng "ăn miếng trả miếng" với Nga. Nhưng điều đó có thể dẫn đến một loạt cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật giữa Nga và Mỹ.
Tất nhiên, đây chỉ là suy đoán. Giới chức Mỹ cho đến nay vẫn né tránh tiết lộ phản ứng chính xác của họ đối với một cuộc tấn công hạt nhân tiềm tàng của Nga. Tổng thống Joe Biden chỉ cảnh báo rằng, Nga sẽ phải đối mặt hậu quả nghiêm trọng nếu Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân, ý nói phản ứng của Washington sẽ phụ thuộc vào "mức độ hành động của Nga".
Giới phân tích nhận định, khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine là thấp nhưng vẫn cần nhìn nhận một cách nghiêm túc lời cảnh báo của Tổng thống Putin. Thông thường, một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân như Nga sẽ tính toán rất kỹ lưỡng về khả năng đối thủ đáp trả trước khi đưa ra quyết định tấn công.